Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 4 Nghị định 24/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện

MỤC 1.

KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, XỬ LÝ NHIỄU CÓ HẠI

Điều 26. Đối tượng kiểm tra, kiểm soát

Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát tần số và thiết bị vô tuyến điện của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Điều 27. Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát

1. Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát tần số và thiết bị vô tuyến điện trong phạm vi cả nước để thu, đo các tham số kỹ thuật và khai thác, mức độ chiếm dụng băng tần của các đài vô tuyến điện; xác định nguồn nhiễu; phát hiện các đài vi phạm; xử lý nhiễu có hại theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về thông tin vô tuyến điện mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

2. Kết quả kiểm tra, kiểm soát, đo tham số kỹ thuật và định vị các thiết bị vô tuyến điện, dạng phổ tín hiệu, hô hiệu hoặc tín hiệu nhận dạng và các bằng chứng khác là căn cứ để xác định và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Điều 28. Các hình thức kiểm tra

1. Kiểm tra định kỳ được thực hiện theo chương trình, kế hoạch kiểm tra đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt.

2. Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi giải quyết khiếu nại; khi Bộ Bưu chính, Viễn thông xét thấy có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.

Điều 29. Biện pháp hạn chế nhiễu có hại

1. Tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải thực hiện đúng các quy định trong giấy phép và phải áp dụng các biện pháp sau đây để hạn chế khả năng gây nhiễu có hại:

a) Giữ tần số phát trong phạm vi sai lệch tần số cho phép;

b) Giảm mức phát xạ không mong muốn ở trị số thấp nhất;

c) Sử dụng phương thức phát có độ rộng băng tần chiếm dụng nhỏ nhất (trừ một số trường hợp đặc biệt như trải phổ);

d) Hạn chế phát sóng ở những hướng không cần thiết;

đ) Sử dụng mức công suất nhỏ nhất đủ để đảm bảo chất lượng thông tin.

2. Đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ phụ không được gây nhiễu có hại cho đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ chính và không được khiếu nại nhiễu có hại từ đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ chính mà tần số của các đài vô tuyến điện này đã được ấn định hoặc có thể được ấn định muộn hơn.

Điều 30. Xử lý khiếu nại nhiễu có hại

1. Tổ chức, cá nhân khi khiếu nại về nhiễu có hại phải gửi tới Bộ Bưu chính, Viễn thông "Báo cáo nhiễu có hại" theo mẫu quy định và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Bưu chính, Viễn thông để tổ chức việc xác định nguồn gây nhiễu, biện pháp giải quyết nhiễu có hại.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trong khu vực nhiễu có hại có trách nhiệm phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện nguồn nhiễu nhanh chóng, chính xác và xử lý nhiễu có hiệu quả.

2. Bộ Bưu chính, Viễn thông xử lý nhiễu có hại theo nguyên tắc sau:

a) Ưu tiên cho phát xạ trong băng, phát xạ không mong muốn phải được hạn chế ở mức thấp nhất;

b) Ưu tiên cho nghiệp vụ chính, các nghiệp vụ phụ phải thay đổi tần số hoặc các tham số kỹ thuật phát sóng;

c) Trong cùng một nghiệp vụ vô tuyến điện, tần số được cấp phép sử dụng sau phải chuyển đổi, ưu tiên cho tần số được cấp phép sử dụng trước;

d) Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong khoa học, công nghiệp, y tế; thiết bị điện, điện tử, khi gây nhiễu có hại cho các đài vô tuyến điện phải thực hiện các biện pháp để loại bỏ nhiễu (trừ trường hợp các thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện hoạt động đúng băng tần quy định) và phải ngừng sử dụng các thiết bị này khi gây nhiễu có hại cho nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường, an toàn, cứu nạn;

đ) Trường hợp nhiễu có hại chưa được khắc phục có thể áp dụng các biện pháp: thay đổi tần số, hạn chế công suất phát; thay đổi chiều cao, phân cực, đặc tính phương hướng của anten phát; phân chia lại thời gian làm việc và các biện pháp cần thiết khác đối với đài gây nhiễu;

e) Bên gây nhiễu do không thực hiện đúng nội dung giấy phép chịu trách nhiệm về chi phí cho việc chuyển đổi tần số, thiết bị, xử lý nhiễu có hại.

Điều 31. Xử lý nhiễu có hại giữa các đài vô tuyến điện phục vụ kinh tế - xã hội với các đài vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh

1. Trừ trường hợp đối với các băng tần được phân bổ cho quốc phòng, an ninh sử dụng lâu dài theo điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị định này, khi xảy ra nhiễu có hại giữa các đài vô tuyến điện phục vụ kinh tế - xã hội với các đài vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh thì các đài vô tuyến điện quốc phòng, an ninh chủ động thay đổi tần số và các tham số kỹ thuật phát sóng để tránh nhiễu.

2. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì và phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan khác thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giải quyết nhiễu có hại.

Nghị định 24/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện

  • Số hiệu: 24/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/01/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 06/02/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH