Thực hiện nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng khi một người đã chết
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Mã số: DS427
Câu hỏi:
Ba và mẹ tôi vay nợ ngân hàng nhưng ba tôi đột ngột qua đời. Mẹ tôi không có khả năng trả nợ, tài sản đứng tên ba mẹ cũng bán nhưng chỉ trả được một phần nợ ngân hàng. Nay, bà nội có chia tài sản là quyền sử dụng đất của nội đứng tên cho các cháu nội. Tôi xin hỏi, tài sản chúng tôi được bà nội chia có bị ngân hàng tịch thu không? Xin cảm ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Khi vay nợ tại Ngân hàng, bố mẹ bạn có nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 474 Bộ luật Dân sự. Đây là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng do bố mẹ bạn cùng thỏa thuận xác lập, là một trong những nghĩa vụ chung về tài sản vợ chồng theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên. Theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, bố mẹ bạn chịu trách nhiệm liên đới đối với các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 298 Bộ luật Dân sự như sau:
- Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
- Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
- Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
- Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
Từ các quy định nêu trên sẽ có hai trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Sau khi bố bạn chết, Ngân hàng (bên có quyền) yêu cầu mẹ bạn phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bố mẹ bạn. Theo yêu cầu của Ngân hàng, mẹ bạn có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Khi đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ với Ngân hàng, mẹ bạn có quyền yêu cầu “người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình”. Tuy nhiên, vì bố bạn đã chết nên việc thực hiện phần nghĩa vụ tài sản của bố bạn được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 637 Bộ luật Dân sự về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Trường hợp thứ hai: Ngân hàng yêu cầu mẹ bạn thực hiện phần nghĩa vụ của mẹ; phần nghĩa vụ trả nợ của bố bạn được thực hiện theo quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tại Điều 637 Bộ luật Dân sự như nêu trên.
Về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại nêu tại hai trường hợp nêu trên, Điều 637 Bộ luật Dân sự quy định như sau:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế.
- Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Theo quy định nêu trên, bà nội và các anh chị em bạn (những người thừa kế theo pháp luật của bố bạn theo Điều 676 Bộ luật Dân sự) có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ do bố bạn để lại nhưng chỉ trong phạm vi di sản do bố bạn để lại. Theo đó, toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của bà nội, của anh chị em bạn (không phải do được thừa kế từ bố bạn) sẽ không bị kê biên để trả nợ cho Ngân hàng.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.
Gửi yêu cầu tư vấn
Hệ thống sẽ gửi thông báo qua email khi câu trả lời của bạn được luật sư giải đáp.
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691