Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 95/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dầu khí

Chương V

TRỮ LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN MỎ

Điều 63. Các công việc sau khi phát hiện dầu khí

1. Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ khi có phát hiện dầu khí, nhà thầu phải thông báo về phát hiện dầu khí cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong thời hạn một trăm ba mươi (130) ngày sau khi có thông báo trên, nhà thầu phải gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kế hoạch thẩm lượng (nếu có) để được phê duyệt. Tập đoàn dầu khí Việt Nam xem xét và phê duyệt kế hoạch thẩm lượng nêu trên trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được kế hoạch thẩm lượng của nhà thầu.

2. Trong thời hạn 90 ngày hoặc một khoảng thời gian khác được sự chấp thuận của Bộ Công Thương kể từ khi hoàn thành kế hoạch thẩm lượng nêu trên, nhà thầu phải trình báo cáo đánh giá tổng hợp trữ lượng dầu khí tại chỗ của phát hiện đã thẩm lượng cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

3. Trường hợp kết quả thẩm lượng cho thấy phát hiện có tính thương mại, nhà thầu thông báo bằng văn bản cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tuyên bố phát hiện thương mại.

Điều 64. Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt báo cáo trữ lượng dầu khí

1. Trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ khi tuyên bố phát hiện thương mại, nhà thầu cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định báo cáo trữ lượng dầu khí hồ sơ về báo cáo trữ lượng dầu khí.

2. Hồ sơ về báo cáo trữ lượng dầu khí gồm:

a) Văn bản trình báo cáo trữ lượng dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu;

b) Báo cáo trữ lượng gồm các nội dung theo quy định của pháp luật (02 bộ);

c) Tóm tắt báo cáo trữ lượng bằng tiếng Việt và ngôn ngữ ký hợp đồng dầu khí (25 bản);

d) Các tài liệu khác có liên quan.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định báo cáo trữ lượng dầu khí tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt báo cáo trữ lượng dầu khí.

Việc thành lập, quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo trữ lượng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 65. Tính lại trữ lượng dầu khí

Trong quá trình thăm dò, thẩm lượng bổ sung, phát triển và khai thác dầu khí, nếu có thay đổi trữ lượng dầu khí, nhà thầu phải đăng ký điều chỉnh trữ lượng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trường hợp trữ lượng dầu khí thay đổi với mức chênh lệch lớn hơn 15% so với phê duyệt gần nhất, nhà thầu phải lập báo cáo tính lại trữ lượng dầu khí và trình duyệt theo quy định tại Điều 64 Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 66. Phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại vượt ra ngoài diện tích hợp đồng

1. Trường hợp phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại vượt ra ngoài diện tích hợp đồng dầu khí sang diện tích lô chưa ký hợp đồng dầu khí, nhà thầu cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có văn bản nêu rõ lý do xin mở rộng diện tích hợp đồng báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Quy trình thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc mở rộng diện tích hợp đồng do phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại vượt ra ngoài diện tích hợp đồng dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều 81 Nghị định này.

Điều 67. Hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung

1. Trường hợp hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung

a) Trường hợp phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại của diện tích hợp đồng vượt sang diện tích một hoặc nhiều lô khác đã ký kết hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu trong các diện tích hợp đồng liên quan có trách nhiệm đàm phán và thống nhất thỏa thuận hợp nhất mỏ để thẩm lượng và phát triển chung phát hiện dầu khí đó (nếu kết quả thẩm lượng cho thấy phát hiện thương mại);

b) Đối với các mỏ có trữ lượng dầu khí cận biên hoặc tại các lô dầu khí liền kề hoặc các mỏ kém hiệu quả kinh tế khi phát triển độc lập và việc phát triển chung sẽ có hiệu quả hơn, các nhà thầu cần thỏa thuận phát triển chung các mỏ hoặc các phát hiện dầu khí đó.

2. Thời gian hoàn thiện các thỏa thuận hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt không quá mười tám (18) tháng hoặc khoảng thời gian khác do Bộ Công Thương chấp thuận kể từ khi báo cáo đánh giá trữ lượng của phát hiện dầu khí liên quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoạt động dầu khí trong phần diện tích được hợp nhất được điều chỉnh bởi thỏa thuận hợp nhất và các hợp đồng dầu khí tương ứng.

3. Trường hợp các nhà thầu tham gia trong hợp đồng dầu khí hoặc các nhà thầu tham gia trong các hợp đồng dầu khí gần nhau không thể thống nhất một thỏa thuận hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung, việc khai thác riêng lẻ dẫn đến không đảm bảo hiệu quả kinh tế và không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ, các nhà thầu phải hoàn trả lại diện tích đó như diện tích không có phát hiện thương mại.

4. Quy trình thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ về hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung

a) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu trình Bộ Công Thương hai (02) bộ hồ sơ gốc và tám (08) bộ hồ sơ bản sao về hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung của nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

- Thỏa thuận hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung;

- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

b) Quy trình thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hợp nhất mỏ hoặc phát triển chung được thực hiện theo quy định tại Điều 81 Nghị định này.

5. Trường hợp phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại của diện tích hợp đồng vượt sang diện tích lô lân cận do quốc gia khác quản lý, nhà thầu phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có văn bản gửi Bộ Công Thương và nêu rõ lý do, phương án xử lý.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 68. Quy trình trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ

1. Trong thời hạn tám (08) tháng hoặc một khoảng thời gian khác được Bộ Công Thương chấp thuận kể từ ngày báo cáo trữ lượng dầu khí được phê duyệt, nhà thầu cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương kế hoạch đại cương phát triển mỏ.

2. Hồ sơ trình kế hoạch đại cương phát triển mỏ gồm:

a) Văn bản trình kế hoạch đại cương phát triển mỏ của nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

b) Kế hoạch đại cương phát triển mỏ (02 bộ);

c) Tóm tắt kế hoạch đại cương phát triển mỏ bằng tiếng Việt và ngôn ngữ ký hợp đồng (25 bản);

d) Các tài liệu khác có liên quan.

3. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ, ngành liên quan để thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch đại cương phát triển mỏ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định và phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ.

4. Trường hợp cần thiết, nhà thầu có thể trình kế hoạch đại cương phát triển mỏ điều chỉnh. Quy trình trình, phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Điều này.

5. Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết thực hiện Điều này.

Điều 69. Quy trình trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch khai thác sớm

1. Nhà thầu đề xuất kế hoạch khai thác sớm trong các trường hợp sau:

a) Các thông tin hiện có không cho phép xác định phương án khai thác hợp lý theo thông lệ dầu khí quốc tế được chấp nhận chung mà cần phải thu thập bổ sung số liệu trên cơ sở theo dõi động thái khai thác thực tế của mỏ, tầng sản phẩm và vỉa;

b) Tỷ lệ cấp trữ lượng P1/2P không thấp hơn 40%, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ Công Thương quyết định.

2. Thẩm quyền và thủ tục phê duyệt kế hoạch khai thác sớm

a) Trong thời hạn mười hai (12) tháng kể từ khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt, nhà thầu lập kế hoạch khai thác sớm và cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

b) Hồ sơ trình kế hoạch khai thác sớm bao gồm:

- Văn bản trình kế hoạch khai thác sớm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu;

- Kế hoạch khai thác sớm gồm các nội dung theo quy định của pháp luật (02 bộ);

- Tóm tắt kế hoạch khai thác sớm bằng tiếng Việt và ngôn ngữ ký hợp đồng dầu khí (25 bản);

- Các tài liệu khác có liên quan.

3. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ, ngành liên quan để thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch khai thác thác sớm.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định và phê duyệt kế hoạch khai thác sớm.

4. Nhà thầu gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chương trình công tác hàng năm theo quy định của hợp đồng dầu khí để thực hiện các hạng mục công việc trong kế hoạch khai thác sớm đã được phê duyệt.

5. Định kỳ hàng quý, nhà thầu báo cáo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tình hình thực hiện các hạng mục công việc trong kế hoạch khai thác sớm, cùng các tài liệu liên quan.

6. Khi hoàn tất kế hoạch khai thác sớm, nhà thầu phải gửi Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo sau đây:

a) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch khai thác sớm và cập nhật mô hình khai thác cùng các số liệu và phân tích chứng minh;

b) Kết luận về khả năng áp dụng sơ đồ thử nghiệm cho khai thác toàn mỏ.

7. Nhà thầu phải đảm bảo việc thực hiện kế hoạch khai thác sớm không phương hại đến hiệu quả thu hồi dầu khí khi phát triển toàn mỏ.

8. Thời hạn thực hiện khai thác sớm không quá ba (03) năm tính từ thời điểm có dòng sản phẩm thương mại đầu tiên, trừ trường hợp Bộ Công Thương xem xét, kéo dài thời hạn khai thác sớm phù hợp với tình hình triển khai kế hoạch khai thác sớm trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu.

9. Trong thời hạn sáu (06) tháng trước khi hết thời hạn trên, nhà thầu lập và cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình kế hoạch phát triển mỏ theo quy định của Nghị định này.

10. Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết thực hiện Điều này.

Điều 70. Quy trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ

1. Kế hoạch phát triển mỏ được lập trên cơ sở kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí đã được phê duyệt hoặc kết quả cập nhật của kế hoạch khai thác sớm nhằm đạt hiệu quả phát triển và khai thác dầu khí.

2. Trong thời hạn mười tám (18) tháng kể từ khi kế hoạch đại cương được phê duyệt hoặc thời hạn sáu (06) tháng trước khi kết thúc kế hoạch khai thác sớm, nhà thầu cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương, Hội đồng thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

3. Hồ sơ trình kế hoạch phát triển mỏ bao gồm:

a) Văn bản trình kế hoạch phát triển mỏ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu;

b) Kế hoạch phát triển mỏ gồm các nội dung theo quy định của pháp luật (02 bộ);

c) Tóm tắt kế hoạch phát triển mỏ bằng tiếng Việt và ngôn ngữ ký hợp đồng dầu khí (25 bản);

d) Các tài liệu khác có liên quan.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Việc thành lập, quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 71. Thực hiện kế hoạch phát triển mỏ dầu khí

1. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về chương trình công tác hàng năm theo quy định của hợp đồng dầu khí để thực hiện các hạng mục công việc trong kế hoạch phát triển mỏ đã được phê duyệt.

2. Định kỳ hàng quý, nhà thầu báo cáo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kế hoạch thực hiện các hạng mục công việc trong kế hoạch phát triển mỏ dầu khí và các tài liệu liên quan.

3. Trong quá trình phát triển mỏ, nếu cần khoan thẩm lượng bổ sung ngoài kế hoạch phát triển dầu khí đã được phê duyệt, nhà thầu cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản nêu trên, Bộ Công Thương xem xét, trả lời nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

4. Sau khi kế hoạch phát triển mỏ được phê duyệt, nếu nhà thầu không tiến hành phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo thời hạn đã quy định trong văn bản phê duyệt thì Bộ Công Thương được quyền thu hồi mỏ.

5. Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết thực hiện Điều này.

Điều 72. Sửa đổi, bổ sung kế hoạch khai thác sớm và kế hoạch phát triển mỏ

1. Nhà thầu thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung kế hoạch khai thác sớm và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đã được phê duyệt một trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi mức đầu tư trên 10% so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt; thay đổi hoặc phát sinh các hạng mục thiết bị cơ bản hiện có của mỏ; triển khai tại vỉa hay mỏ chương trình thử nghiệm hay chương trình khai thác khác với kế hoạch phát triển mỏ dầu khí hoặc kế hoạch khai thác sớm đã được phê duyệt;

b) Hoạt động khai thác hoặc thông tin địa chất mới cho thấy cần phải thay đổi phương án phát triển và khai thác nhằm đạt được hiệu quả tổng thể cao nhất;

c) Việc tăng hệ số thu hồi dầu khí theo hướng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ ứng dụng phương pháp hoặc công nghệ mới.

2. Trong thời hạn sáu (06) tháng hoặc một khoảng thời gian khác được Bộ Công Thương chấp thuận kể từ ngày có thay đổi theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nhà thầu lập và cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (áp dụng đối với trình kế hoạch phát triển mỏ điều chỉnh) kế hoạch khai thác sớm và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.

Quy trình trình, thẩm định và phê duyệt sửa đổi, bổ sung kế hoạch khai thác sớm và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí tương tự như quy trình phê duyệt kế hoạch khai thác sớm và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí ban đầu theo quy định tại Nghị định này.

3. Trong quá trình phát triển, khai thác mỏ, nếu trữ lượng tiềm năng khu vực bổ sung được khẳng định, nhà thầu lập kế hoạch phát triển bổ sung cho các khu vực này và cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt (áp dụng đối với kế hoạch khai thác sớm) hoặc báo cáo Bộ Công Thương, Hội đồng thẩm định Nhà nước về kế hoạch phát triển mỏ dầu khí để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (áp dụng đối với kế hoạch phát triển mỏ) theo quy định của Nghị định này.

Điều 73. Sử dụng khí đồng hành

1. Nhà thầu được sử dụng khí đồng hành khai thác được trong diện tích hợp đồng để phục vụ cho hoạt động dầu khí tại mỏ hoặc bơm trở lại mô.

2. Trường hợp khai thác khí đồng hành vì mục đích thương mại, nhà thầu có nghĩa vụ thực hiện việc nộp thuế và phân chia tỷ lệ đối với khí theo quy định của hợp đồng dầu khí và pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ Việt Nam có quyền sử dụng không phải trả tiền đối với khí đồng hành mà nhà thầu có ý định đốt bỏ nếu việc sử dụng này không gây cản trở cho hoạt động dầu khí và nhà thầu phải tạo điều kiện để công việc trên được thực hiện thuận lợi.

Điều 74. Sử dụng dầu khí cho hoạt động khai thác

Trong quá trình khai thác dầu khí, nhà thầu có thể sử dụng dầu khí khai thác được từ diện tích hợp đồng để phục vụ các hoạt động khai thác theo định mức cần thiết, phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.

Điều 75. Đốt và xả khí

1. Trừ trường hợp việc đốt bỏ khí đồng hành được Bộ Công Thương phê duyệt, nhà thầu có trách nhiệm thu gom khí đồng hành trong quá trình khai thác dầu khí. Nhà thầu phải xây dựng phương án thu gom khí đồng hành và thể hiện trong kế hoạch khai thác sớm hoặc kế hoạch phát triển mỏ.

2. Nhà thầu chỉ được đốt và xả khí trong những trường hợp sau:

a) Trong quá trình thử vỉa với lưu lượng, khối lượng không lớn hơn lưu lượng, khối lượng cần thiết phải xả để thông và làm sạch giếng;

b) Đốt theo chu kỳ khí dư thu được từ hệ thống xử lý không thể thu gom một cách kinh tế và việc đốt không gây ra mối nguy hiểm về an toàn; đốt trong tình trạng khẩn cấp như máy nén khí hoặc các thiết bị khác bị hư hỏng nhưng không kéo dài quá 48 giờ; đốt khi bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra và thử nghiệm;

c) Trong tình trạng khẩn cấp, nhà thầu có thể xả khí tạm thời nếu không thể đốt được nhưng không quá 24 giờ và phải qua van an toàn, thực hiện các biện pháp an toàn cho người, phương tiện, thiết bị đang hoạt động tại mỏ;

d) Việc đốt khí phục vụ quá trình thử vỉa hoặc sau khi hoàn thiện, sửa chữa hoặc xử lý giếng dự kiến kéo dài quá 48 giờ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt;

đ) Đốt hoặc xả khí từ giếng để giải tỏa áp suất.

3. Đối với các trường hợp không thuộc Khoản 2 Điều này, nhà thầu cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản.

Điều 76. Báo cáo định kỳ

Trong quá trình khai thác dầu khí, nhà thầu phải nộp báo cáo định kỳ quý, năm cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về sản lượng khai thác; thành phần, tỷ lệ dầu khí khai thác được của từng mỏ, từng đối tượng khai thác; khối lượng dầu khí sử dụng để phục vụ tìm kiếm thăm dò và khai thác, khối lượng dầu khí hao hụt hoặc bị đốt bỏ; đầu tư cộng dồn đối với từng mỏ; thu hồi chi phí đã thực hiện của từng mỏ, từng nhà thầu.

Nghị định 95/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dầu khí

  • Số hiệu: 95/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/10/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1071 đến số 1072
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH