Hệ thống pháp luật

Thủ tục tách khẩu, nhập khẩu và đăng ký lại khai sinh

Ngày gửi: 07/12/2020 lúc 21:39:56

Tên đầy đủ: Lê Lê Lâm
Số điện thoại: 0356191xxx
Email: lethilam19912xxx@gmail.com

Mã số: HTPL42598

Câu hỏi:

Xin chào Hệ thống pháp luật! Tôi muốn hỏi, cháu tôi trước đây nhập hộ khẩu vào nhà ngoại và khai sinh tại Nhà Bè. Bây giờ gia đình muốn tách khẩu cho cháu để nhập vào hộ khẩu nhà nội và làm lại giấy khai sinh cho cháu tại Thanh Hoá để tiện cho việc đi học sau này thì cần giấy tờ gì ạ? Cảm ơn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật cư trú 2006;

Luật hộ tịch 2014;

Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Chính phủ ban hành;

Thông tư số 35/2014/TT- BCA hướng dẫn Luật cư trú và Nghị định số 31/2014 / NĐ- CP do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 27 Luật cư trú 2006:

“Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.”

Như vậy, cháu của bạn không thuộc trường hợp được tách khẩu theo quy định của pháp luật.

Tuy  nhiên, theo quy định tại  Điều 13 Luật cư trú 2006, nơi cư trú của người chưa thành niên quy định như sau:

“Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.”

Và Điều 19 Luật cư trú 2006:

“Điều 19. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh

Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”

Về thủ tục đăng kí thường trú được quy định cụ thể tại Thông tư số 35/2014/TT- BCA hướng dẫn Luật cư trú và Nghị định số 31/2014 / NĐ- CP do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, theo quy đinh tại điểm b khoản 2 Điều 6 về hồ sơ đăng kí thường trú đối với trường hợp đặc biệt là:

“Điều 6. Hồ sơ đăng ký thường trú

2. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với một số trường hợp cụ thể

b) Người chưa thành niên nếu không đăng kí thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng kí thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiển đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Như vậy, áp dụng các điều luật nêu trên thì cháu bạn được đăng kí thường trú tại tỉnh nếu được sự đồng ý của cha mẹ bằng băn bản và được người cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Trong trường hợp này bố mẹ của cháu bạn phải có văn bản đồng ý về việc con không có nơi cư trú cùng với cha mẹ và đăng kí thường trú ở với ông bà nội, đồng thời người cho ở nhờ (tức là gia đình bên nội của cháu bạn) cũng phải có văn bản đồng ý về việc cho ở nhờ để được đăng kí thường trú tại tỉnh Thanh Hóa.

Về thủ tục tách khẩu bao gồm các tài liệu:

- Sổ hộ khẩu;

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02)

- Văn bản đồng ý về việc con không có nơi cư trú cùng với cha mẹ và đăng kí thường trú ở với ông bà nội.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Về thủ tục nhập khẩu bao gồm các tài liệu:

Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm những giấy tờ tại khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú 2006:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu;

- Văn bản đồng ý về việc cho ở nhờ để được đăng kí thường trú.

- Văn bản đồng ý về việc con không có nơi cư trú cùng với cha mẹ và đăng kí thường trú ở với ông bà nội.

- Sổ hộ khẩu gia đình ông bà nội.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ nêu trên, bạn vui lòng mang đến Công an xã/phường nơi ông bà nội của cháu bạn đăng ký thường trú để làm thủ tục nhập khẩu theo Điều 9 Thông tư 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú và Nghị định 31/2014/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

Về thủ tục khai sinh lại bao gồm các tài liệu:

Điều kiện đăng ký lại khai sinh quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch, như sau:

“Điều 24. Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử

1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

2. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.

3. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch và Điều 9 Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, hồ sơ đăng ký lại khai sinh bao gồm;

- Tờ khai theo mẫu quy định;

- Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;

- Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao được công chứng, chứng thực hợp lệ, bản sao được cấp từ Sổ đăng ký khai sinh);

Sau khi chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ nêu trên, bạn vui lòng mang đến UBND xã/phường nơi cháu bạn đã đăng ký thường trú để thuực hiện thủ tục.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM