Chương 1 Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về quản lý chất lượng và an toàn nhiên liệu hàng không tại Việt Nam.
2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ, chữ viết tắt
1. Nhiên liệu hàng không (Aviation Fuel): là nhiêu liệu dùng cho tàu bay có động cơ tuốc bin phản lực, tuốc bin cánh quạt (gọi tắt là nhiêu liệu phản lực) và tàu bay sử dụng xăng Avgas.
2. Kho nhiên liệu hàng không (Aviation Fuel Storage): là nơi tiếp nhận, bảo quản, cấp phát nhiên liệu hàng không. Theo chức năng, kho nhiên liệu hàng không được phân làm hai loại: Kho đầu nguồn, kho trung chuyển và kho sân bay.
a) Kho đầu nguồn, kho trung chuyển (Pre-airfield terminals): là nơi tiếp nhận, bảo quản, cấp phát nhiên liệu hàng không để cung cấp nguồn hàng cho kho sân bay. Phụ thuộc vào vị trí địa lý, kho đầu nguồn, kho trung chuyển được thiết kế để tiếp nhận nhiên liệu bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ hoặc đường ống. Nếu kho đầu nguồn, kho trung chuyển được thiết kế để tiếp nhận nhiều chủng loại sản phẩm dầu mỏ thì đối với nhiên liệu hàng không phải được tiếp nhận, bảo quản và cấp phát độc lập với các loại sản phẩm khác. Kho chứa nhiên liệu hàng không của các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam được coi như kho đầu nguồn.
b) Kho sân bay (Airport Depot): là nơi tiếp nhận, bảo quản nhiên liệu hàng không để trực tiếp tra nạp cho tàu bay của các hãng hàng không hoạt động tại sân bay. Kho sân bay được thiết kế và xây dựng phù hợp với quy hoạch của từng sân bay, thuận tiện cho công tác tra nạp nhiên liệu hàng không, bảo đảm an toàn cho hoạt động của các hãng hàng không và sân bay. Kho sân bay có thể được thiết kế để tiếp nhận nhiên liệu hàng không bằng đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt hoặc đường ống.
3. Thiết bị kỹ thuật xăng dầu hàng không: là các thiết bị kỹ thuật sử dụng để tiếp nhận, bảo quản, cấp phát nhiên liệu hàng không.
4. Hệ thống cảnh báo mức nhiên liệu cao: là thiết bị ứng dụng những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực đo lường được sử dụng để kiểm tra mức nhiên liệu trong bể chứa.
5. Thiết bị lọc:
a) Thiết bị lọc, tách (Filter/ Separator): là thiết bị được sử dụng để loại bỏ tạp chất dạng hạt và nước tự do trong nhiên liệu. Thiết bị này có 2 lõi lọc gồm các lõi lọc kết tụ và các lõi lọc tách. Các lõi lọc kết tụ được thiết kế để loại bỏ các tạp chất thể rắn, phá vỡ thể nhũ tương của nước trong nhiên liệu để tạo thành các giọt nhỏ, các giọt nhỏ gộp lại và sẽ rơi ra khỏi nhiên liệu. Các lõi lọc tách đẩy nước được kết tụ và ngăn ngừa nước đi vào nhiên liệu.
b) Thiết bị lọc hấp thụ (Filter monitor): là thiết bị lọc tạp chất và nước hấp thụ của nhiên liệu. Nó có khả năng báo hiệu cho người vận hành biết khi nhiên liệu bị nhiễm bẩn bởi chỉ số chênh lệch áp suất tăng hoặc ngắt dòng nhiên liệu trong trường hợp mức độ nhiễm bẩn tới mức không chấp nhận được.
c) Thiết bị lọc tinh (Microfilter): là thiết bị được thiết kế để loại bỏ các tạp chất thể rắn ra khỏi nhiên liệu. Kích thước mắt lưới lọc tối đa cho phép là 5 micron.
6. Phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không: là các phương tiện di động hoặc phương tiện cố định được sử dụng để chuyển nhiên liệu hàng không đến tàu bay phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của tài liệu JIG 1 phiên bản hiện hành, bao gồm:
a) Xe tra nạp (Fueller): là xe ô tô chuyên dụng, lắp xi téc chở nhiên liệu và được lắp đặt hệ thống công nghệ thích hợp, để tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay hoặc hút nhiên liệu hàng không từ tàu bay khi cần thiết;
b) Xe truyền tiếp nhiên liệu (Dispenser): là phương tiện di động được lắp hệ thống công nghệ thích hợp để tra nạp nhiên liệu cho tàu bay từ hệ thống tra nạp ngầm;
c) Cabin tra nạp (Fuelling cabinet): là thiết bị tra nạp đặt cố định trên mặt đất có lắp ống tra nạp, các đồng hồ đo lưu lượng và thiết bị phụ trợ.
7. Bộ điều khiển cầm tay (Deadman control): là thiết bị điều khiển cầm tay để nhân viên tra nạp bắt đầu bơm, dừng bơm hoặc hút nhiên liệu cho tàu bay.
8. Nút bấm dừng khẩn cấp (ESB): là nút bấm để dừng bơm hệ thống đường ống khi được kích hoạt. Nút bấm dừng khẩn cấp phải đặt gần vị trí tàu bay đỗ và phải được nhận dạng rõ ràng để dễ thấy và dễ tiếp cận.
9. Hệ thống logic được lập trình (PLC): là thiết bị điều khiển được lập trình để cho phép thực hiện linh hoạt các giải pháp điều khiển logic thông qua một ngôn ngữ lập trình để kiểm soát áp suất và dòng nhiên liệu ở các trạng thái đặt trước.
10. Khóa liên động (Interlock): là thiết bị an toàn trên phương tiện tra nạp để ngăn phương tiện chuyển động.
11. Hệ thống đường ống tra nạp ngầm (Hydrant system): là hệ thống tra nạp nhiên liệu cố định trong lòng đất được thiết kế để cho phép vận chuyển nhiên liệu.
12. Phương tiện vận chuyển nhiên liệu hàng không: bao gồm các loại phương tiện như tàu, xà lan (vận chuyển bằng đường biển hoặc bằng đường thủy nội địa), ô tô xi téc, xi téc đường sắt, hệ thống đường ống đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển nhiên liệu hàng không.
13. Đơn vị cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không: có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký kinh doanh xăng dầu và được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không (loại hình dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không) tại cảng hàng không, sân bay theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT).
14. Tổ chức kiểm tra chung (Joint Inspection Group): là tổ chức của các đơn vị cung ứng xăng dầu quốc tế, bao gồm ENI, Kuwait Petroleum, BP, Shell, ChevronTexaco, Statoil, ExxonMobil, Total). Tổ chức này đã biên soạn bộ tài liệu JIG1,2,3,4 nhằm mục đích cung cấp một tiêu chuẩn hướng dẫn chung về tiêu chuẩn thiết bị, kiểm soát chất lượng và quy trình tra nạp nhiên liệu được IATA chấp nhận và cho phép sử dụng.
15. Yêu cầu chất lượng nhiên liệu hàng không dùng cho hệ thống hoạt động chung (AFQRJOS): là các yêu cầu chất lượng nhiên liệu hàng không dùng cho hệ thống hoạt động chung do tổ chức kiểm tra chung (JIG) xây dựng dựa trên các yêu cầu nghiêm ngặt của hai tiêu chuẩn gồm British Ministry of Defence Standard DFF STAN 91/91 và ASTM Standard specification D1655, phiên bản hiện hành.
16. Các loại chứng nhận chất lượng bao gồm:
a) Chứng nhận chất lượng của nhà máy lọc dầu (Refinery Certificate of Quality): là Chứng nhận gốc phản ánh chất lượng của nhiên liệu hàng không. Chứng nhận này do phòng thử nghiệm nhà máy lọc dầu cấp cho lô nhiên liệu hàng không khi xuất khỏi nhà máy, trong đó thể hiện kết quả thử nghiệm của toàn bộ các chỉ tiêu chất lượng theo TCVN 6426 về nhiên liệu phản lực, hoặc theo AFQRJOS của JIG. Đồng thời, Chứng nhận này phải thể hiện được loại và hàm lượng các chất phụ gia đã cho vào nhiên liệu, những chi tiết liên quan đến việc nhận dạng nhà máy lọc dầu và khả năng truy tìm nguồn gốc của sản phẩm. Trong giấy chứng nhận, các thông tin sau đây phải được thể hiện: Ngày tháng cấp chứng nhận và chữ ký của người có thẩm quyền; tên và ký hiệu đầy đủ của tiêu chuẩn; phòng thử nghiệm cấp giấy chứng nhận (tên, điện thoại, fax và địa chỉ email); các thông tin nhận dạng sản phẩm (số lô hoặc số nhận dạng; số bể; số lượng nhiên liệu trong lô); các hạng mục đã thử nghiệm bao gồm mức chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn.
b) Chứng nhận phân tích (Certificate of Analysis): là chứng nhận chất lượng do phòng thử nghiệm cấp cho lô hàng, trong đó phản ánh kết quả kiểm tra toàn bộ các chỉ tiêu chất lượng theo TCVN 6426 về nhiên liệu phản lực, hoặc theo AFQRJOS của JIG. Chứng nhận này không có thông tin chi tiết về các chất phụ gia đã cho vào nhiên liệu trước đó, nhưng phải thể hiện được các thông tin liên quan đến việc nhận dạng nhà máy lọc dầu và khả năng truy tìm nguồn gốc của sản phẩm. Các thông tin phải được thể hiện trên Chứng nhận phân tích gồm: ngày tháng cấp chứng nhận và chữ ký của người có thẩm quyền, tiêu chuẩn áp dụng (số phiên bản và số sửa đổi); phòng thử nghiệm cấp giấy chứng nhận (tên, điện thoại, fax và địa chỉ email); các thông tin nhận dạng sản phẩm (số lô hoặc số nhận dạng; số bể; số lượng nhiên liệu trong lô); các hạng mục đã thử nghiệm bao gồm giới hạn của tiêu chuẩn.
c) Chứng nhận kiểm tra lại (Recertification Test Certificate): là Chứng nhận phản ánh kết quả kiểm tra lại những chỉ tiêu chất lượng dễ biến đổi trong quá trình vận chuyển, giao nhận, bảo quản. Nhiên liệu được phép nhập hoặc xuất khi: Kết quả của các chỉ tiêu chất lượng kiểm tra lại nằm trong mức giới hạn quy định của tiêu chuẩn áp dụng và thay đổi của một số chỉ tiêu trong giới hạn chênh lệch được chấp nhận. Chứng nhận Kiểm tra lại phải thể hiện rõ các thông tin về bổ sung phụ gia như sau: ngày pha bổ sung, thành phần và hàm lượng phụ gia được pha thêm vào nhiên liệu trước khi xuất hàng. Các thông tin phải được thể hiện trên chứng nhận kiểm tra lại, bao gồm: ngày tháng cấp chứng nhận và chữ ký của người có thẩm quyền, tiêu chuẩn áp dụng (số phiên bản và số sửa đổi); phòng thử nghiệm cấp giấy chứng nhận (tên, số điện thoại, fax và địa chỉ e-mail); các thông tin nhận dạng sản phẩm (số lô hoặc số nhận dạng; số bể; số lượng của từng lô tạo nên lô mới); các hạng mục đã thử nghiệm bao gồm giới hạn của tiêu chuẩn.
d) Chứng nhận Kiểm tra định kỳ (Periodic Test Certificate): là Chứng nhận phản ánh kết quả kiểm tra những chỉ tiêu chất lượng dễ biến đổi trong quá trình bảo quản nhiên liệu với thời gian từ 06 tháng trở lên, nhiên liệu đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn khi các chỉ tiêu được kiểm tra nằm trong mức giới hạn quy định của tiêu chuẩn áp dụng, thay đổi một số chỉ tiêu trong giới hạn cho phép.
17. Chứng nhận xuất hàng (Release Certificate): là chứng nhận xác nhận sự phù hợp của nhiên liệu phản lực theo TCVN 6426 hoặc theo AFQRJOS của JIG. Chứng nhận này được sử dụng trong vận chuyển nhiên liệu hàng không và nội dung bao gồm tối thiểu các thông tin sau: ngày tháng và thời điểm xếp hàng hoặc vận chuyển; loại nhiên liệu; số lô và khối lượng riêng (tại 15 °C) của nhiên liệu chứa trong bể nơi xuất hàng; xác nhận không có "Nước tự do”, ghi lại khối lượng riêng và nhiệt độ nhiên liệu sau khi xếp hàng (tiếp nhận). Chứng nhận xuất hàng phải luôn ghi rõ ngày lập và có chữ ký của người có trách nhiệm.
18. Mẫu nhiên liệu: là phần nhiên liệu lấy được từ một vị trí hoặc nhiều vị trí trong vật chứa, là đại diện cho nhiên liệu tại vị trí đó hoặc cho toàn bộ nhiên liệu trong vật chứa.
a) Mẫu trên: là mẫu cục bộ được lấy ở giữa của 1/3 cột chứa chất lỏng phía trên (ở khoảng cách là 1/6 chiều sâu cột chất lỏng tính từ bề mặt chất lỏng).
b) Mẫu giữa: là mẫu cục bộ được lấy ở giữa cột chất lỏng trong bể (ở khoảng cách 1/2 chiều sâu cột chất lỏng tính từ bề mặt chất lỏng.
c) Mẫu dưới: là mẫu cục bộ được lấy ở giữa của 1/3 cột chứa chất lỏng phía dưới trong bể (ở khoảng cách 5/6 chiều sâu cột chất lỏng tính từ bề mặt chất lỏng).
19. Mẫu thuyền trưởng: là mẫu đại diện cho lô hàng vận chuyển do nơi xếp hàng hóa xuống phương tiện vận chuyển lấy, gửi theo phương tiện vận chuyển nhiên liệu chuyển đến nơi nhận để kiểm tra, đối chứng chất lượng khi cần thiết; mẫu thuyền trưởng có dung tích tối thiểu 5 lít.
20. Kiểm tra ngoại quan (Apperance check): là kiểm tra tại hiện trường để khẳng định nhiên liệu trong, nhìn không có tạp chất và nước không hòa tan ở nhiệt độ môi trường tại thời điểm lấy mẫu.
21. Kiểm tra trực quan (Visual Check): là kiểm tra ngoại quan cộng với việc sử dụng thiết bị thử nước bằng hóa chất để khẳng định nhiên liệu không có nước.
22. Kiểm tra đối chứng (Control Check): là kiểm tra ngoại quan cộng với xác định khối lượng riêng.
23. Kiểm tra lọc màng: là phương pháp thử nghiệm theo ASTM D2276/IP 216 ghi lại màu ở mức khô và ướt khi 5 lít nhiên liệu chảy qua màng lọc (có thể đơn hoặc kép) trong suốt quá trình xác định màu để xác định độ sạch và đánh giá mức độ nhiễm bẩn của nhiên liệu sau khi qua thiết bị lọc.
24. Chu vi phòng hỏa: là khu vực nguy hiểm trực tiếp bao quanh tàu bay và phương tiện tra nạp khi tàu bay và phương tiện tra nạp đỗ tại vị trí nạp nhiên liệu. Về phía xe tra nạp, mép của chu vi phòng hỏa cách đường bao quanh 3m phía ngoài của thùng dầu, ống dẫn dầu và các bể chứa dầu dưới mặt đất (nếu có). Ngoại trừ trường hợp được quy định khác, chu vi này phải nằm cách các tòa nhà trên 10 m.
25. Nước tự do (Free water): là các giọt nước rất nhỏ gây ra sự vẩn đục do trọng lực có thể lắng xuống và hình thành một lớp nước tại đáy của vật chứa.
26. Chữ viết tắt:
a) AFQRJOS (Aviation Fuel Quality Requirements for Jointly Operated Systems): Yêu cầu chất lượng nhiên liệu hàng không dùng cho hệ thống hoạt động chung;
b) API (American Petroleum Institute): Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ;
c) APU (Auxiliary Power Units): Động cơ phụ của tàu bay;
d) ASTM (American Society for Testing and Materials): Hiệp hội thử nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ;
đ) DIEGME (Diethylene Glycol Mono Methyl Ether): Chất làm ức chế đóng băng trong nhiên liệu;
e) EI (Energy Institute): Viện Năng lượng;
g) ESB (Emergency Stop Button): Nút bấm dừng khẩn cấp;
h) FAME (Fatty Acid Methyl Ester): Axít béo Methyl Ester;
i) FSII (Fuel system Icing Inhibitor): Chất ức chế đóng băng hệ thống nhiên liệu;
k) GPU (Ground Power Units): Xe cấp điện;
l) HEPCV (Hose End Presure Control Valve): Van kiểm soát áp suất đầu ống;
m) IATA (International Air Transport Association): Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế;
n) ICAO (International Civil Aviation Organization): Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế;
o) IP (Institute Petroleum): Viện Dầu mỏ Anh;
p) ISO (International Organization for Standardization): Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế;
q) IEC (International Electrotechnical Commision): Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế;
r) ILPCV (In Line Pressure Control Valve): Van kiểm soát áp suất dòng;
s) JIG (Joint Inspection Group): Tổ chức kiểm tra chung;
t) JFTOT (Jet Fuel Thermal Oxidation Test) Phép thử ô xy hóa nhiệt nhiên liệu phản lực;
u) MSEP (Micro Separameter): Trị số tách nước;
v) PLC (Programmable Logic Controller): Bộ điều khiển logic được lập trình.
Điều 3. Thủ tục cấp Giấy phép dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không
1. Hồ sơ cấp Giấy phép dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký kinh doanh xăng dầu (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
c) Tài liệu chứng minh về kho nhiên liệu hàng không phải đáp ứng các quy định của TCVN 5247, TCVN 4530 và JIG 2, phiên bản hiện hành và các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành quy định tại Thông tư này;
d) Tài liệu chứng minh có phương tiện tra nạp để tra nạp chính xác, kịp thời, an toàn đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu hàng không theo quy định tại
đ) Tài liệu chứng minh có hệ thống đảm bảo chất lượng nhiên liệu và hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ tra nạp nhiên liệu;
e) Tài liệu chứng minh có đủ lực lượng lao động đã được đào tạo nghiệp vụ theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
g) Chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cơ sở đánh giá trình độ tiếng anh nhân viên hàng không (Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT);
h) Giấy phép kiểm soát an ninh cho phương tiện làm việc trên sân đỗ tàu bay theo quy định tại Điều 19 của Thông tư số 30/2012/TT-BGTVT ngày 1 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng.
2. Tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không theo quy định và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân (trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp, Cục Hàng không Việt Nam trả lời ngay trong ngày làm việc). Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định, ban hành văn bản chấp thuận gửi cho người đề nghị, Cảng vụ hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản nêu rõ lý do.
Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 38/2014/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 05/09/2014
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đinh La Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 889 đến số 890
- Ngày hiệu lực: 01/11/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ, chữ viết tắt
- Điều 3. Thủ tục cấp Giấy phép dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không
- Điều 4. Tiêu chuẩn kỹ thuật của nhiên liệu hàng không
- Điều 5. Thử nghiệm mẫu nhiên liệu hàng không
- Điều 6. Lấy mẫu kiểm tra chất lượng nhiên liệu hàng không
- Điều 7. Yêu cầu thử nghiệm mẫu
- Điều 8. Phụ gia
- Điều 9. Thiết kế, xây dựng, cải tạo kho nhiên liệu hàng không
- Điều 10. Bể chứa, bể xả đáy và các thiết bị an toàn
- Điều 11. Hệ thống công nghệ kho nhiên liệu hàng không
- Điều 12. Thiết bị lọc nhiên liệu
- Điều 13. Xe ô tô xi téc vận chuyển nhiên liệu bằng đường bộ
- Điều 14. Tàu, xà lan vận chuyển nhiên liệu bằng đường biển, đường thủy nội địa
- Điều 15. Phương tiện vận chuyển nhiên liệu bằng đường sắt
- Điều 16. Đường ống vận chuyển nhiên liệu hàng không
- Điều 17. Yêu cầu chung đối với phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không
- Điều 18. Xe tra nạp nhiên liệu
- Điều 19. Xe truyền tiếp nhiên liệu
- Điều 20. Quy định chung khi tiếp nhận nhiên liệu hàng không
- Điều 21. Tiếp nhận nhiên liệu hàng không nhập khẩu vào kho đầu nguồn
- Điều 22. Tiếp nhận nhiên liệu hàng không vận chuyển nội địa bằng đường biển, đường thủy nội địa
- Điều 23. Tiếp nhận nhiên liệu hàng không vận chuyển bằng đường ống
- Điều 24. Tiếp nhận nhiên liệu hàng không vận chuyển bằng xe ô tô xi téc vào kho sân bay
- Điều 25. Tiếp nhận nhiên liệu hàng không từ xi téc đường sắt
- Điều 26. Kiểm soát chất lượng nhiên liệu sau khi tiếp nhận
- Điều 29. Quy định chung đối với nhiên liệu hàng không trong cấp phát và vận chuyển
- Điều 30. Cấp phát nhiên liệu hàng không vào tàu dầu, xà lan
- Điều 31. Cấp phát nhiên liệu hàng không cho xi téc ô tô, xi téc đường sắt
- Điều 32. Cấp phát nhiên liệu hàng không cho xe tra nạp
- Điều 33. Xả hệ thống đường ống nạp ngầm
- Điều 34. Vệ sinh, bảo dưỡng các hố van và cảnh báo an toàn ở nắp các hố van
- Điều 35. Hệ thống bấm dừng khẩn cấp
- Điều 36. Vận hành hệ thống tra nạp ngầm
- Điều 37. Bảo vệ ca-tốt
- Điều 38. Độ kín và thử áp suất hệ thống tra nạp qua đường ống ngầm
- Điều 39. Thiết bị giảm chấn, van điều áp
- Điều 40. Van xả khí ở các vị trí cao của đường ống
- Điều 41. Các buồng van của đường ống
- Điều 42. Trách nhiệm của các bên liên quan đến tra nạp nhiên liệu cho tàu bay
- Điều 43. Tra nạp nhiên liệu cho tàu bay
- Điều 44. Tra nạp nhiên liệu hàng không cho các chuyến bay chuyên cơ
- Điều 45. Tra nạp hoặc hút nhiên liệu khi hành khách đang lên, xuống hoặc ở trên tàu bay
- Điều 46. Tra nạp khi động cơ phụ của tàu bay (APU) đang hoạt động
- Điều 47. Tra nạp khi xe cung cấp điện (GPU) cho tàu bay đang hoạt động.
- Điều 48. Tra nạp khi một động cơ tàu bay đang hoạt động
- Điều 49. Tra nạp khi hệ thống điều hòa không khí trên tàu bay đang hoạt động
- Điều 50. Tra nạp nhiên liệu trong nhà để tàu bay (hangar)
- Điều 51. Tra nạp nhiên liệu khi tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp
- Điều 52. Cảnh báo bom trên tàu bay đã được nạp nhiên liệu
- Điều 53. Hút nhiên liệu từ thùng chứa nhiên liệu tàu bay