Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 5 Luật cạnh tranh 2004

Mục 1: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 56. Nguyên tắc tố tụng cạnh tranh

1. Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Trong quá trình tiến hành tố tụng cạnh tranh, điều tra viên, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, thành viên Hội đồng cạnh tranh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải giữ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 57. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng cạnh tranh

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng cạnh tranh là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng cạnh tranh có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có phiên dịch.

Điều 58. Khiếu nại vụ việc cạnh tranh

1. Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật này (sau đây gọi chung là bên khiếu nại) có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh.

2. Thời hiệu khiếu nại là hai năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.

3. Hồ sơ khiếu nại phải có những tài liệu chủ yếu sau đây:

a) Đơn khiếu nại theo mẫu của cơ quan quản lý cạnh tranh;

b) Chứng cứ về hành vi vi phạm.

4. Bên khiếu nại phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của các chứng cứ đã cung cấp cho cơ quan quản lý cạnh tranh.

Điều 59. Thụ lý hồ sơ khiếu nại

1. Cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thụ lý hồ sơ khiếu nại.

2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại về việc thụ lý hồ sơ.

3. Bên khiếu nại phải nộp tiền tạm ứng chi phí cho việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Điều 60. Chứng cứ

1. Chứng cứ là những gì có thật, được điều tra viên, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi vi phạm quy định của Luật này.

2. Chứng cứ được xác định từ các nguồn sau đây:

a) Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện vi phạm, tiền và những vật khác có giá trị chứng minh hành vi vi phạm quy định của Luật này;

b) Lời khai của người làm chứng, giải trình của tổ chức, cá nhân liên quan;

c) Tài liệu gốc, bản sao tài liệu gốc, bản dịch tài liệu gốc được công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận;

d) Kết luận giám định.

Điều 61. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có quyền áp dụng một số biện pháp ngăn chặn hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 76 và khoản 4 Điều 79 của Luật này.

Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp ngăn chặn hành chính mà Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có quyền áp dụng.

2. Những người sau đây có quyền kiến nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính:

a) Bên khiếu nại có quyền kiến nghị đến Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh;

b) Điều tra viên có quyền kiến nghị đến Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh;

c) Chủ tọa phiên điều trần có quyền kiến nghị đến Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh.

3. Trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính theo đề nghị của bên khiếu nại thì bên khiếu nại có trách nhiệm nộp một khoản tiền bảo đảm theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng gây thiệt hại cho bên bị điều tra thì bên khiếu nại phải bồi thường. Mức bồi thường do bên khiếu nại và bên bị điều tra tự thỏa thuận; nếu các bên không tự thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

4. Trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo đề nghị của điều tra viên, Chủ tọa phiên điều trần mà gây thiệt hại cho bên bị điều tra thì cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh phải bồi thường. Mức bồi thường do bên bị điều tra và cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh tự thỏa thuận; nếu không tự thỏa thuận được thì bên bị điều tra có quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự. Trong trường hợp phải bồi thường, cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh phải xác định trách nhiệm kể cả trách nhiệm vật chất của người đề nghị và những người có liên quan để có hình thức kỷ luật thoả đáng và bồi hoàn khoản tiền mà cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh đã bồi thường cho bên bị điều tra.

5. Bên bị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính có quyền khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 62. Phí xử lý vụ việc cạnh tranh Phí xử lý vụ việc cạnh tranh được dùng để tiến hành xử lý vụ việc cạnh tranh. Chính phủ quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh phù hợp với pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 63. Trách nhiệm chịu phí xử lý vụ việc cạnh tranh

1. Bên bị kết luận vi phạm quy định của Luật này phải trả phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

2. Trường hợp bên bị điều tra không vi phạm quy định của Luật này thì bên khiếu nại phải trả phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

3. Trường hợp việc điều tra vụ việc cạnh tranh được tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này, nếu bên bị điều tra không vi phạm quy định của Luật này thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải chịu phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

Luật cạnh tranh 2004

  • Số hiệu: 27/2004/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 03/12/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH