Hệ thống pháp luật

Thủ tục thành lập quỹ từ thiện. Thành lập quỹ từ thiện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP.

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN76

Câu hỏi:

Chúng tôi, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu TNP, có dự định thành lập Quỹ từ thiện hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi cần công ty tư vấn thành lập Quỹ theo đúng quy định hiện hành.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Cơ sở pháp lý thực hiện việc thành lập quỹ từ thiện quy định tại:

- Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

- Thông tư số 02/2013/TT-BNVquy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 30/2012/NĐ-CP;

Để thành lập quỹ bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, Mục đích hoạt động của quỹ: Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.

Thứ hai, có ít nhất 3 sáng lập viên là công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập ban sáng lập quỹ và có tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định pháp luật, đồng thời:

Đối với công dân Việt Nam: Có đủ năng lực hành vi dân sự không có án tích;

Đối với tổ chức của Việt Nam: Có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; nghị quyết của Ban lãnh đạo tổ chức về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ

Thứ ba, ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định sau:

- Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập, Ban sáng lập quỹ phải đảm bảo số tài sản đóng góp thành lập quỹ quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (trong đó số tiền dự kiến chuyển vào tài khoản của quỹ tối thiểu bằng 50% tổng giá trị tài sản quy đổi) như sau:

Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 5.000.000.000 (năm tỷ);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.000.000.000 (một tỷ);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 100.000.000 (một trăm triệu);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 20.000.000 (hai mươi triệu).

- Đối với quỹ có tài sản của công dân, tổ chức nước ngoài góp với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập; Ban sáng lập quỹ phải đảm bảo số tài sản đóng góp thành lập quỹ quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (trong đó số tiền dự kiến chuyển vào tài sản của quỹ tối thiểu bằng 50% tổng giá trị tài sản quy đổi) như sau:

Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 7.000.000.000 (bảy tỷ);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.000.000.000 (ba tỷ);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.000.000.000 (một tỷ);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 500.000.000 (năm trăm triệu).

Thứ tư, có hồ sơ thành lập gồm những tài liệu sau:

- Đơn đề nghị thành lập quỹ;

- Dự thảo điều lệ quỹ;

- Tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ đảm bảo được như trên;

- Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên ban sáng lập quỹ và các tài liệu theo quy định tại Điều 9, Điều 10 hoặc Điều 11 Nghị định 30/2012/NĐ-CP.

hẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ:

Nếu quỹ của công ty có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh hoặc quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh, thì hồ sơ gửi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ để được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

Nếu quỹ của công ty có phạm vi hoạt động phạm vi hoạt động trong tỉnh hoặc quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã thì hồ sơ gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

Nếu quỹ của công ty có phạm vi hoạt động trong huyện, xã và chỉ do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu tại địa phương đó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công này) để được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM