Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 41/2017/TT-BQP quy định nội dung và phương pháp tổ chức kiểm tra đánh giá nâng bậc trình độ kỹ năng nghề; cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, điều kiện miễn kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Chương II

PHÂN LOẠI KHUNG BẬC TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ; NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Mục 1. PHÂN LOẠI KHUNG BẬC TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 4. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề

1. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng được quy định theo tiêu chuẩn bậc trình độ kỹ năng nghề của các chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Đối với các ngành nghề trong lĩnh vực tương ứng với ngành, nghề dân dụng thực hiện theo tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 5. Phân loại khung bậc trình độ kỹ năng nghề

1. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 7 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/7 đến bậc 4/7;

b) Bậc cao: Từ bậc 5/7 đến bậc 7/7.

2. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 6 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/6 đến bậc 4/6;

b) Bậc cao: Bậc 5/6 và bậc 6/6.

3. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 5 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/5 đến bậc 4/5;

b) Bậc cao: Bậc 5/5.

4. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 4 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/4 đến bậc 3/4;

b) Bậc cao: Bậc 4/4.

5. Đối với những nghề có khung bậc từ 2 đến 3 bậc trình độ kỹ năng, không phân định bậc thấp hoặc bậc cao.

Mục 2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 6. Nội dung kiểm tra

1. Kiểm tra lý thuyết:

a) Lý thuyết cơ sở ngành;

b) Lý thuyết chuyên môn nghề (lý thuyết chuyên ngành);

c) Nội dung điều lệ, chế độ, quy định của chuyên ngành có liên quan đến kỹ năng thực hành và an toàn, vệ sinh lao động;

d) Đối với trình độ kỹ năng nghề bậc cao, thực hiện kiểm tra theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản này và kiểm tra nội dung quản lý, kinh nghiệm sản xuất, sửa chữa hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sửa chữa, sản xuất, bảo dưỡng vũ khí trang bị kỹ thuật.

2. Kiểm tra thực hành:

a) Chế tạo hoặc gia công sản phẩm;

b) Sử dụng, điều khiển vũ khí trang bị kỹ thuật;

c) Sử dụng các dụng cụ đo lường, dụng cụ kiểm tra, kỹ năng đo lường;

d) Bảo quản, bảo dưỡng, hiệu chỉnh, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật;

đ) Tác phong làm việc, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, công nghệ và an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 7. Phương pháp kiểm tra

1. Kiểm tra lý thuyết, lựa chọn một trong những hình thức sau:

a) Trắc nghiệm;

b) Tự luận (viết trên giấy);

c) Vấn đáp (hỏi, đáp trực tiếp).

2. Kiểm tra thực hành:

a) Thao tác trên phương tiện, thiết bị, công cụ;

b) Tác nghiệp trên giấy để xử lý, giải quyết các tình huống;

c) Đối với trình độ kỹ năng nghề bậc cao, nội dung kiểm tra theo quy định và căn cứ yêu cầu cụ thể của từng nghề, kiểm tra thông qua việc sản xuất, chế thử theo đề tài nghiên cứu, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Điều 8. Phương pháp chấm điểm

1. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra phê duyệt đáp án và thang điểm chuẩn của nội dung kiểm tra (gồm lý thuyết và thực hành).

2. Giám khảo căn cứ vào đáp án và thang điểm chuẩn của từng nội dung kiểm tra để chấm điểm.

3. Một bài kiểm tra lý thuyết hoặc thực hành phải có ít nhất 02 (hai) giám khảo chấm điểm độc lập. Điểm của bài kiểm tra (lý thuyết hoặc thực hành) là trung bình cộng điểm chấm của các giám khảo, lấy kết quả đến hai chữ số ở phần thập phân.

4. Công nhân quốc phòng là người dân tộc thiểu số hoặc quân số các đơn vị đóng quân trên địa bàn thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thời gian công tác từ 12 tháng trở lên, được ưu tiên cộng 01 (một) điểm vào bài kiểm tra lý thuyết và 01 (một) điểm vào bài kiểm tra thực hành.

5. Điểm kiểm tra tính theo thang điểm 10, là kết quả trung bình cộng của bài kiểm tra lý thuyết và bài kiểm tra thực hành, lấy đến một chữ số ở phần thập phân.

6. Đối với một số ngành, nghề kỹ thuật không áp dụng thang điểm 10, thực hiện theo quy định của các chuyên ngành kỹ thuật, nhưng phải phù hợp với tiêu chuẩn bậc trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng.

Điều 9. Đánh giá kết quả

1. Phân loại kết quả của bài kiểm tra:

a) Trường hợp áp dụng thang điểm 10:

- Loại giỏi: Từ 8 điểm đến 10 điểm;

- Loại khá: Từ 6,6 điểm đến dưới 8 điểm;

- Loại trung bình: Từ 5 điểm đến dưới 6,6 điểm;

- Không đạt: Dưới 5 điểm.

b) Trường hợp không áp dụng thang điểm 10, Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề quyết định lựa chọn một trong những phương pháp sau để công nhận kết quả:

- Quy đổi kết quả điểm kiểm tra lý thuyết hoặc kết quả điểm kiểm tra thực hành về thang điểm 10 để phân loại đánh giá theo Điểm a Khoản này;

- Áp dụng đánh giá kết quả theo quy định chấm điểm của một số ngành, nghề dân dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Trường hợp kết quả đạt từ 4 điểm đến dưới 5 điểm bài kiểm tra lý thuyết, nhưng bài kiểm tra thực hành đạt 7,5 điểm trở lên thì được xét và công nhận đạt yêu cầu.

2. Công nhận kết quả: Căn cứ vào biên bản và kết quả điểm kiểm tra lý thuyết và điểm kiểm tra thực hành của Ban giám khảo, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quyết định công nhận kết quả đối với công nhân quốc phòng tham dự kỳ kiểm tra đạt yêu cầu và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ nghề bậc mới.

Điều 10. Thẩm quyền giám sát

1. Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các cơ sở được giao nhiệm vụ kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

2. Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các cơ sở sản xuất thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

3. Thủ trưởng chuyên ngành kỹ thuật, thủ trưởng quân khu, quân đoàn và tương đương, chỉ đạo tổ chức giám sát quá trình bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề thuộc quyền quản lý.

Điều 11. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp khi kiểm tra lý thuyết hoặc kiểm tra thực hành, nếu người kiểm tra vi phạm quy chế, thì Ban giám khảo lập biên bản và đề nghị Hội đồng kiểm tra xử lý theo quy định.

2. Trường hợp khi kiểm tra lý thuyết hoặc kiểm tra thực hành, nếu người kiểm tra cố ý gây hư, hỏng phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ tác nghiệp và đo kiểm, nguyên vật liệu, vật tư thì bị xử lý theo quy chế kiểm tra và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ phúc tra bài kiểm tra trình độ kỹ năng nghề được quy định tại Điều 20 của Thông tư này, nếu thực hiện không chính xác, không đúng quy định hoặc kết quả bị sai lệch thì cá nhân, tổ chức bị xử lý kỷ luật theo quy định của quân đội.

Điều 12. Bồi dưỡng lý thuyết và thực hành

1. Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và rèn luyện kỹ năng thực hành cho công nhân quốc phòng tại cơ sở công tác trước khi tham dự kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

2. Cơ sở được giao nhiệm vụ kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và rèn luyện kỹ năng thực hành cho công nhân quốc phòng trước kỳ tổ chức kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

Mục 3. TỔ CHỨC KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 13. Thời gian tổ chức kiểm tra

1. Kiểm tra, đánh giá trình độ kỹ năng nghề được tổ chức định kỳ 01 (một) năm 01 (một) lần tại các cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

2. Đối với các ngành, nghề dân dụng, công nhân quốc phòng được tham dự kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề trong quân đội hoặc tại các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.

Điều 14. Quy trình tổ chức kiểm tra

1. Thành lập hội đồng, ban giám khảo kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

2. Lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức chuyên môn; kiểm tra, đánh giá kỹ năng thực hành và quy trình an toàn, vệ sinh lao động của người tham dự kiểm tra theo các bậc trình độ kỹ năng của từng nghề.

4. Giám sát quá trình kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

5. Công nhận kết quả kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

6. Cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho công nhân quốc phòng tham dự kiểm tra đạt yêu cầu.

Điều 15. Phân cấp tổ chức kiểm tra

1. Tổng cục Kỹ thuật chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc cao các ngành, nghề dân dụng đối với công nhân quốc phòng trong toàn quân.

2. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng các cơ sở sản xuất thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

3. Các quân khu, quân đoàn và tương đương chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc thấp đối với công nhân quốc phòng thuộc quyền.

4. Các chuyên ngành kỹ thuật

a) Chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc cao của chuyên ngành kỹ thuật đối với công nhân quốc phòng trong toàn quân;

b) Chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc thấp đối với công nhân quốc phòng làm việc trong các ngành, nghề thuộc các chuyên ngành kỹ thuật khác của các đơn vị trực thuộc.

Điều 16. Thành lập Hội đồng kiểm tra

1. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch và các ủy viên.

2. Thẩm quyền thành lập Hội đồng:

a) Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra bậc cao khu vực;

b) Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề của các cơ sở sản xuất thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng;

c) Tư lệnh quân khu, quân đoàn và tương đương quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề của quân khu, quân đoàn và tương đương;

d) Tư lệnh quân chủng, binh chủng và Thủ trưởng cục chuyên ngành quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề chuyên ngành kỹ thuật.

Điều 17. Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra

1. Chủ tịch Hội đồng

a) Phê duyệt kế hoạch kiểm tra;

b) Phê duyệt danh sách tham dự kiểm tra;

c) Phê duyệt đề kiểm tra, đáp án, thang điểm;

d) Ban hành nội quy, quy định chấm điểm và quy chế kiểm tra;

đ) Quyết định thành lập Ban giám khảo;

e) Phê duyệt và công nhận kết quả kiểm tra của từng thí sinh;

g) Báo cáo kết quả kiểm tra và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định tại Điều 25 Thông tư này;

h) Báo cáo kết quả về các chuyên ngành kỹ thuật liên quan để xét cấp chứng chỉ bậc kỹ năng nghề bậc mới (đối với thợ bậc cao);

i) Thông báo kết quả về cơ quan, đơn vị.

2. Các ủy viên

a) Xây dựng và báo cáo Chủ tịch Hội đồng phê duyệt kế hoạch kiểm tra, nội quy, quy định chấm điểm, quy chế kiểm tra;

b) Tổng hợp đánh giá kết quả kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

Điều 18. Nhiệm vụ của Ban giám khảo

1. Biên soạn đề, đáp án, thang điểm trình Chủ tịch Hội đồng phê duyệt.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan, chuẩn bị địa điểm kiểm tra, vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phụ tùng, dụng cụ, trang thiết bị công nghệ phục vụ kiểm tra.

3. Giám sát quá trình kiểm tra theo quy chế của Hội đồng kiểm tra.

4. Chấm điểm và tổng hợp kết quả kiểm tra.

Điều 19. Nhiệm vụ của Ủy viên thư ký

1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, nội quy, quy định chấm điểm và quy chế làm việc của Hội đồng kiểm tra.

2. Chuẩn bị văn bản, tài liệu liên quan của các kỳ họp hội đồng.

3. Tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo hội đồng và cấp trên theo quy định.

Điều 20. Phúc tra bài kiểm tra

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra, thí sinh được quyền nộp đơn đề nghị Hội đồng kiểm tra phúc tra bài kiểm tra.

2. Khi nhận được đơn đề nghị của thí sinh theo quy định, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thành lập Hội đồng phúc tra và tổ chức phúc tra theo quy chế, thông báo kết quả phúc tra đến cơ quan, đơn vị và thí sinh kiểm tra biết.

Điều 21. Điều kiện của cơ sở kiểm tra

1. Bảo đảm cơ sở vật chất

a) Phòng huấn luyện chuyên môn kỹ thuật, nhà xưởng và mặt bằng đạt tiêu chuẩn theo quy định;

b) Đầy đủ phương tiện, thiết bị, dụng cụ thực hành và phương tiện đo kiểm theo danh mục đánh giá trình độ kỹ năng cho từng nghề, bảo đảm tương ứng với số lượng công nhân quốc phòng tham dự đánh giá ở một bậc trình độ kỹ năng của mỗi nghề trong cùng một thời điểm.

2. Bảo đảm nhân lực

Đối với một bậc trình độ kỹ năng của mỗi nghề, có ít nhất 03 (ba) người đạt tiêu chuẩn được quy định tại Điều 22 Thông tư này; trong đó, có người đang làm việc tại cơ sở được giao nhiệm vụ kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

Điều 22. Điều kiện của người được giao nhiệm vụ kiểm tra

1. Điều kiện chung:

a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

b) Đáp ứng được một trong các điều kiện về trình độ kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 của Điều này;

2. Điều kiện cụ thể:

a) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc 1, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 3 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ cao đẳng trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

b) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 2, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 4 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ cao đẳng trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

c) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 3, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 5 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc trong nghề.

d) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 4, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 5 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

đ) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 5, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 5 của nghề tương ứng và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 6 của nghề tương ứng và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

e) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 6, phải đáp ứng một trong các điều sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 6 của nghề tương ứng và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 7 của nghề tương ứng và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 07 (bảy) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

g) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 7, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 7 của nghề tương ứng và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 09 (chín) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

Thông tư 41/2017/TT-BQP quy định nội dung và phương pháp tổ chức kiểm tra đánh giá nâng bậc trình độ kỹ năng nghề; cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, điều kiện miễn kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 41/2017/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/02/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bế Xuân Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 193 đến số 194
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH