Hệ thống pháp luật

Thủ tục thành lập công ty kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN378

Câu hỏi:

Kính gửi luật sư, hiện nay tôi đang tìm hiểu các bước và các quy định của pháp luật một số vấn đề sau. Kính mong luật sư giúp tôi trở lời thắc mắc:

1. Các văn bản quy định của pháp luật về thành lập công ty kinh doanh dịch vụ hành khách (xe chở khách theo tuyến).

2. Điều kiện để kinh doanh, các bước quy trình thủ tục làm việc với các cơ quan nào?

3. Làm sao để xin 01 tuyến cố định để chạy xe? Xin chỗ đỗ trong bến xe.

4. Các hỗ trợ và cơ quan quản lý là những ai ở địa phương và thành phố.

Xin cảm ơn Luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Các văn bản pháp luật quy định về việc thành lập công ty kinh doanh dịch vụ hành khách bao gồm:

- Luật doanh nghiệp 2014.

- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

- Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

- Ngoài ra để xác định mã ngành vận tải cụ thể trong trường hợp của bạn cần tham khảo quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg.

2. Điều kiện chung để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Điều 13 Nghị định 86/2014/NĐ-CP:

- Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.

- Phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

- Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh, cụ thể:

Khi hoạt động kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt; phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật.

Xe ô tô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

- Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên.

- Nơi đỗ xe: Đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

- Về tổ chức, quản lý:

Đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

Đơn vị kinh doanh vận tải bố trí đủ số lượng lái xe theo phương án kinh doanh, chịu trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định; đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ ngồi trở lên (bao gồm cả chỗ ngồi, chỗ đứng và giường nằm) phải có nhân viên phục vụ trên xe (trừ xe hợp đồng đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đi làm, đi học và xe buýt có thiết bị thay thế nhân viên phục vụ).

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách.

Ngoài ra, đối với các xe kinh doanh vận tải hành khách phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP: "1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình; thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông."

Do đó, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bạn phải tiến hành lắp các thiết bị giám sát hành trình cho xe. Có thể lắp ở ngoài hoặc đến trực tiếp Sở giao thông vận tải cấp tỉnh để lắp.

3. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định quy định tại Điều 15 Nghị định 86/2014/NĐ-CP:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải có chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai theo lộ trình như sau:

Xe ô tô đăng ký khai thác kinh doanh vận tải lần đầu: Thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016;

Xe ô tô đang khai thác: Thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

- Xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên phải có niên hạn sử dụng như sau:

Cự ly trên 300 ki lô mét: Không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở người; từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng;

Cự ly từ 300 ki lô mét trở xuống: Không quá 20 năm đối với xe ô tô sản xuất để chở người; không quá 17 năm đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành xe ô tô chở khách.

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau:

Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 20 xe trở lên;

Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 10 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 05 xe trở lên.

Như vậy, nếu bạn muốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ hành khách thì bạn thực hiện theo trình tự sau đây:

* Thứ nhất, thủ tục đăng ký kinh doanh, căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2014Nghị định 78/2015/NĐ-CP, xác định có các bước sau:

Đầu tiên, bạn xem xét bạn sẽ thành lập loại hình doanh nghiệp nào? Hộ kinh doanh cá thể, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần.

Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, đầu hồ sơ thành lập là khác nhau. Bạn tham khảo thêm quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Luật doanh nghiệp 2014 để biết thêm về thành phần hồ sơ khi thành lập doanh nghiệp.

Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc Phòng tài chính kế hoạch sẽ xem xét hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục sau:

- Khắc dấu: doanh nghiệp phải khắc dấu, sau đó đăng ký mẫu dấu tại cơ quan Công an, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Các thủ tục liên quan đến đăng ký thuế: Sau khi có mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại cơ quan thuế, như thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…

- Đăng bố cáo: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện đăng bố cáo doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

* Thứ hai, sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh bạn thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 86/2014/NĐ-CP, hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải quy định;

- Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải;

- Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

- Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ);

- Bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi).

Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Sở giao thông vận tải cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bạn có trụ sở.

* Thứ ba, thủ tục đăng ký xe vận tải hành khách chạy tuyến cố định quy định tại Điều 4 Nghị định 86/2014/NĐ-CP:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được đăng ký khai thác trên tuyến trong quy hoạch và được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận.

- Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 hoặc bến xe loại 5 thuộc địa bàn huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã phải ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh bến xe khách và tổ chức vận tải theo đúng phương án khai thác tuyến đã được duyệt; được đề nghị tăng, giảm tần suất, ngừng khai thác trên tuyến theo quy định.

Bạn phải đăng ký trực tiếp tại Sở giao thông vận tải cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bạn có trụ sở để đăng ký xe chạy tuyến cố định.

* Thứ tư, đối với xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải xin cấp phù hiệu xe theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 86/2014/NĐ-CP: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khác theo tuyến cô định, xe taxi, xe buýt, xe vận chuyện hành khách theo hợp đồng, xe chở công - ten - nơ, xe đầu kéo rơ mooc, sơ mi rơ mooc, xe ô tô vận tải hàng hóa phải được gắn phù hiệu; xe ô tố kinh doanh vận tải khách du lịch phải được gắn biển hiệu theo quy định của Bộ giao thông vận tải. Nếu bạn chạy xe theo tuyến cố định, bạn xin phù hiệu "Xe chạy tuyến cố định".

Hồ sơ cấp phù hiệu xe gồm:

- Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 của Thông tư này;

- Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản, hợp đồng thuê phương tiện giữa thành viên và hợp tác xã nếu xe không thuộc sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải. Đối với những phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính thì Sở Giao thông vận tải nơi nhận hồ sơ phải lấy ý kiến xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải của Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký theo quy định tại khoản 12 Điều này.

- Cung cấp tên Trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu.

Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Sở giao thông vận tải cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bạn có trụ sở kinh doanh

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM