Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Chương 2:

PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN RA CÔNG CHÚNG

Điều 3. Phát hành chứng khoán

1.Việc phát hành chứng khoán ra công chúng để niêm yết tại Thị trường giao dịch tập trung phải được ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép trừ việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

2.Việc phát hành chứng khoán ngoài quy định tại khoản 1, Điều này thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 4. Hình thức, mệnh giá chứng khoán

1. Chứng khoán phát hành ra công chúng có thể ghi danh hoặc vô danh, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ.

2. Chứng khoán phát hành phải ghi bằng đồng Việt Nam.

3. Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư thống nhất là 10.000 đồng, mệnh giá tối thiểu của trái phiếu là 100.000 đồng.

Điều 5. Phân phối chứng khoán

Chứng khoán phát hành ra công chúng phải được phân phối theo phương thức đại lý hoặc bảo lãnh phát hành.

Điều 6. Điều kiện phát hành cổ phiếu lần đầu

Tổ chức phát hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Mức vốn điều lệ tối thiểu là 10 tỷ đồng Việt Nam;

2. Hoạt động kinh doanh có lãi trong 2 năm liên tục gần nhất;

3. Thành viên Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) có kinh nghiệm quản lý kinh doanh;

4. Có phương án khả thi về việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu;

5. Tối thiểu 20% vốn cổ phần của tổ chức phát hành phải được bán cho trên 100 người đầu tư ngoài tổ chức phát hành; trường hợp vốn cổ phần của tổ chức phát hành từ 100 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ tối thiểu này là 15% vốn cổ phần của tổ chức phát hành;

6. Cổ đông sáng lập phải nắm giữ ít nhất 20% vốn cổ phần của tổ chức phát hành và phải nắm giữ mức này tối thiểu 3 năm kể từ ngày kết thúc việc phát hành;

7. Trường hợp cổ phiếu phát hành có tổng giá trị theo mệnh giá vượt 10 tỷ đồng thì phải có tổ chức bảo lãnh phát hành.

Điều 7. Điều kiện phát hành thêm cổ phiếu

Tổ chức phát hành phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn, ngoài việc phải đáp ứng các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 6 Nghị định này, còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Lần phát hành thêm phải cách 1 năm sau lần phát hành trước;

2. Giá trị cổ phiếu phát hành thêm không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành.

Điều 8. Điều kiện phát hành trái phiếu

Tổ chức phát hành phát hành trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Tuân theo các quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 Nghị định này;

2. Tối thiểu 20% tổng giá trị trái phiếu xin phép phát hành phải được bán cho trên 100 người đầu tư; trường hợp tổng gía trị trái phiếu xin phép phát hành từ 100 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ tối thiểu này là 15% tổng giá trị trái phiếu;

3. Phải có tổ chức bảo lãnh phát hành, trừ trường hợp tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng;

4. Có cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với người đầu tư;

5. Xác định đại diện người sở hữu trái phiếu.

Điều 9. Hồ sơ xin cấp giấy phép phát hành

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép phát hành cổ phiếu ra công chúng gồm có:

a) Đơn xin phép phát hành;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Điều lệ công ty;

d) Nghị quyết đại hội cổ đông về việc phát hành cổ phiếu;

e) Bản cáo bạch;

g) Danh sách các thành viên Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc);

h) Báo cáo tài chính trong hai năm liên tục gần nhất có xác nhận của tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

i) Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền, nếu là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá;

k) Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).

2. Hồ sơ xin cấp giấy phép phát hành trái phiếu ra công chúng gồm có:

a) Các tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 1 Điều này;

b) Nghị quyết Hội đồng quản trị;

c) Cam kết bảo lãnh phát hành của tổ chức bảo lãnh phát hành;

d) Cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành trái phiếu;

e) Hợp đồng giữa tổ chức phát hành trái phiếu với đại diện người sở hữu trái phiếu.

Điều 10. Điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành

1. Tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng phải là công ty chứng khoán đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có giấy phép hoạt động bảo lãnh phát hành;

b) Không phải là người có liên quan với tổ chức phát hành.

2. Tổ chức bảo lãnh chỉ được phép bảo lãnh phát hành tổng giá trị chứng khoán không quá 4 lần hiệu số giữa giá trị tài sản có lưu động và tài sản nợ ngắn hạn của tổ chức đó.

Điều 11. Thủ tục và thời hạn cấp giấy phép phát hành

Hồ sơ xin cấp giấy phép phát hành chứng khoán ra công chúng được gửi ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép phát hành, ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Điều 12. Sử dụng thông tin trước khi được phép phát hành

Trong thời gian ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét hồ sơ xin cấp giấy phép phát hành, tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành và các đối tượng có liên quan chỉ được sử dụng trung thực và chính xác các thông tin trong bản cáo bạch đã gửi ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thăm dò thị trường.

Điều 13. Công bố việc phát hành

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được giấy phép phát hành, tổ chức phát hành có nghĩa vụ công bố việc phát hành trên năm số liên tiếp của một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương nơi tổ chức phát hành đặt trụ sở chính. Tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc đại diện chỉ được sử dụng thông tin trong hồ sơ xin cấp giấy phép phát hành đã được ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để phát hành.

Điều 14. Thời hạn chào bán

Tổ chức phát hành phải phát hành chứng khoán theo phương án đã được duyệt trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày giấy phép phát hành có hiệu lực. Quá thời hạn trên, tất cả các chứng khoán chưa bán hết không được phát hành tiếp ra công chúng.

Điều 15. Đình chỉ phát hành

1. Tổ chức được cấp giấy phép phát hành bị đình chỉ việc phát hành, nếu ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện những sai lệch hoặc những thông tin không chính xác trong bản cáo bạch có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư và gây thiệt hại cho người đầu tư. Tổ chức phát hành phải sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thông báo công khai việc sửa đổi, bổ sung này.

2. Trường hợp việc phát hành bị đình chỉ, người đầu tư có quyền hủy bỏ việc đặt mua chứng khoán hoặc trả lại chứng khoán đã mua; trong trường hợp này tổ chức phát hành và các tổ chức liên quan khác có nghĩa vụ hoàn trả tiền cho người mua trong vòng 30 ngày, kể từ ngày việc phát hành bị đình chỉ.

Điều 16. Thu hồi giấy phép phát hành

1. Giấy phép phát hành bị thu hồi trong trường hợp sau:

a) Những thiếu sót nêu tại khoản 1 Điều 15 không được sửa đổi, bổ sung theo đúng thủ tục và thời gian quy định;

b) Không đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 6; khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

2. Trường hợp giấy phép phát hành bị thu hồi, tổ chức phát hành phải thông báo ngay cho người đầu tư chứng khoán biết; nếu người đầu tư có yêu cầu thì tổ chức phát hành phải thu hồi các chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho người đầu tư trong vòng 30 ngày kể từ ngày giấy phép bị thu hồi.

Điều 17. Lệ phí cấp giấy phép phát hành

Tổ chức phát hành phải nộp cho ủy ban Chứng khoán Nhà nước lệ phí cấp giấy phép phát hành bằng 0,02% tổng giá trị phát hành nhưng không quá 50 triệu đồng.

Điều 18. Chế độ báo cáo

1. Trong vòng 10 ngày sau khi kết thúc đợt phát hành, tổ chức phát hành phải báo cáo ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả đợt phát hành.

2. Tổ chức phát hành phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và của ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

3. Tổ chức phát hành phải kịp thời báo cáo ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố công khai các thông tin có thể tác động đến giá chứng khoán của tổ chức phát hành.

4. Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức phát hành báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh.

5. Các báo cáo tài chính của tổ chức phát hành phải tuân thủ pháp luật về kế toán và kiểm toán của Nhà nước. Trường hợp một tổ chức phát hành sở hữu từ 50% vốn cổ phần trở lên của một tổ chức khác thì trong các báo cáo tài chính phải bao gồm cả báo cáo tài chính của tổ chức có cổ phần của tổ chức phát hành.

Điều 19. Bảo vệ quyền lợi của người đầu tư

Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) của tổ chức phát hành có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của tất cả các cổ đông, người đầu tư, và phải:

1. Công bố rõ ràng các thông tin về quyền biểu quyết, quyền đăng ký mua chứng khoán, quyền chuyển đổi chứng khoán và các quyền khác cho tất cả các cổ đông;

2. Quy định và thực hiện các quy tắc công bố công khai về sở hữu cổ phần của các giám đốc, người quản lý, cổ đông lớn và những người có liên quan đối với các chứng khoán của tổ chức đó;

3. Tuân thủ các quy định tại Chương VIII Nghị định này.

Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán

  • Số hiệu: 48/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/07/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 26/07/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH