Hệ thống pháp luật

Chương 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

MỤC 1. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG VÀ BIỆN PHÁP CÔNG TÁC CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Điều 11. Phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam

1. Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 12. Biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam

1. Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật.

2. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác theo quy định tại khoản 1 Điều này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.

MỤC 2. THỰC THI PHÁP LUẬT TRÊN BIỂN CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Điều 13. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

1. Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

2. Các trường hợp dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát bao gồm:

a) Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;

b) Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;

c) Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;

d) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;

đ) Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.

3. Khi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cảnh sát biển Việt Nam phải thể hiện màu sắc của tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết và trang phục theo quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Luật này.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 14. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;

c) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;

d) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.

3. Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Điều 15. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được để phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển; phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 16. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự

1. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

2. Việc huy động theo quy định tại khoản 1 Điều này phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.

Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của Cảnh sát biển Việt Nam.

4. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Điều 17. Thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển

1. Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia;

b) Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này;

c) Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi;

d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 18. Công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam công bố cấp độ hoặc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải và thực hiện việc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, xử lý thông tin an ninh hàng hải; thông báo các biện pháp an ninh hàng hải phù hợp cần áp dụng đối với tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

MỤC 3. HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Điều 19. Nguyên tắc hợp tác quốc tế

1. Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.

2. Phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.

Điều 20. Nội dung hợp tác quốc tế

1. Phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.

2. Phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán vũ khí trái phép, khủng bố, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

3. Phòng, chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng, chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

4. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam.

5. Các nội dung hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 21. Hình thức hợp tác quốc tế

1. Trao đổi thông tin về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

2. Tổ chức hoặc tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế về an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển.

3. Tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế với lực lượng chức năng của quốc gia khác, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển.

5. Tham gia diễn tập, huấn luyện; tổ chức đón, thăm xã giao lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

6. Thực hiện các hoạt động của cơ quan thường trực, cơ quan đầu mối liên lạc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.

7. Các hình thức hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018

  • Số hiệu: 33/2018/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 19/11/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1135 đến số 1136
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH