Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 04/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo địa chấn trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và địa chất công trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

LẬP DỰ ÁN

Điều 6. Chuẩn bị và lập dự án

1. Trường hợp công tác đo địa chấn là một thành phần trong dự án chuyên môn và thực hiện tổ hợp với các phương pháp khảo sát khác thì công tác chuẩn bị và lập dự án tướn theo quy định về lập đề án, báo cáo điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

2. Trường hợp dự án đo địa chấn độc lập, việc tiến hành khảo sát, xác định đối tượng, đề xuất mạng lưới tuyến đo, lựa chọn phương pháp thu phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Điều 7. Thu thập tài liệu liên quan đến nhiệm vụ và vùng công tác

1. Bản đồ địa hình có tỷ lệ tương ứng tỷ lệ đo vẽ địa chất công trình hoặc lớn hơn.

2. Các tài liệu địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình và địa vật lý.

3. Sơ đồ bố trí các công trình khảo sát địa chất và địa vật lý liên quan.

4. Tình trạng lớp mặt để đánh giá điều kiện phát và thu sóng, phục vụ chọn kiểu nguồn phát sóng và cách xử lý điểm thu sóng thích hợp.

Điều 8. Cơ sở xác định nhiệm vụ của phương pháp địa chấn

1. Dựa vào nhiệm vụ đặt ra của công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản để khảo sát địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, điều tra tai biến địa chất của khu vực khảo sát;

2. Dựa vào kết quả tổng hợp các tài liệu địa chất, địa vật lý liên quan thu thập được;

3. Dựa vào khả năng áp dụng và điều kiện thi công của phương pháp địa chấn.

Điều 9. Thành lập, xác định mạng lưới tuyến và khoảng cách điểm thu sóng

1. Đối với công tác đo địa chấn trên mặt đất, chọn cách bố trí tuyến theo các dạng sau:

a) Khi công tác địa chấn có nhiệm vụ cùng cấp tài liệu theo mặt cắt của dự án địa chất công trình thì bố trí tuyến liên tục, trùng (hoặc ít nhất dài hơn mỗi phía nửa chặng thu) so với tuyến lập mặt cắt địa chất công trình cần thành lập;

b) Khi công tác địa chấn có nhiệm vụ cùng cấp tài liệu tựa cho các phương pháp khác, đo đạc thực hiện trên các đoạn tuyến 200m đến 500m, bố trí phối hợp với các dạng công tác khác như khoan, khai đào, thí nghiệm cơ lý và các phương pháp địa vật lý khác;

c) Khi khảo sát theo diện tích hoặc cần tài liệu tập trung theo tuyến công trình xây dựng để có mặt cắt địa chất công trình tổng hợp, như trong khảo sát đập thuỷ điện, đường hầm, nền móng công trình xây dựng thì bố trí theo mạng lưới, gồm các tuyến dọc mặt cắt và các tuyến ngang để liên kết theo diện.

2. Đối với phương pháp địa chấn hầm lò, chiếu sóng, mặt cắt đứng, đo lỗ khoan, bố trí theo điều kiện cụ thể của công trình khoan, khai đào.

3. Chọn khoảng cách điểm thu theo quy định của Bảng 1 tại Điều 5 Thông tư này.

4. Chọn khoảng cách điểm thu dày hơn khi thực hiện các nhiệm vụ đặc thù:

a) Đo ở đoạn tuyến có độ sâu nền đá gốc nhỏ hơn khoảng cách điểm thu sóng hiện dùng;

b) Xác định tốc độ truyền sóng trong các lớp phủ phục vụ tính tham số cơ lý cho công trình xây dựng, vì khi khoảng cách điểm thu bình thường thì đoạn biểu đồ thời khoảng tương ứng với lớp đó không đủ ít nhất 3 điểm thu để tính tốc độ truyền sóng.

Điều 10. Phương pháp sóng khúc xạ

1. Phương pháp sóng khúc xạ được sử dụng khi độ sâu nghiên cứu không vượt quá 50m.

2. Chọn hệ quan sát sóng khúc xạ gồm chọn số điểm nguồn và độ dài đoạn thu L.

3. Chọn số điểm nguồn:

a) Số điểm nguồn cần bố trí từ 4 đến 9 điểm, gồm:

- Có ít nhất hai điểm ở phạm vi đoạn thu (điểm nguồn gần), trong đó hai điểm ở hai đầu đoạn (điểm nguồn 1 và điểm nguồn 3, Hình 2);

- Có ít nhất hai điểm ngoài đoạn thu (điểm nguồn xa).

b) Hệ quan sát thường dùng là hệ 5 điểm nguồn gồm 3 điểm nguồn gần, 2 điểm nguồn xa. Các điểm nguồn tạo ra các cặp biểu đồ sóng giao và đuổi nhau.

Hình 2. Sơ đồ hệ quan sát 5 điểm nổ, gồm 3 điểm nổ gần, 2 điểm

- Điểm nguồn xa đặt cách đoạn thu một khoảng lớn hơn khoảng cách điểm lộ sóng nền để trên đoạn thu, sóng từ mặt nền hoàn toàn lộ ra ở sóng tới đầu tiên;

- Khi tuyến dài có nhiều đoạn thu, các điểm nguồn bố trí ở vị trí xác định, để một số điểm nguồn gần của đoạn này là điểm nguồn xa của đoạn kế tiếp.

c) Chọn hệ quan sát có 5 điểm nguồn trở lên khi:

- Khảo sát chi tiết mặt cắt lớp phủ;

- Chi tiết các dị thường ở lớp nền đá gốc, hang, karst hay có sự biến đổi tốc độ truyền sóng theo độ sâu trong nền đá gốc.

d) Việc bố trí các điểm nguồn bổ sung được thiết kế trong khi lập dự án và thực hiện trong quá trình thi công khi có yêu cầu tài liệu chi tiết của đoạn tuyến và có thêm thông tin về môi trường địa chất.

Hình 3. Xác định độ dài đoạn thu tối thiểu L cho điểm nguồn gần

4. Độ dài đoạn thu L lựa chọn theo hai trường hợp:

a) Khi vùng khảo sát có nền đá cứng ở độ sâu nhỏ hơn 1,3 lần độ sâu yêu cầu khảo sát, thì chọn độ dài đoạn thu L lớn hơn 1,3 lần khoảng cách từ điểm nguồn tới điểm sóng từ mặt nền lộ ra ở sóng tới đầu tiên XN và làm tròn lên theo bội số độ dài búi dây thu (Hình 3). Khoảng cách XN được chọn môi trường phổ biến trong địa chất công trình, có tốc độ truyền sóng trong lớp nền VG » 2 VTB trong lớp phủ, là: XN » 2,5 h, trong đó h là độ sâu lớp nền;

b) Khi vùng khảo sát có nền đá cứng ở độ sâu lớn hơn 40m, phải đo thử nghiệm để chọn độ dài đoạn thu L thích hợp;

c) Dựa theo ước lượng ở điểm a khoản này, thực hiện quan sát với độ dài đoạn thu L từ 2 đến 3 chặng đo kề nhau.

d) Phân tích tài liệu, xác định mô hình môi trường và độ sâu nghiên cứu đã đạt được;

đ) Chọn độ dài đoạn thu L đảm bảo nghiên cứu đến 1,3 lần độ sâu khảo sát. Khi độ dài búi dây thu nhỏ hơn độ dài đoạn thu cần thiết, thì thi công nhiều chặng đo cho một đoạn thu theo quy định tại Mục 2 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông từ này.

4. Khi đoạn tuyến đo là sông suối có dòng chảy mạnh, có sóng hay xoáy nước, việc đo ghi trên sông bị nhiễu lớn, thì chọn dạng đo địa chấn phát nguồn ngược. Trong cách đo này, cần chăng cáp thép làm đường tuyến đo, phát sóng tại các ĐT tương ứng trên tuyến, còn máy thu sóng đặt tại các điểm cố định trên bờ, tương ứng với các điểm nguồn. Đoạn tuyến ngang sông được coi là một đoạn thu, bố trí hai ĐT ở hai bên bờ sông, tương ứng với 2 điểm nguồn gần và 2 đến 4 ĐT xa bờ, tương ứng với các điểm nguồn xa.

Hình 4. Sơ đồ đo và cộng sóng điểm sâu chung với bậc cộng bằng 3

Khi lập dự án, phải thu thập tài liệu về dòng chảy, địa vật, để chọn biện pháp thi công phù hợp. Đồng thời xem xét khả năng chăng dây nối máy thu qua sông để đo đồng thời hai bên bờ nhằm giảm sai số xác định thời gian sóng đến. Nếu cần, phải khảo sát thực địa trước. Từ đó, vẽ sơ đồ bố trí đo, cách đặt cáp thép, điểm đặt máy thu sóng và các chỉ dẫn kỹ thuật cho thi công.

Điều 11. Phương pháp sóng phản xạ

1. Chọn hệ quan sát điểm sâu chung đo ghi ở băng tần 150 đến 2000Hz

a) Khoảng cách điểm thu sóng chọn từ 1 đến 4m. Không dùng khoảng cách thu lớn hơn 1/20 độ sâu lớn nhất cần khảo sát để đảm bảo chất lượng cộng điểm sâu chung;

b) Bậc cộng sóng chọn từ 6 đến 24;

c) Dùng nguồn phát sóng là đập, súng hơi, nổ kíp hoặc nổ mìn liều nổ nhỏ.

2. Đo đạc thử nghiệm để xác định các tham số quan sát thực hiện theo trình tự sau:

a) Đo với khoảng cách điểm thu dày cỡ 1m và bậc cộng lớn từ 12 trở lên;

b) Xử lý kết quả thử nghiệm với bậc cộng và khoảng cách thu khác nhau;

c) So sánh kết qủa, chọn ra tham số ứng với bậc cộng tối thiểu mà kết quả xử lý điểm sâu chung thể hiện rõ các ranh giới phản xạ ở độ sâu khảo sát yêu cầu lớn nhất.

d) Việc chọn tham số cần chú ý các yếu tố khoảng cách điểm thu sóng chọn không nhỏ hơn bán kính tương quan của nhiễu ngẫu nhiên chủ yếu trên băng chưa cộng, nhưng không làm đáy cộng quá lớn, đến mức tia sóng phản xạ bên ngoài cùng có góc phản xạ lớn hơn góc tới hạn (Hình 4); tăng bậc cộng sẽ tăng tỷ số tín hiệu/nhiễu cho đường ghi tổng, làm nổi các sóng phản xạ từ các mặt phản xạ sâu, nhưng sẽ làm tăng giá thành khảo sát.

Hình 5. Bố trí đo địa chấn lỗ khoan

Điều 12. Phương pháp mặt cắt đứng và địa chấn lỗ khoan

1. Thiết bị quan sát:

a) Phát sóng bằng nguồn xung (đập, búa máy, nổ kíp hoặc mìn);

b) Thu sóng trong lỗ khoan bằng đầu thu chuyên dụng với 3 kênh X, Y và Z.

2. Hệ quan sát:

a) Cần ít nhất hai điểm nguồn: Một điểm nguồn gần, đặt sát miệng lỗ khoan theo khả năng không gây phá huỷ lỗ khoan, thường từ 2 đến 4m và điểm nguồn xa, cách miệng lỗ khoan cỡ 1/5 độ sâu lỗ khoan, nhưng không nhỏ hơn 7m;

Hình 6. Bố trí quan sát sóng khúc xạ trong hầm lò.

a) Mặt cắt ngang lò; b) Mặt cắt dọc lò

b) Bố trí điểm thu kiểm tra, có ít nhất hai điểm: Tại miệng lỗ khoan và tại điểm nguồn xa (Hình 5);

c) Khi đo địa chấn lỗ khoan, có thể chọn dạng đo ngược bằng cách đảo các vị trí thu và phát trên sơ đồ đo đã thiết kế.

Điều 13. Phương pháp chiếu sóng địa chấn

1. Đo chiếu sóng địa chấn giữa các lỗ khoan, các công trình khai đào, trên mặt đất hoặc bố trí hai bên sườn núi.

2. Khoảng cách điểm thu sóng chọn theo quy định tại Bảng 1 Điều 5 Thông tư này.

3. Số lượng và cách bố trí điểm nguồn xác định theo yêu cầu khảo sát và dựa trên quan hệ hình học của đối tượng với đoạn thu sóng, sao cho các tia sóng bao trùm lên khối cần nghiên cứu.

Điều 14. Đo địa chấn hầm lò

1. Đo địa chấn trong hầm lò là thu nhận và liên kết sóng ngang trao đổi PSP từ mặt đá nguyên dạng để cùng với sóng dọc tương ứng, tính modul đàn hồi Ed và hệ số Poisson  của khối đá, xác định vùng giảm ứng suất do việc đào lò gây ra (hình 6).

2. Quan sát thực hiện theo phương pháp sóng khúc xạ:

a) Mạng lưới khảo sát ở tỷ lệ 1: 200 đến 1: 1000;

b) Khoảng cách điểm thu 1 đến 2m;

c) Hệ quan sát là 4 đến 5 điểm nguồn, trong đó có 2 điểm nguồn xa;

d) Nguồn phát sóng bằng đập búa hoặc nổ kíp.

Điều 15. Lựa chọn nguồn phát sóng đàn hồi

a) Kiểu nguồn phát, đặc trưng chính, độ sâu nghiên cứu sóng khúc xạ, độ sâu nghiên cứu sóng phản xạ và chiếu sóng của các kiểu nguồn tương ứng được quy định tại Bảng 2;

b) Tần số sóng phát và thu đạt độ phân giải và độ chính xác của các ranh giới phụ thuộc vào kiểu nguồn sử dụng, đặc điểm môi trường ở điểm phát và thu sóng (Phụ lục 1.3).

Bảng 2. Các kiểu nguồn chính

Kiểu nguồn

Đặc trưng chính

Độ sâu nghiên cứu sóng khúc xạ

Độ sâu nghiên cứu sóng phản xạ và chiếu sóng

Liều nổ TNT, amonit

Phổ rộng,

Theo liều nổ

Theo liều nổ

Kíp điện

xung đẳng hướng

0 ¸ 15m

20 ¸ 300m

Búa đập 5Kg, cộng nhiều lần đập

Xung có hướng

0 ¸ 35m

20 ¸ 500m

Búa máy 1 ¸ 4KW

Xung có hướng

0 ¸ 40m

20 ¸ 500m

Máy rung Vibroseis 10 ¸ 300HP

Băng tần hẹp, rung động có hướng

0 ¸ 50m

Theo công suất 20 ¸ vài nghìn m

Nguồn xung điện (boomer) 2KW

Đẳng hướng, dùng ở môi trường nước

0 ¸ 35m

20 ¸ 100m

Súng hơi, 2 ¸ 100HP

Đẳng hướng, dùng ở môi trường nước

0 ¸ 50m

Theo công suất 20 ¸ vài nghìn m

Điều 16. Nội dung của dự án địa chấn

1. Dự án đo địa chấn độc lập cần thể hiện những nội dung sau:

a) Mục tiêu, nhiệm vụ căn cứ vào các yêu cầu của thẩm quyền quyết định hoặc cơ sở pháp lý khác, dự án địa chấn xác định các nhiệm vụ cụ thể và kỹ thuật công tác, thời gian tiến hành công việc;

b) Vị trí vùng công tác, đặc điểm địa lý, kinh tế, nhân văn và đánh giá ảnh hưởng tới quá trình thi công;

c) Lịch sử nghiên cứu địa chất, địa chất công trình, địa vật lý đã tiến hành trên vùng công tác. Đánh giá mức độ sử dụng những tài liệu đã có vào phân tích giải đoán tài liệu địa chấn;

d) Phương pháp và khối lượng công tác, nêu tóm tắt các vấn đề:

- Cơ sở địa chất - địa vật lý để lựa chọn các dạng công tác địa chấn, nhiệm vụ kỹ thuật và khối lượng của công tác đó;

- Phương pháp quan sát, mạng lưới và các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng;

- Yêu cầu về trắc địa đối với các dạng công việc;

- Sai số cho phép của các phương pháp công tác.

đ) Tổ chức thi công: tổng quát về kế hoạch thi công, gồm tổ chức, nhân lực, các bước thực hiện. Nếu dự án kéo dài, cần có biểu đồ lịch thi công;

e) Công tác văn phòng: nêu các phương pháp xử lý tính toán. Các phương pháp cổ điển chỉ cần nêu ngắn gọn;

f) Sản phẩm của dự án: báo cáo, mặt cắt địa chấn - địa chất, bảng giá trị tham số cơ lý của các địa tầng, các sơ đồ trên cơ sở nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này.

g) Dự toán: được tính toán trên cơ sở định mức, đơn giá và chi phí phụ trợ theo quy định hiện hành;

h) Danh mục tài liệu tham khảo;

i) Các phụ lục, bản vẽ kèm theo dự án:

- Sơ đồ khái quát vùng công tác;

- Sơ đồ địa chất, địa chất công trình ở tỷ lệ khảo sát (1:50.000, 1:25.000 hay lớn hơn);

- Sơ đồ bố trí tuyến địa chấn và các công trình khảo sát địa chất, địa vật lý có liên quan;

- Khi đo chiếu sóng, lỗ khoan, hay mặt cắt đứng có nhiều hướng phát sóng, cần vẽ lược đồ quan sát dự kiến.

2. Khi công tác địa chấn là một thành phần trong dự án khảo sát địa chất công trình thì các nội dung trên chỉ nêu ngắn gọn, phù hợp nội dung dự án chung.

3. Thành phần tổ lập dự án gồm:

a) Chủ nhiệm dự án: Điều tra viên chính bậc 4 chuyên ngành địa vật lý trở lên;

b) Hai điều tra viên chính chuyên ngành địa vật lý;

c) Một điều tra viên chính chuyên ngành địa chất hoặc địa chất công trình;

d) Một điều tra viên chuyên ngành trắc địa;

đ) Các kỹ thuật viên.

Điều 17. Điều kiện triển khai dự án

Dự án chỉ được triển khai thực hiện khi đã có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc hợp đồng dịch vụ đo địa chấn đã được ký kết có giá trị pháp lý.

Điều 18. Thành phần một tổ đo địa chấn

1. Bộ phận đo máy gồm:

a) Đo máy 1 người, chức danh điều tra viên chính, chuyên ngành địa vật lý bậc 3;

b) Ghi sổ 1 người, chức danh điều tra viên chính, chuyên ngành địa vật lý bậc 2;

c) Phụ trách đường dây 4 người, chức danh điều tra viên, chuyên ngành địa vật lý bậc 3;

d) Công nhân đường dây từ 6 đến 12 người.

2. Bộ phận phát sóng gồm:

a) Chỉ huy phát sóng: 01 người;

b) Công nhân nổ mìn hoặc đập búa biên chế tối thiểu 2 nhóm; mỗi nhóm từ 2 đến 4 người.

3. Bộ phận trắc địa gồm:

a) Đo máy 01 người có chức danh điều tra viên chính, chuyên ngành trắc địa bậc 3;

b) Ghi sổ 01 người có chức danh điều tra viên chính, chuyên ngành trắc địa bậc 2;

c) Kỹ thuật viên 02 người.

4. Bộ phận văn phòng thực địa gồm:

a) Phụ trách chung 1 người, điều tra viên chính bậc 4 chuyên ngành địa vật lý trở lên;

b) Hai điều tra viên chính chuyên ngành địa vật lý phân tích tài liệu: 4 người

c) Điều tra viên 2 người;

d) Kỹ thuật viên 2 người.

Điều 19. Công tác an toàn lao động

1. Trước khi thi công phải tổ chức học tập an toàn lao động theo quy định hiện hành của hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

2. Người tham gia sản xuất chuyên môn phải được huấn luyện an toàn lao động về làm việc ở vùng có vật liệu nổ, các biện pháp sơ cứu khi có tai nạn.

3. Khi dùng nguồn phát sóng là chất nổ phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp và quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công an quy định về cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hàng nguy hiểm.

4. Xây dựng và phổ biến nội quy an toàn lao động, biện pháp phối hợp giữa bộ phận nổ mìn và tổ công tác chuyên môn.

Thông tư 04/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo địa chấn trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và địa chất công trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/01/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH