Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 2 Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 4. YÊU CẦU KỸ THUẬT ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN TRA NẠP NHIÊN LIỆU HÀNG KHÔNG

Điều 17. Yêu cầu chung đối với phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không

1. Yêu cầu về thiết kế và lắp đặt: phương tiện tra nạp nhiên liệu được thiết kế với mục đích sử dụng các sản phẩm dầu mỏ và có cấu tạo phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn: có bố trí van thông khí cho xi téc, các van điều áp phù hợp, bơm tuần hoàn để kiểm tra áp suất thủy tĩnh, hệ thống điện phù hợp với yêu cầu của từng vị trí, hệ thống phanh khí nén, có các công tắc ngắt khẩn cấp bố trí bên ngoài xe. Các xe tra nạp nhiên liệu phải là xe sử dụng động cơ điêzen hoặc động cơ điện.

2. Phân biệt chủng loại phương tiện: mỗi phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không chỉ được sử dụng để tra nạp một loại nhiên liệu và phải có ký hiệu phân biệt chủng loại (theo mã màu EI) được niêm yết ở hai bên thành xe, trên bảng điều khiển và tại các họng nhập nhiên liệu vào xe.

3. Vật liệu: toàn bộ đường ống và các phụ kiện phải được làm bằng hợp kim nhôm, thép không gỉ hoặc thép thường được bảo vệ bằng lớp phủ màu sáng phù hợp với nhiên liệu hàng không. Không dùng hợp kim đồng, thép mạ kẽm hoặc cadimi hoặc vật liệu bằng nhựa trong toàn bộ đường ống. Phải giảm thiểu việc sử dụng vật liệu có chứa đồng ở những bộ phận có tiếp xúc với nhiên liệu và đặc biệt không dùng kẽm hoặc hợp kim chứa nhiều hơn 5 % kẽm hoặc cadimi.

4. Thiết bị lọc: tất cả các phương tiện tra nạp phải được lắp đặt các thiết bị lọc. Yêu cầu về kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị lọc, thay lõi lọc được áp dụng theo quy định tại Phụ lục IPhụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

a) Đối với nhiên liệu phản lực: Sử dụng thiết bị lọc hấp thụ (filter monitor) hoặc thiết bị lọc, tách (filter/ separator).

b) Đối với xăng tàu bay (Avgas): Sử dụng thiết bị lọc tinh (microfilter), thiết bị lọc hấp thụ (filter monitor) hoặc thiết bị lọc, tách (filter/ separator).

5. Đường ống và khớp nối tra nạp:

a) Tất cả các ống mềm phải có chiều dài liên tục (không đấu, nối ống), nhẵn và được sản xuất bằng cao su tổng hợp phù hợp tiêu chuẩn được áp dụng hiện hành quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Các đầu nối ống nhập và ống xuất phải được gắn vào ống tại nhà máy và cho phép nhân viên đã được huấn luyện và có chứng chỉ được gắn, nối lại đầu ống tại đơn vị tra nạp. Trong trường hợp này, phải thực hiện kiểm tra thử áp lực ống theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này trước khi đưa vào sử dụng.

c) Thời gian bảo quản ống mềm trong kho không quá 2 năm, kể từ ngày sản xuất và thời gian sử dụng ống mềm không quá 10 năm, kể từ ngày sản xuất.

6. Lưới lọc đầu ống tra nạp: lọc đầu ống tra nạp có không ít hơn 60 mắt/inch2 (60 mắt/6,4516 cm2) phù hợp với áp lực nhiên liệu khi nạp ở đầu ống nạp và cò nạp nhiên liệu trên cánh.

7. Hệ thống khóa liên động (Interlock): tất cả các xe tra nạp phải được trang bị hệ thống khóa liên động để ngăn không cho xe dịch chuyển khi các đầu tra nạp và các bộ phận quan trọng khác không được đặt tại vị trí cất giữ một cách chắc chắn.

a) Hệ thống giải thoát khóa liên động (interlock override): hệ thống giải thoát khóa liên động được thiết kế cho phép xe có thể di chuyển ra khỏi tàu bay khi hệ thống phanh liên động bị hỏng hoặc chưa kịp về đúng vị trí khi tình huống khẩn cấp xảy ra.

b) Đèn cảnh báo: khi các hệ thống khóa liên động và hệ thống giải thoát khóa liên động hoạt động, các đèn cảnh báo tương ứng phải được bật sáng.

8. Họng nạp nhiên liệu trên cánh tàu bay

a) Họng nạp nhiên liệu trên cánh phải là dạng không có chốt cài, phải ghi rõ chủng loại và mã màu chuẩn (Màu đen với Jet A-1 và màu đỏ với Avgas). Cò tra (nozzle spout) không được sơn hoặc phủ các vật liệu khác. Cò tra (nozzle spout) Jet A-1 trên cánh tàu bay có đường kính không nhỏ hơn 67 mm.

b) Trường hợp tàu bay có miệng nạp nhiên liệu không đủ lớn để lắp cò tra (nozzle spout) Jet A-1: Phải sử dụng cò tra có miệng nhỏ hơn để nạp Jet A-1 cho tàu bay, việc này phải được tiến hành trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo miệng cò tra nhỏ này phải được thay thế bằng miệng cò tra lớn hơn ngay sau khi sử dụng xong.

c) Tại một số vị trí cần lắp cò tra (nozzle spout) loại nhỏ trên cánh, phải sắp xếp các ống mềm sao cho hệ thống khóa liên động sẽ không cho xe di chuyển, trừ khi tất cả các ống mềm đã được đặt đúng vị trí, đầu tra loại lớn hơn được sử dụng để nạp nhiên liệu và vòi nhỏ hơn được đặt cố định tại một vị trí trên phương tiện.

9. Hệ thống kiểm soát áp suất

a) Tất cả các phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không (xe truyền tiếp nhiên liệu hoặc xe tra nạp) phải có hệ thống kiểm soát áp suất để đảm bảo hệ thống tiếp nhận nhiên liệu trên tàu bay không bị quá áp suất quy định.

b) Thiết bị kiểm soát áp suất phải có kiểu loại và thiết kế đáp ứng được quy trình thử nghiệm được công nhận.

c) Hệ thống kiểm soát áp suất của phương tiện tra nạp nhiên liệu phải được kiểm tra định kỳ. Quy trình kiểm tra các van kiểm soát áp suất phải được thực hiện theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

10. Bình chữa cháy: Phương tiện tra nạp nhiên liệu phải có ít nhất hai bình hóa chất khô chữa cháy (loại BC khối lượng 9 kg) luôn đặt ở vị trí dễ lấy, tại mỗi bên của xe. Bình chữa cháy phải còn thời hạn sử dụng theo quy định, có tem, nhãn thể hiện ngày kiểm tra, bảo dưỡng và thời hạn sử dụng theo quy định.

11. Phải có ru lô và cáp truyền tĩnh điện với kẹp thích hợp, đảm bảo thông điện với khung xe. Điện trở giữa kẹp và khung gầm không được lớn hơn 25 W.

12. Ngắt bơm khẩn cấp

a) Tất cả các xe tra nạp phải có các công tắc ngắt bơm khẩn cấp (màu đỏ) ở bên ngoài của xe và phải ở vị trí dễ tiếp cận từ cả hai bên xe và phải được phân biệt rõ ràng với biển báo giải thích mục đích sử dụng. Phải lắp thêm một công tắc ngắt bơm khẩn cấp trên sàn công tác của xe.

b) Công tắc ngắt động cơ khẩn cấp trên các phương tiện tra nạp nhiên liệu di động cũng phải đồng thời ngắt dòng nhiên liệu đang được bơm chuyển. Nếu bơm nhiên liệu hoạt động bằng một nguồn dẫn động độc lập như mô tơ điện hoặc động cơ điêzen khác thì phải có công tắc riêng để ngắt động cơ khẩn cấp.

13. Hệ thống điều khiển bằng bộ điều khiển cầm tay (Deadman)

a) Tất cả các xe tra nạp nhiên liệu phải có hệ thống điều khiển bằng bộ điều khiển cầm tay để nhân viên tra nạp có thể nhanh chóng và dễ dàng ngắt dòng nhiên liệu trong trường hợp khẩn cấp.

b) Trên các xe tra nạp, hệ thống điều khiển bằng bộ điều khiển cầm tay phải tác động vào phía sau bơm nhiên liệu.

c) Khi tra nạp bằng hệ thống tra nạp ngầm, hệ thống điều khiển bằng bộ điều khiển cầm tay phải tác động vào dòng nhiên liệu tại đường ống nhập của xe truyền tiếp liệu.

c) Nhân viên tra nạp nhiên liệu phải đảm bảo kiểm soát được bộ điều khiển cầm tay trong suốt quá trình thực hiện tra nạp nhiên liệu tại sân đỗ.

14. Hệ thống đường ống tra nạp: hệ thống đường ống tra nạp nhiên liệu phải được bảo đảm để tất cả nhiên liệu khi qua đồng hồ lưu lượng chỉ đi vào tàu bay mà không đi theo các hướng khác.

15. Lưu lượng kế (đồng hồ đo lưu lượng): Tất cả các phương tiện tra nạp nhiên liệu phải lắp đồng hồ đo lưu lượng. Đồng hồ phải có Chứng nhận hiệu chuẩn còn hiệu lực theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

16. Sàn công tác

a) Thiết kế sàn công tác phải tính đến các thông số sau: Tải trọng của sàn công tác; độ ổn định của các thiết bị lắp trên sàn công tác và tác động của gió; độ an toàn của cầu thang lên và xuống; độ cao của bảng điều khiển và cửa nạp nhiên liệu trên tàu bay. Lưu ý đến các thiết bị cầm tay (ống tra nạp, giá đỡ ống, các đối trọng).

b) Sàn công tác phải được trang bị tối thiểu các thiết bị sau: Công tắc ngắt động cơ, ngắt dòng nhiên liệu; thiết bị kích hoạt từ dưới đất khi sàn công tác đã được nâng hết cỡ hoặc khả năng hạ thấp trong trường hợp khẩn cấp, đường giảm áp dành riêng và nối trực tiếp tới thùng chứa dầu thủy lực, không qua thiết bị lọc (trong trường hợp sàn công tác có sử dụng hệ thống thủy lực); bộ phận chống hạ sàn công tác đột ngột trong trường hợp hệ thống dầu thủy lực bị rò (ví dụ trường hợp nổ đường ống dẫn dầu thủy lực); hệ thống cảm biến chống va chạm với tàu bay khi nâng sàn công tác lên; cảm biến kiểu "bút điện" (bố trí ở vị trí cao nhất của sàn công tác) để phát hiện và dừng chuyển động của sàn công tác nếu có bất kỳ bộ phận nào trên sàn công tác quá gần với tàu bay thì sàn công tác phải hạ xuống, chức năng này phải được trang bị trên tất cả các xe tra nạp mới và phải lắp bổ sung cho các xe tra nạp hiện có; có thế lắp thay thế bằng các thiết bị cảm biến tương đương như "mắt thần" có mức độ bảo vệ tương tự; có chốt gài cửa sàn công tác khi sàn công tác được nâng lên.

17. Hệ thống Logic được lập trình (PLC)

a) Đối với xe tra nạp có trang bị hệ thống Logic được lập trình để kiểm soát áp suất và dòng nhiên liệu ở các trạng thái đặt trước: Phải niêm yết cố định bên ngoài xe nội dung thông tin về áp suất, tốc độ dòng nhiên liệu khi tra nạp và hướng dẫn sử dụng màn hình hiển thị điện tử.

b) Các xe tra nạp, kể cả xe được lắp hệ thống kiểm soát áp suất thông dụng hoặc hệ thống PLC, phải niêm yết cố định các thông tin tối thiểu sau: Chênh lệch áp suất qua thiết bị lọc; tốc độ dòng chảy; áp suất đầu ra (áp suất bơm hoặc Venturi).

18. Bộ dụng cụ xử lý nhiên liệu tràn: Các phương tiện tra nạp phải được trang bị bộ dụng cụ xử lý nhiên liệu tràn để thực hiện các xử lý ban đầu khi nhiên liệu tràn ra sàn đổ. Dụng cụ tối thiểu phải trang bị là các tấm thấm để hút nhiên liệu. Các tấm thấm đó phải được loại bỏ sau khi đã sử dụng.

19. Đồng hồ áp suất

a) Các đồng hồ áp suất gồm: đồng hồ áp suất venturi, đồng hồ áp suất tra nạp, đồng hồ chênh lệch áp suất lọc phải được kiểm tra, hiệu chuẩn định kỳ 6 tháng một lần theo đồng hồ áp suất chuẩn. Các đồng áp suất chuẩn phải có chứng nhận hiệu chuẩn còn hiệu lực.

b) Đồng hồ chênh lệch áp suất loại pit tông (loại Haar hoặc Gammon) phải được kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần về sự dịch chuyển tự do của pit tông và quan sát khi pit tông về vị trí "0". Phải ghi lại ngày và các kết quả kiểm tra.

Điều 18. Xe tra nạp nhiên liệu

1. Xi téc làm bằng hợp kim nhôm, thép không gỉ hoặc thép các bon được phủ bên trong bằng vật liệu epoxy sáng màu, phải được chứng nhận phù hợp với nhiên liệu hàng không và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Xi téc phải có rốn xả đáy tại vị trí thấp nhất, được trang bị kèm với đường ống và van xả. Nếu xi téc gồm nhiều ngăn thì mỗi ngăn phải có một ống xả đáy riêng không nối với nhau. Tất cả các đường xả đáy phải có một độ dốc nhất định.

3. Xi téc phải được thông hơi bằng một hệ thống thích hợp.

4. Tất cả các xe tra nạp nhiên liệu hàng không đều nạp nhiên liệu vào xi téc từ đáy bằng họng nạp kín. Xe tra nạp sử dụng hệ thống nạp đáy phải có hệ thống tự động chống tràn nhiên liệu theo mức đặt trước, kết hợp với bộ phận kiểm tra trước (pre-check). Tại nơi sử dụng phương pháp nhập đáy có nhiều chủng loại nhiên liệu, phải lựa chọn và phân loại kích thước các đầu nối ống phù hợp với từng loại nhiên liệu.

5. Tất cả các đường ống chính dẫn nhiên liệu phải được lắp van xả ở vị trí thấp để có thể xả toàn bộ sản phẩm.

6. Phải lắp van xi téc, loại van có khả năng đóng nhanh trong trường hợp khẩn cấp tại đường ống chính dẫn nhiên liệu từ xi téc. Van xi téc phải được thiết kế để có thể tự động đóng trong trường hợp khẩn cấp.

7. Tên nhiên liệu phải được niêm yết hai bên thành xe, tại bảng điều khiển và các điểm nạp nhiên liệu. Các biển báo như: “Cấm hút thuốc”, “Cấm sử dụng điện thoại di động”, “Ngắt khẩn cấp”, “Số hotline”, “Cấm lửa” và “Tên công ty” phải được niêm yết cố định trên xe.

8. Kiểm tra, vệ sinh xi téc

a) Kiểm tra độ sạch và tình trạng của xi téc: đối với xi téc nạp nhiên liệu vào từ đỉnh, phải thực hiện kiểm tra hàng quý; đối với các xi téc nạp nhiên liệu vào từ đáy: phải thực hiện kiểm tra hàng năm: hàng tháng phải kiểm tra ống xả nước mưa trên mái xi téc để đảm bảo ống xả không bị tắc; kiểm tra vị trí gắn dây niêm phong miệng xi téc để đảm bảo xi téc được gắn niêm phong trong khi vận chuyển.

b) Vệ sinh xi téc: đối với xi téc nạp nhiên liệu vào từ đỉnh, phải thực hiện vệ sinh xi téc theo định kỳ 12 tháng một lần; đối với xi téc nạp nhiên liệu vào từ đáy, chu kỳ giữa hai lần xi téc vào kiểm tra và làm vệ sinh là 2 năm, có thể kéo dài hơn nhưng không quá 5 năm.

9. Đối với xe tra nạp mới, xe tra nạp sau khi sửa chữa bảo dưỡng, trước khi đưa xe tra nạp vào hoạt động thì xi téc và hệ thống công nghệ của xe phải được ngâm, thử nghiệm theo quy trình quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 19. Xe truyền tiếp nhiên liệu

1. Tại nơi có nhiều chủng loại nhiên liệu được cấp phát qua hệ thống tra nạp bằng đường ống, tất cả các ống nhập và hố van phải có đầu nối ống tương ứng.

2. Các dây giật của van tại hố van cấp phát phải được chế tạo từ vật liệu chịu lửa có đủ độ bền (ví dụ có lưới thép bên trong). Các dây này phải có màu sắc dễ nhận biết. Chú ý về màu sắc của thiết bị khẩn cấp phải khác biệt với màu của dây tĩnh điện trên xe.

3. Xe truyền tiếp nhiên liệu và hố van cấp phát không được có sự liên kết về điện. Nếu có các dây giật được gắn vào tang cuộn đặt trên xe, các tang cuộn này phải được cách điện với xe. Cách điện của tang cuộn phải được kiểm tra hàng tuần bằng đồng hồ đo điện trở.

Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 38/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/09/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 889 đến số 890
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH