Hệ thống pháp luật

Thừa kế trong đại dịch covid 19 nhìn từ góc độ pháp lý và thực tiễn

Ngày đăng: 23/08/2021 lúc 14:24:52

Vừa qua Ban biên tập Hệ thống pháp luật Việt Nam ( www.hethongphapluat.com)  đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Lê Huy Hải về vấn đề thừa kế trong đại dịch Covid 19 nhìn từ góc độ thực tiễn và pháp lý. Chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn này đến quý bạn đọc.

Thừa kế trong đại dịch covid 19 nhìn từ góc độ pháp lý và thực tiễn

Thạc sỹ, Luật sư Lê Huy Hải

BTV: Thưa thạc sỹ, luật sư Lê Huy Hải, với nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thừa kế, xin ông cho biết người chết trong đại dịch covid 19 thì vấn đề thừa kế của họ được pháp luật quy định như thế nào?

Trước hết tôi xin chia xẻ về sự mất mát to lớn của bà con chúng ta trong đại dịch covid 19 đang diễn ra nhiều nơi trên đất nước.

Chết là một việc đại sự, do vậy mỗi cá nhân thường chuẩn bị cho mình những công việc cần thiết trước khi chết trong đó có việc lập di chúc, tuy nhiên đại dịch sảy ra nhanh và bất ngờ, người mắc Covid 19 phải cách ly do đó không cho chúng ta cơ hội để có thể viết di chúc, tuy nhiên luật pháp đã dự liệu những tình huống này và quy định nếu người để lại di sản không có di chúc thì  thừa kế được chia theo quy định của pháp luật từ Điều 649 đến Điều 655 Bộ luật dân sự 2015.

Nói cách khác, nếu người chết không để lại di chúc thì di sản của người chết sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Thừa kế trong đại dịch covid 19 nhìn từ góc độ pháp lý và thực tiễn

BTV: Thưa ông, sự khác nhau giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật là gì?

Tôi xin trao đổi để mọi người dễ hiểu, thừa kế theo di chúc thì ý chí của người để lại di chúc được pháp luật bảo vệ và thực hiện trên thực tiễn, trừ một số trường hợp đặc biệt quy định tại Đều 644 Bộ luật dân sự 2015. Nhưng thừa kế theo pháp luật thì lúc đó ý chí của người để lại di sản không được xem xét mà chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật.

Tóm lại, nếu để lại di chúc thì người để lại di sản có quyền định đoạt di sản cho bất kỳ ai với giá trị và số lượng theo ý muốn chủ quan của người để lại di sản.  Ví dụ người chết có di chúc để lại cho người không có quan hệ huyết thống một phần hai (1/2) di sản thừa kế thì luật pháp cũng tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên nếu người để lại di sản không để lại di chúc thì tài sản đó trước hết sẽ chia đều cho các thành viên thuộc hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết).

Nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì chia đều cho các thành viên thuộc hàng thừa kế thứ hai (ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại).

Nếu hàng thừa kế thứ hai không còn ai thì chia đều cho các thành viên thuộc hàng thừa kế thứ ba (cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại).

BTV: Nếu trước khi chết, người để lại tài sản di chúc miệng cho bác sỹ người đã từng cứu chữa mình thì di chúc miệng có được pháp luật công nhận hay không?

Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 xác định di chúc miệng cũng là một loại di chúc và được pháp luật bảo vệ, trường hợp bạn hỏi luật pháp cũng đã lường trước và quy định chặt chẽ tại Điều 629 và 630 Bộ luật dân sự 2015, theo đó trước khi chết người để lại di sản có thể di chúc miệng tuy nhiên di chúc này phải có ít nhất 02 người làm chứng sau đó phải được lập thành văn bản và tuân theo trình tự quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.

Thực tiễn trong đại dịch Covid 19 thì việc này là rất khó vì như chúng ta đã biêt đại dịch đến nhanh, bất ngờ với bất kỳ ai, lực lượng y bác sỹ thì căng mình làm chuyên môn cứu chữa bệnh nhân, mặt khác các bác sỹ thì không được tập huấn về kỹ năng lập di chúc cho bệnh nhân cận kề cái chết, người có kỹ năng chuyên môn thì không thể vào để làm chứng được vì khu vực của bệnh nhân Covid 19 là khu vực cách ly, vì vậy việc lập di chúc miệng trong trường hợp bệnh nhân Covid 19 là rất khó.

BTV:  Làm thế nào để người để lại di sản có thể để lại cho người thừa kế di sản và hạn chế tranh chấp có thể sảy ra?

Luật pháp quy định vấn đề di sản thừa kế khá chặt chẽ, tuy nhiên dưới góc độ thực tiễn tôi muốn trao đổi thêm mấy ý để hạn chế tối đa các tranh chấp có thể sảy ra như sau:

Trước hết phải xác định được di sản thừa kế, phải xác định được người chết để lại những di sản nào, bên cạnh những tài sản có thể dễ thấy như tài sản chung của vợ chồng còn những tài sản khác không dễ thấy như sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, có nhiều trường hợp chồng có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng vợ không biết hoặc ngược lại hoặc tiền góp vốn làm ăn chung với các tổ chức cá nhân khác vợ góp vốn làm ăn với tổ chức cá nhân khác nhưng người chồng không biết vv.

Bên cạnh đó phải xác định được nghĩa vụ trả nợ của người chết cũng như các nghĩa vụ về thuế, các chi phí phải thanh toán trước khi chia di sản được quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự 2015. Nếu không xác định được nghĩa vụ này thì người thừa kế phải chịu trách nhiệm trả nợ tương ứng với phần di sản thừa kế.

Tiếp theo cần xác định rõ các thành viên thuộc hàng thừa kế, tránh trường hợp bỏ sót thành viên thuộc hàng thừa kế, có nhiều trường hợp khi người để lại di sản chết thì mới xuất hiện thêm những người con của người vợ khác chẳng hạn, trong trường hợp này cần lưu ý phải xét nghiệm AND để xác định huyết thống, nếu người chết không có mẫu vật xét nghiệm AND ( tóc, móng tay..) thì lấy chính mẫu vật của con người đó làm mẫu xét nghiệm xác định huyết thống.

BTV: Thưa luật sư, vậy có trường hợp nào trong một vụ án mà áp dụng cả thừa kế theo di chúc và áp dụng cả thừa kế theo pháp luật?

Có, đó là trường hợp người để lại di sản chỉ lập di chúc cho một hoặc một vài tài sản, các tài sản khác thì không lập. Như vậy đối với tài sản đã nêu trong di chúc thì áp dụng di chúc, các tài sản khác thì áp dụng chia theo pháp luật. Hoặc trường hợp khác, có di chúc nhưng di chúc không rõ ràng thì áp dụng cả di chúc và cả quy định của pháp luật

Ví dụ ông A di chúc cho 3 người con một mảnh đất, không nêu rõ ai được bao nhiêu trong mảnh đất đó, trường hợp này trước hết luật tôn trọng di chúc là chỉ chia cho 3 người con nhưng sẽ áp dụng quy định của pháp luật là chia bằng nhau cho 3 người con vì di chúc không quy định cụ thể.

Xin chân thành cảm ơn buổi trao đổi hữu ích của luật sư.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam