Hệ thống pháp luật

Trách nhiệm của bên vận chuyển khi làm hư hỏng hàng hóa

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN354

Câu hỏi:

CTCP xây dựng A mua của CTTNHH xi măng B 100 tấn xi măng loại 1 với giá 1,5 triệu đồng/ tấn. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, công ty A tạm ứng trước 25% giá trị hợp đồng ngay sau khi kí hợp đồng. Đúng thời hạn, công ty A đã tạm ứng đủ số tiền cho công ty B, đồng thời công ty B cũng giao hàng đúng và đủ số xi măng của đợt 1 là 30 tấn. Đến đợt giao hàng thứ 2 theo hợp đồng, công ty B chỉ giao 30/70 tấn nhưng yêu cầu công ty A phải thanh toán toàn bộ số tiền đợt 1. Khi nhận hàng đợt 2, công ty A phát hiện khoảng 20% số xi măng không đúng chủng loại như hợp đồng và đã bị ẩm. Công ty A yêu cầu công ty B phải thay xi măng như thỏa thuận nhưng công ty B lấy lí do gặp mưa lớn nên không hạn chế được, hơn nữa là hàng đã giao cho bên mua nên bên mua phải chịu rủi ro. Bên A từ chối thanh toán cho đợt 1 và đợt 2, đồng thời buộc B phải trả tiền phạt 5% giá trị hợp đồng như đã thỏa thuận. Câu hỏi: Ý kiến của công ty B về chuyển rủi ro đối với hàng hóa như trên có đúng pháp luật không? Tại sao. Xác định trách nhiệm của các bên với hành vi vi phạm??

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo Điều 34 và Điều 37 của Luật Thương mại 2005 quy định về vấn đề giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa; thời hạn giao hàng như sau:

Điều 34. Giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa

1. Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.

2. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật này.

Điều 37. Thời hạn giao hàng

1. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng.

2. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.

3. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.”

Đợt giao hàng thứ nhất, cả công ty A và công ty B đều đã tuân thủ theo đúng quy định ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, đến đợt hàng thứ hai, công ty B đã không tuân thủ theo đúng quy định của hợp đồng mà chỉ giao có 30/70 tấn hàng. Như vậy, công ty B đã vi phạm hợp đồng với công ty A, cụ thể là theo Điều 37 Luật thương mại 2005 về thời hạn hợp đồng. Mặc dù, công ty B đã vi phạm về nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn nhưng lại đòi công ty A phải thanh toán toàn bộ số tiền đợt 1 là không đúng.

Theo Điều 39 Luật Thương mại 2005 quy định về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng như sau:

Điều 39. Hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;

b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;

d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

2. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Khi nhận hàng đợt 2, công ty A đã phát hiện khoảng 20% số xi măng không đúng chủng loại như hợp đồng và đã bị ẩm. Nếu công ty A chứng minh được khoảng 20% số xi măng đó không đúng chủng loại như hợp đồng đã ký kết thì có nghĩa là công ty B đã giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng theo khoản c Điều 39 Luật Thương mại 2005: “Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua.”

Theo Điều 40 và Điều 41 Luật Thương mại 2005 quy định về trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng và khắc phục trong trường hợp giao hàng thiếu, giao hàng không phù hợp với hợp đồng như sau:

Điều 40. Trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

1. Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật này, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

3. Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

Điều 41. Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.

2. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.”

Theo Điều 318 Luật Thương mại 2005 quy định về thời hạn khiếu nại như sau:

Điều 318. Thời hạn khiếu nại

Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;

2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;

3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.”

Khoảng 20% số xi măng không đúng với chủng loại như hợp đồng và đã bị ẩm do công ty B đã giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nên kể cả trường hợp hàng hóa đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro thì công ty B vẫn phải chịu trách nhiệm với số hàng hóa đó và khắc phục bằng cách thay thế hàng hóa cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của 20% số xi măng đó trong thời hạn còn lại. Tuy nhiên công ty B không những không khắc phục mà còn yêu cầu công ty A phải chịu rủi ro là hoàn toàn bất hợp lý.

Nhưng nếu đúng là 20% số xi măng trong quá trình vận chuyển do mưa lớn nên 20% số xi măng đấy đã bị hư hỏng và không còn giống với chủng loại như hợp đồng đã ký kết thì theo Điều 60 Luật Thương mại 2005 như sau:

Điều 60. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.”

Đây là trường hợp mà đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển, khi đó rủi ro sẽ được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng. Vì đối tượng của hợp đồng là số xi măng trong đó có 20% số xi măng trong quá trình vận chuyển đã bị hư hỏng do mưa lớn. Trường hợp này, số xi măng bị hư hỏng được xác định là sự kiện bất khả kháng, sự kiện này xảy ra sau khi ký hợp đồng, không phải do lỗi của bất kỳ bên tham gia hợp đồng nào, mà xảy ra ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện được hoặc không thể thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm của hợp đồng hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần, thời tiết quá xấu… hoặc cũng có thể là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ…

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM