Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 3. YÊU CẦU TRONG QUÁ TRÌNH CẤP PHÁT VÀ VẬN CHUYỂN NHIÊN LIỆU HÀNG KHÔNG

Điều 29. Quy định chung đối với nhiên liệu hàng không trong cấp phát và vận chuyển

1. Nhiên liệu hàng không chỉ được cấp phát cho phương tiện vận chuyển, tra nạp khi nhiên liệu hàng không đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

a) Đúng chủng loại, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn nhiên liệu hàng không, không bị nhiễm bẩn;

b) Nhiên liệu trong bể chứa có đủ thời gian ổn định tối thiểu theo quy định sau tiếp nhận;

c) Phải kiểm tra và xả sạch nước, tạp chất ở đáy bể chứa;

d) Mọi quá trình vận chuyển nhiên liệu hàng không phải kèm theo Chứng nhận xuất hàng;

đ) Bản sao chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất của lô hàng phải kèm theo quá trình giao nhận ban đầu từ kho đầu nguồn hoặc nhà máy, đồng thời phải có bản sao của Chứng nhận kiểm tra lại gần nhất còn hiệu lực sử dụng;

e) Nếu độ dẫn điện của Jet A-1 thấp hơn mức cho phép, phải pha thêm phụ gia chống tĩnh điện trong quá trình bơm chuyển sản phẩm.

2. Nguyên tắc cấp phát nhiên liệu

a) Nhiên liệu nhập kho trước cấp trước, nhập kho sau cấp sau;

b) Cấp phát trước những lô hàng, bể chứa có dự trữ chất lượng ít hơn; những lô, bể chứa có dự trữ chất lượng cao hơn, cấp sau;

c) Cấp theo quy định của hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan;

d) Cấp hết nhiên liệu của từng lô, bể chứa; phải hạn chế đến mức thấp nhất số lượng nhiên liệu lẫn giữa hai lô, bể chứa.

Điều 30. Cấp phát nhiên liệu hàng không vào tàu dầu, xà lan

1. Kiểm tra phương tiện vận chuyển nhiên liệu hàng không

a) Chủ phương tiện vận chuyển sử dụng tàu chuyên dụng phải thực hiện việc làm sạch phương tiện theo Quy trình quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này. Nếu vận chuyển bằng tàu không chuyên dụng phải kiểm tra phương tiện để đảm bảo đủ điều kiện vận chuyển nhiên liệu hàng không. Chủ phương tiện vận chuyển phải chịu trách nhiệm về độ sạch của phương tiện trước khi vận chuyển nhiên liệu hàng không và phải chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng sản phẩm trên phương tiện vận chuyển;

b) Trước khi nạp nhiên liệu, các khoang chứa, đường ống và bơm phải được kiểm tra, đảm bảo sạch, khô và không có dấu vết của sản phẩm khác;

c) Kiểm tra giấy phép đăng kiểm, bảng dung tích các hầm hàng, bản xác nhận chủng loại nhiên liệu đã vận chuyển trước đó hoặc biên bản làm sạch phương tiện (nêu có).

2. Cấp phát nhiên liệu hàng không Jet A-1

a) Kiểm tra chất lượng nhiên liệu trong quá trình cấp phát qua hệ thống công nghệ chuyên dụng xuống phương tiện vận chuyển chuyên dụng: phải lấy mẫu nhiên liệu trong đường ống cấp phát tại vị trí gần phương tiện tiếp nhận nhất, kiểm tra độ sạch (màu, tạp chất) và khối lượng riêng nhiên liệu tối thiểu tại những thời điểm sau: nhiên liệu bắt đầu xuống hầm hàng từ một lô, bể chứa; khi chuyển hầm hàng tiếp nhận; ngay trước khi dừng bơm cấp hàng xuống tàu, xà lan; nếu màu sắc thay đổi, nhiên liệu có nước, tạp chất hoặc sai lệch khối lượng riêng giữa thực tế và hồ sơ chất lượng lớn hơn 3 kg/m3 phải dừng cấp phát để làm rõ nguyên nhân;

b) Kiểm tra chất lượng nhiên liệu trong quá trình cấp phát qua hệ thống công nghệ hoặc tàu, xà lan vận chuyển không chuyên dụng: cấp vào từng hầm hàng khoảng 500 mm chiều cao nhiên liệu, dừng cấp phát, lấy mẫu từ các hầm hàng, lập mẫu gộp để kiểm tra, đối chiếu kết quả với hồ sơ chất lượng theo các chỉ tiêu sau: màu sắc, độ sạch (kiểm tra bằng mắt); khối lượng riêng; điểm chớp cháy; điểm băng; cho phép cấp phát nếu so sánh kết quả về màu sắc, độ sạch với khối lượng riêng của mẫu gộp và nhiên liệu đang cấp phát phù hợp nhau, tiếp tục cấp đủ số lượng nhiên liệu xuống phương tiện. Các kết quả của điểm chớp cháy và điểm băng so sánh với kết quả phân tích nhiên liệu trong bể cấp phát, nếu kết quả chênh lệch lớn hơn 3 °C, nhiên liệu có thể bị nhiễm bẩn; phải lập mẫu gộp từ các hầm hàng để kiểm tra chất lượng nhiên liệu trên phương tiện theo quy định kiểm tra lại. Nhiên liệu đạt yêu cầu chất lượng khi các chỉ tiêu kỹ thuật kiểm tra lại phù hợp quy định của tiêu chuẩn; nếu hàng vận chuyển nội bộ có thể không phải thực hiện kiểm tra lại chất lượng nhiên liệu khi được sự chấp thuận của chủ lô hàng.

c) Lập mẫu thuyền trưởng khi đã cấp đủ nhiên liệu vào các hầm hàng: người phụ trách kho cấp hàng lập 2 mẫu thuyền trưởng và niêm phong có xác nhận của đại diện phương tiện vận chuyển, đại diện tổ chức giám định (nếu có) và đại diện kho giao hàng; một mẫu gửi theo phương tiện đến kho trả hàng, một mẫu lưu tại tổ chức giám định (nếu có) hoặc tại kho giao hàng. Chỉ kiểm tra các mẫu này khi có nghi ngờ về chất lượng nhiên liệu trong vận chuyển, thời gian lưu mẫu tối thiểu 1 tháng từ khi phương tiện vận chuyển trả hàng xong tại kho trả hàng.

d) Kết thúc cấp phát: phải thực hiện đo, kiểm tra để xác định số lượng nhiên liệu trong từng hầm và trên phương tiện; lập hóa đơn xuất hàng, phải ghi rõ: kho xuất, kho nhận, tên nhiên liệu, số lượng, nhiệt độ, khối lượng riêng nhiên liệu trong từng hầm và tổng số lượng nhiên liệu; kiểm tra các hầm phụ (nếu có) của phương tiện, niêm phong các hầm hàng; lập hồ sơ chất lượng gửi theo phương tiện: kho cấp phát phải gửi theo phương tiện vận chuyển chứng nhận kiểm tra lại (hoặc kiểm tra định kỳ) còn hiệu lực sử dụng, chứng nhận xuất hàng; kiểm tra số lượng hàng xuất của kho, số hàng tiếp nhận của phương tiện, xác định tỷ lệ hao hụt cấp phát.

Điều 31. Cấp phát nhiên liệu hàng không cho xi téc ô tô, xi téc đường sắt

1. Kiểm tra phương tiện tiếp nhận

a) Xi téc ô tô và xi téc đường sắt phải được kiểm tra để đảm bảo rằng phương tiện đã sạch và không còn nước trước khi nạp nhiên liệu; chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về độ sạch của phương tiện.

b) Kiểm tra Chứng nhận kiểm định dung tích xi téc, đăng ký và giấy phép lưu hành của phương tiện, các giấy tờ phải hợp lệ và còn hiệu lực.

c) Kiểm tra tình trạng kỹ thuật, bảo đảm an toàn của phương tiện: xi téc không bị cải tạo làm thay đổi dung tích, không có các hầm phụ, vách ngăn gây nút khí, đường ống phụ có thể gây thất thoát nhiên liệu trong giao nhận; có đầy đủ phương tiện chữa cháy ban đầu và các thiết bị đảm bảo an toàn khác.

2. Cấp nhiên liệu vào xi téc ô tô, xi téc đường sắt

a) Phải đấu nối và duy trì dây truyền tĩnh điện giữa giàn cấp phát với phương tiện tiếp nhận trước và trong suốt quá trình nạp nhiên liệu vào phương tiện.

b) Nạp nhiên liệu vào xi téc qua hệ thống nạp kín phải đảm bảo hệ thống tự động dừng cấp phát và bảo vệ đường ống công nghệ, bảo vệ xi téc hoạt động ổn định, chính xác, không gây tràn nhiên liệu và đảm bảo an toàn cho đường ống và xi téc.

c) Nạp nhiên liệu qua cửa nhập trên cổ xi téc cần xuất nhiên liệu phải sạch, tránh làm nhiễm bẩn nhiên liệu; đưa đầu ống xuất càng gần đáy xi téc càng tốt để hạn chế phát sinh tĩnh điện và bay hơi nhiên liệu. Không xả nhiên liệu từ giữa hoặc đỉnh xi téc xuống đáy; ngăn bụi và nước xâm nhập vào nhiên liệu, phải giảm tác động của hơi nhiên liệu đối với công nhân cấp phát; cấp đủ số lượng nhiên liệu theo tấm mức trên cổ xi téc hoặc số đo đồng hồ lưu lượng, đóng van xuất từ từ (3-5 giây), đo nhiệt độ nhiên liệu.

3. Kết thúc cấp phát nhiên liệu

a) Sau khi hoàn thành việc nạp nhiên liệu vào xi téc, kiểm tra nước tự do trong tất cả các khoang của xi téc và phải tiến hành xả để loại bỏ nước.

b) Kiểm tra, xác nhận số lượng nhiên liệu trên phương tiện giữa người giao, người nhận, niêm phong hàng hóa.

c) Lập hóa đơn xuất hàng, thông tin gồm: kho xuất, kho nhận, tên nhiên liệu, số lượng thực tế (hoặc số lượng trong từng khoang) và quy đổi về thể tích tại 15 °C, khối lượng riêng nhiên liệu tại 15 °C, nhiệt độ nhiên liệu khi cấp phát, số đăng ký của phương tiện, ký hiệu bể xuất, xác nhận của người giao, người nhận và đại diện kho cấp phát.

d) Hồ sơ chất lượng nhiên liệu kho xuất phải chuẩn bị và gửi theo phương tiện hoặc gửi kho tiếp nhận Chứng nhận chất lượng gần nhất của lô hàng còn hiệu lực (Chứng nhận kiểm tra lại hoặc Chứng nhận chất lượng của nhà máy lọc dầu) và Chứng nhận xuất hàng.

đ) Phải giải quyết xong mọi khiếu nại của người nhận hàng về số lượng, chất lượng nhiên liệu cấp phát trước khi cho phương tiện rời kho.

e) Xác định số lượng nhiên liệu cấp phát của từng bể chứa, tỷ lệ hao hụt.

g) Trước khi vận chuyển, đóng kín và niêm phong tất cả các cửa của khoang chứa, kiểm tra để đảm bảo xi téc đã được đánh dấu đúng chủng loại nhiên liệu.

Điều 32. Cấp phát nhiên liệu hàng không cho xe tra nạp

1. Đảm bảo chất lượng nhiên liệu hàng không cấp phát cho xe tra nạp

a) Nhiên liệu phản lực cấp phát để tra nạp cho tàu bay phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các phiên bản hiện hành tại TCVN 6426 và tài liệu JIG (AFQRJOS) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Nhiên liệu cấp phát để tra nạp cho tàu bay phải được kiểm tra chất lượng theo quy định kiểm tra lại hoặc kiểm tra định kỳ (nhiên liệu bảo quản dài ngày) còn hiệu lực sử dụng.

c) Xe tra nạp dừng hoạt động từ 4 giờ trở lên phải thực hiện xả tạp chất, nước đáy xi téc trước khi nạp bổ sung nhiên liệu vào xi téc.

d) Cấp phát nhiên liệu cho xe tra nạp phải qua thiết bị lọc theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này.

2. Cấp nhiên liệu vào xi téc, xe tra nạp

a) Đảm bảo an toàn: phải duy trì nối dây truyền tĩnh điện giữa giàn cấp phát và xe tra nạp trước và trong suốt quá trình nạp nhiên liệu vào xe; chỉ được nạp nhiên liệu đến mức chứa tối đa cho phép của xi téc, không được để nhiên liệu vượt quá vạch mức hay tràn nhiên liệu.

b) Cấp nhiên liệu vào xi téc qua hệ thống nạp kín: hệ thống tự động dừng cấp phát, thiết bị bảo vệ đường ống công nghệ phải hoạt động ổn định, chính xác, không để tràn nhiên liệu hoặc hư hỏng đường ống do tăng áp suất dòng nhiên liệu khi ngừng nạp đột ngột; van thở bảo vệ xi téc xe tra nạp làm việc ổn định; kiểm tra độ sạch đầu ống cấp phát và cửa nạp đáy xe tra nạp, làm sạch trước khi đấu nối; nhân viên vận hành thiết bị nạp nhiên liệu cho xe tra nạp phải có mặt trong suốt thời gian và có thể tiếp cận các thiết bị ngắt dòng chảy khẩn cấp, sẵn sàng xử lý các sự cố có thể xảy ra.

c) Cấp nhiên liệu qua cửa nhập cổ xi téc xe tra nạp (nạp hở): kiểm tra độ sạch cần xuất trước khi đưa vào xi téc của xe tra nạp; giữ đầu ống xuất cách đáy xi téc ở khoảng cách ngắn nhất có thể để hạn chế phát sinh tĩnh điện và bay hơi nhiên liệu, không xả nhiên liệu từ trên cao xuống đáy xi téc hoặc bề mặt nhiên liệu trong xi téc. Khi đã cấp đủ nhiên liệu, đóng van xuất từ từ (3-5 giây) để hạn chế tăng áp suất trong đường ống, không để nước, tạp chất xâm nhập vào xi téc trong quá trình cấp nhiên liệu, hạn chế đến mức thấp nhất tác động hơi nhiên liệu đến người cấp phát; bịt đầu ống xuất bằng bao bịt sạch trước khi đưa vào vị trí cất giữ.

d) Cấp nhiên liệu vào xe tra nạp tại sân bay qua hệ thống tra nạp đường ống ngầm phải có phương án đề phòng rò tràn nhiên liệu. Xe tra nạp có thể được lắp thiết bị ngắt chống tràn hai cấp. Nếu các xe tra nạp hiện có chỉ được trang bị hệ thống chống tràn một cấp thì cho phép nạp nhiên liệu vào xe qua hệ thống đường ống tra nạp ngầm khi có lượng kế loại có thể đặt trước lượng nhiên liệu xuất ra qua lưu lượng kế, đồng thời phải tính toán lại số lượng nhiên liệu cần nạp để cài đặt cho lượng kế.

đ) Xả tạp chất, nước đáy xi téc: Sau khi nạp đầy xi téc, để nhiên liệu ổn định trong xi téc tối thiểu 5 phút, xả nhiên liệu đáy xi téc qua van xả đáy, lấy mẫu kiểm tra trực quan. Nếu tạp chất và nước ít, nhiên liệu không thay đổi màu sắc, tiếp tục xả để lấy được mẫu trong và sạch, nhiên liệu trong xi téc cho phép tra nạp cho tàu bay, nếu tạp chất và nước nhiều, nhiên liệu biến màu, phải cách ly xe tra nạp để tìm nguyên nhân và xử lý, chỉ được tra nạp cho tàu bay khi nhiên liệu đã được xử lý và đảm bảo yêu cầu chất lượng theo quy định của tiêu chuẩn sản phẩm.

e) Thực hiện xả nước, tạp chất tại kho nhiên liệu hàng không trước khi ra sân đỗ, xe tra nạp xả nước và tạp chất phải thực hiện ở tốc độ dòng cực đại tại rốn xả đáy của xi téc, dưới áp lực từ rốn của thiết bị lọc, tách, thiết bị lọc tinh, và cửa vào của thiết bị lọc hấp thụ. Thời điểm xả kiểm tra được thực hiện như sau: hàng ngày vào đầu mỗi ca làm việc buổi sáng; sau khi đổ đầy nhiên liệu vào xi téc; sau khi xe tra được dùng để hút nhiên liệu, sau khi có các đợt mưa lớn; sau khi rửa xe, bảo dưỡng xi téc, hệ thống tra nạp hoặc thiết bị lọc. Đối với xe truyền tiếp nhiên liệu: xả nước và tạp chất phải được thực hiện từ rốn của bầu lọc tách, bầu lọc tinh và cửa vào bầu lọc hấp thụ. Thời điểm xả kiểm tra được thực hiện hàng ngày, vào đầu mỗi ca buổi sáng, sau khi bảo dưỡng bầu lọc hoặc hệ thống tra nạp nhiên liệu. Nếu có nhiều nước, tạp chất bất thường hoặc kiểm tra bằng trực quan mẫu nhiên liệu không đủ độ trong và sáng theo yêu cầu kỹ thuật thì không được sử dụng các phương tiện này để tra nạp cho tàu bay, đồng thời phải điều tra tìm nguyên nhân.

Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 38/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/09/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 889 đến số 890
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH