Hệ thống pháp luật

Vụ sà lan đâm vào cầu Bình Lợi: Có vi phạm Luật giao thông đường thủy?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: GT45

Câu hỏi:

Liên quan đến vụ việc một chiếc sà lan đã đâm vào cầu Bình Lợi cũ (TP.HCM) khiến đường ray tàu hỏa lệch khoảng 25 cm. Nhiều bạn đọc có gửi thắc mắc đến hỏi nếu sà lan vi phạm luật giao thông đường thủy thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Như thông tin báo chí phản ánh, rạng sáng 1/11, chiếc sà lan mang số hiệu 05.853 do tài công Nguyễn Quốc Cường (32 tuổi, ngụ Bạc Liêu) điều khiển chở hơn 1.000 tấn vật liệu xây dựng lưu thông trên sông Sài Gòn theo hướng từ hạ nguồn lên thượng nguồn. Khi tới khu vực cầu Bình Lợi cũ (khu vực giáp Thủ Đức – Bình Thạnh) thì nắp cabin của sà lan đụng vào nhịp số 4 khiến đường ray xe lửa tuyến Bắc – Nam bị lệch khoảng 25 cm, một số thanh tà vẹt bằng gỗ của đường ray bị gãy. Vụ việc khiến tàu hỏa không thể lưu thông qua cầu được…. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.

Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa?

Theo quy định tại Điều 4 Luật giao thông đường thủy nội địa 2004 về Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa:

“1. Hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn cho người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.”

Bởi vậy để xác định trách nhiệm của các bên trong sự cố này, phải tìm nguyên nhân để xảy ra tai nạn. Trường hợp này bắt đầu từ việc kiểm tra các căn cứ pháp lý về hoạt động của sà lan và việc tuân thủ các quy định về an toàn đường thủy nội địa của sà lan, chủ sà lan và người điều khiển sà lan là việc làm cần thiết và cần phải tiến hành ngay.

Trường hợp nếu qua quá trình xác định nguyên nhân xảy ra sự cố là do thời tiết, sự kiện bất khả kháng chứ không phải vì nguyên nhân do an toàn kỹ thuật hoặc các tiêu chuẩn về giao thông đường thủy nội địa bị vi phạm thì chủ sà lan hoặc người có trách nhiệm trong điều khiển sà lan sẽ không bị xử phạt hành chính.

Nếu qua quá trình điều tra, xác minh cho thấy rõ nguyên nhân để xảy ra tai nạn không vì những lý do bất khả kháng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ thì việc xử lý có thể căn cứ vào các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy tại Nghị định 93/2013/NĐ-CP. Mức phạt cụ thể cho các trường hợp như sau:

Phạt tiền tối đa lên tới 10.000.000 đồng nếu xác định chủ sà lan, người điều khiển sà lan vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện; Vi phạm quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện; Vi phạm quy định về thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện theo quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 43 Nghị định 93/2013/NĐ-CP

Phạt tiền tối đa lên tới 4.000.000 đồng nếu nếu xác định chủ sà lan, người điều khiển sà lan Vi phạm quy định về công dụng, vùng hoạt động của phương tiện theo quy định tại điều 42 Nghị định 93/2013/NĐ-CP

Phạt tiền tối đa lên tới 30.000.000 đồng nếu nếu xác định người điều khiển sà lan Vi phạm quy định về bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện tại điều 44 Nghị định 93/2013/NĐ-CP

Phạt tiền tối đa lên tới 3.000.000 đồng nếu qua kiểm tra xác định có Vi phạm quy định đối với thuyền viên, người lái phương tiện, Vi phạm quy định về kiểm tra, kiểm soát tại điều 45, điều 48 Nghị định 93/2013/NĐ-CP

Trường hợp này qua đánh giá sơ bộ, căn cứ vào điều 212 Bộ luật hình sự về mức thiệt hại về tài sản thì chưa đến mức nghiêm trọng nên nhiều khả năng không có cơ sở để xử lý hình sự nếu phát hiện có vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Trách nhiệm của các bên liên quan đến tai nạn đường sắt?

Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 171/2013 NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, khắc phục và giải quyết sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt, mức phạt theo quy định tại điều 47 Nghị định này tùy vào từng hành vi cụ thể sẽ có các khung xử phạt tương ứng, nhưng tối đa có thể lên tới 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 48 nghị định 171/2013, cần kiểm tra việc sà lan di chuyển, neo đậu qua công trình đường sắt như vậy có đúng quy định trong phạm vi bảo vệ cầu đường sắt hay không. Nếu phát hiện việc neo đậu trái quy định, hành vi này có thể bị Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM