Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 100/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về thuế mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế bao gồm:

1. Vi phạm quy định về đăng ký thuế; kê khai thuế; lập, nộp quyết toán thuế;

2. Vi phạm quy định về thu, nộp tiền thuế, tiền phạt;

3. Vi phạm quy định về kiểm tra, thanh tra về thuế;

4. Các hành vi trốn thuế.

Điều 2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế thực hiện theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt được giảm xuống, nhưng không thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể cao hơn nhưng không vượt mức tối đa của khung tiền phạt.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế là hai năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế được xác định là hành vi trốn thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại các Luật, Pháp lệnh về Thuế.

2. Cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm đó có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hiệu được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực thuế hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

4. Người có thẩm quyền xử phạt nếu để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 4. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 5. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ, sổ kế toán in, phát hành sai quy định;

b) Bị tạm đình chỉ sử dụng hoá đơn do không thực hiện đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Thời gian tạm đình chỉ sử dụng hóa đơn tối đa không quá 03 tháng kể từ ngày tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quyết định xử phạt; trường hợp vi phạm được khắc phục trong thời gian sớm hơn 03 tháng thì việc tạm đình chỉ sử dụng hoá đơn sẽ hết hiệu lực ngay sau ngày các vi phạm đã được khắc phục xong.

Điều 6. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

1. Tình tiết giảm nhẹ được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Tình tiết tăng nặng được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 7. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hành vi trốn thuế là hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.

2. Số tiền thuế trốn là số tiền thuế được phát hiện thêm ngoài số liệu kê khai trên tờ khai thuế, quyết toán thuế hoặc ngoài sổ kế toán. Số thuế trốn để xem xét xử phạt hành chính không xét đến chính sách ưu đãi về thuế, không bù trừ vào số thuế được khấu trừ, được hoàn hoặc số tiền lỗ của đối tượng nộp thuế.

3. Thời điểm xác định cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế để xử phạt vi phạm hành chính là thời điểm cá nhân, tổ chức đã hoàn thành việc kê khai số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế hoặc thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế theo hồ sơ đề nghị của cá nhân, tổ chức đó.

4. Hàng hoá, nguyên, nhiên, vật liệu quy định tại Nghị định này là các loại hàng hoá, nguyên, nhiên, vật liệu không bị pháp luật cấm kinh doanh.

Hàng hoá lưu thông bao gồm: Hàng hoá, nguyên, nhiên, vật liệu đang vận chuyển trên đường, bầy bán tại địa điểm bán hàng, ở trong kho hoặc ở nơi sản xuất, kinh doanh.

Nghị định 100/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

  • Số hiệu: 100/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/02/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH