Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 44/2006/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường sắt do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:

a) Vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt;

b) Vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường sắt;

c) Vi phạm quy định đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu;

d) Vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt;

đ) Vi phạm quy định về kinh doanh đường sắt;

e) Vi phạm quy định khác có liên quan đến giao thông vận tải đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt đều bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Việc xử phạt người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt phải được phát hiện kịp thời và bị đình chỉ ngay.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt phải thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này và phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt khi có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt phải do người có thẩm quyền quy định tại Nghị định này thực hiện.

5. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt chỉ bị xử phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và người có thẩm quyền xử phạt chỉ ra một quyết định xử phạt.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

6. Khi xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm, những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định tại Nghị định này để quyết định hình thức, biện pháp xử phạt thích hợp.

7. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, bất khả kháng hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

8. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phải bảo đảm giao thông vận tải đường sắt an toàn, thông suốt.

Điều 4. Hình thức xử phạt hành chính

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt được quy định tại Nghị định này, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể không có tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ, thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng, thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này;

b) Trong thời hạn một năm, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Thời hiệu xử phạt hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

2. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính:

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 6. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt

Người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xử phạt đúng hành vi vi phạm, đúng đối tượng vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt phải tuân thủ yêu cầu kiểm tra, quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dốc gù là hệ thống thiết bị phục vụ công tác dồn tàu mà khi đầu máy đẩy đoàn toa xe đến đỉnh dốc, sẽ tiến hành tác nghiệp cắt nối toa xe để các toa xe lợi dụng thế năng của đỉnh dốc tự chạy vào các đường trong bãi dồn.

2. Dồn phóng là phương pháp lợi dụng động năng của đoàn dồn để phóng toa xe hoặc cụm toa xe vào các đường trong bãi dồn.

3. Thả trôi là phương pháp lợi dụng thế năng của đường dồn tàu để thả cho toa xe hoặc cụm toa xe tự chạy vào các đường trong bãi dồn.

4. Cắt hớt là phương pháp cắt cụm toa xe khi đoàn dồn đang dịch chuyển.

5. Chế độ hô đáp là quy định bắt buộc mà người được quy định hô các mệnh lệnh, thực hiện các biểu thị và người chấp hành các mệnh lệnh, biểu thị phải đáp lại đúng nội dung đã nhận được.

6. Cấp cảnh báo là thông báo bằng văn bản cho các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu liên quan về tình trạng bất bình thường của kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt và các trường hợp cần thiết khác, kèm theo các biện pháp thực hiện nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu.

7. Khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt là khoảng không gian dọc theo đường sắt đủ để tàu chạy qua không bị va quệt.

Nghị định 44/2006/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt

  • Số hiệu: 44/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/04/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 7 đến số 8
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH