Trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của con cái, quyền đối với tài sản chung của vợ chồng
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Hiện ông tôi tuổi già sức yếu, không còn minh mẫn, ông bà hiện không sống với người con nào. Bà tôi (hiện vẫn minh mẫn, khỏe mạnh bình thường) có nguyện vọng về ở với bác con trưởng ở gần để dễ chăm sóc nên bà đã tổ chức 1 cuộc họp gia đình để thống nhất việc nuôi dưỡng ông bà cũng như xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của các con. Tuy nhiên bác tôi chấp nhận việc nuôi dưỡng ông bà nhưng kèm theo điều kiện bà phải giao lại toàn bộ tài sản của ông bà cũng như sổ lương để bác quản lý và sử dụng. Bà và gia đình không đồng ý mà bà chỉ muốn đóng góp 1 khoản tiền hàng tháng là 5 triệu đồng, còn số tài sản của ông bà hiện có thì bà muốn tự quản lý, sử dụng và quyết định. Vậy tôi xin hỏi:
1. Để bà tôi có toàn quyền với khối tài sản hiện có của ông bà thì phải làm như thế nào? Bác tôi hiện đang giữ sổ đỏ đất bà đang ở mà không chịu trả bà, vậy bà phải đòi lại thế nào?
2. Việc lập biên bản họp gia đình có chữ ký của các con của ông bà với các nội dung theo ý chí như trên của bà có giá trị pháp lý không?
3. Bà tôi muốn lập di chúc ở thời điểm hiện tại có được không?
4. Trong trường hợp ông tôi mất, làm thế nào để bảo đảm quyền lợi hợp pháp về tài sản của bà tôi? Xin chân thành cảm ơn.
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Thủ tục để bà bạn có toàn quyền đối với tài sản của ông bà
Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình quy định:
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
- Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Do vậy, việc sử dụng, chiếm hữu, định đoạt khối tài sản chung của ông bà bạn (nhà đất, sổ tiết kiệm...), phải do ông bà bạn thỏa thuận quyết định. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, ông nội bạn không còn minh mẫn nữa nên ông không thể tự mình thực hiện quyền của chủ sử hữu đối với tài sản của ông. Trong trường hợp này, gia đình bạn nên tiến hành thủ tục giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự. Cụ thể như sau:
(i) Trước hết, bà bạn có đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố ông bạn là người mất năng lực hành vi dân sự.
Ðiều 22 Bộ luật dân sự quy định: ”Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.
Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có đủ các nội dung như nêu dưới đây. Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (theo Điều 319 Bộ luật tố tụng dân sự).
- Ngày, tháng, năm viết đơn;
- Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;
- Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;
- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;
- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
(ii) Sau khi có quyết định của tòa án tuyên bố ông bạn mất năng lực hành vi dân sự, bà bạn trở thành người giám hộ đương nhiên của ông (Khoản 1 Điều 62 Bộ luật dân sự: Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ).
Việc quản lý tài sản của ông bạn được thực hiện theo quy định tại Ðiều 69 Bộ luật dân sự:
- Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.
- Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.
- Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Như vậy, bà bạn với tư cách là người giám hộ của ông bạn sẽ có toàn quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của ông bạn theo quy định trên.
Đối với việc bác bạn đang cầm toàn bộ giấy tờ về quyền tài sản của ông bà: Bà bạn với tư cách là chủ sở hữu/sử dụng của tài sản, có quyền yêu cầu bác bạn trả lại toàn bộ giấy tờ đó. Trong trường hợp bác bạn cố tình không trả thì bà bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Việc gia đình lập biên bản với các nội dung như bạn đã nêu
Luật hôn nhân và gia đình quy định về quyền, nghĩa vụ của con đối với bố mẹ như sau:
- Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình (theo Điều 70 Luật hôn nhân và gia đình).
- Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ (theo Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình).
Như vậy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các con. Bà bạn có nguyện vọng về ở với con trưởng ở gần để tiện cho việc chăm sóc và việc bà không đồng ý điều kiện của bác trưởng (yêu cầu bà phải giao lại toàn bộ tài sản của ông bà cũng như sổ lương để bác quản lý và sử dụng) là phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, biên bản họp của gia đình bạn với các nội dung như ý chí của bà bạn đã đưa ra là không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Gia đình bạn có thể mời Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận về cuộc họp mặt này, nhằm làm cơ sở để mọi người tuân theo hoặc làm chứng cứ trong xét xử và các quan hệ pháp lý khác.
3. Việc bà bạn lập di chúc
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật (theo Điều 631 Bộ luật dân sự). Ðiều 647 Bộ luật dân sự quy định về người lập di chúc như sau:
- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Theo thông tin bạn cung cấp, bà bạn hiện vẫn minh mẫn, khỏe mạnh bình thường nên bà hoàn toàn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác. Tuy nhiên, trong di chúc, bà chỉ có quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của bà, định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của bà trong khối tài sản chung vợ chồng, chứ không có quyền định đoạt toàn bộ khối tài sản chung của ông và bạn. Khi lập di chúc, bà bạn có quyền:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
4. Đảm bảo quyền của bà bạn khi ông bạn mất
Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình quy định giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:
- Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản
- Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
- Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo quy định nêu trên, khi ông bạn chết, quyền của bà bạn đối với phần tài sản thuộc sở hữu/sử dụng của bà trong khối tài sản chung vợ chồng vẫn được pháp luật công nhận. Bà bạn có toàn quyền thực hiện quyền của chủ sở hữu/sử dụng đối với phần tài sản của mình.
Đối với phần tài sản của ông bạn sẽ được chia thừa kế theo di chúc (nếu ông để lại di chúc) hoặc theo pháp luật cho những người thừa kế.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691