Hệ thống pháp luật

Điều 40 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015

Điều 40. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách.

2. Khi nhận được văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan hữu quan quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Luật này gửi đến, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét nội dung văn bản đó. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội báo cáo Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

3. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp để xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự sau đây:

a) Đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trình bày báo cáo;

b) Đại diện cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản giải trình;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời dự phiên họp phát biểu ý kiến;

d) Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thảo luận;

đ) Chủ tọa phiên họp tóm tắt ý kiến phát biểu tại phiên họp;

e) Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội biểu quyết về việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật khi xét thấy cần thiết.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, cá nhân phải xem xét, thực hiện và thông báo cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội biết.

Quá thời hạn này mà cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản không thực hiện kiến nghị hoặc thực hiện không đáp ứng với yêu cầu thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó theo thẩm quyền.

5. Kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải được báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trường hợp cần thiết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015

  • Số hiệu: 87/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1239 đến số 1240
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH