Hệ thống pháp luật

Thủ tục mua bán hàng hóa quốc tế. Tiêu chí xác định một quan hệ mua bán hàng hóa là mua bán hàng hóa quốc tế hay không là gì?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN165

Câu hỏi:

Gửi Anh chị ! Anh chị tư vấn giúp em trường hợp bán hàng sau: Công ty em có ký hợp đồng bán hàng cho một công ty nước ngoài, trong hợp đồng nêu rõ là hàng hóa được giao tại nhà máy công ty em. Trường hợp trên có phải là xuất khẩu hay là bán hàng thông thường trong nước, bởi công ty nước ngoài không có văn phòng đại diện hay đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Nếu muốn phương thức trên là bán hàng trong nước thì phải có điều kiện gì?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trước tiên, ta phải xem xét quy định tại Luật thương mại năm 2005 liên quan đến vấn đề này. Theo đó, ta có định nghĩa về mua bán hàng hoá quốc tế tại Điều 27 của Luật Thương mại 2005 như sau:

“1. Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.

2. Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

Như vậy, khoản , Điều 27 của Luật thương mại 2005 đã nêu ra định nghĩa bằng cách liệt kê các hình thức cụ thể của việc mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm 5 hình thức:

- Xuất khẩu;

- Nhập khẩu;

- Tạm nhập, tái xuất;

- Tạm xuất, tái nhập;

- Chuyển khẩu.

Từ đó có thể suy luận rằng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam là văn bản thỏa thuận của các cá nhân, tổ chức trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Hai hay nhiều bên tham gia giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế - một loại giao dịch dân sự hoặc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - một loại hợp đồng dân sự theo pháp luật Việt Nam có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài; có nơi cư trú hoặc trụ sở ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Nghĩa là, theo quy định của Luật Thương mại 2005, hoạt động mua bán hàng hóa được coi là mua bán hàng hóa quốc tế không phụ thuộc vào nơi cư trú, trụ sở hay quốc tịch của các bên là Việt Nam hay nước ngoài. Luật Thương mại 2005 lấy tiêu chí vận chuyển hàng hóa qua biên giới để xác định một quan hệ mua bán hàng hóa là mua bán hàng hóa quốc tế.

Mặt khác, Điều 758, Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

Như vậy, khái niệm “mua bán hàng hóa quốc tế” với tư cách là hoạt động thương mại hoặc quan hệ thương mại theo khoản 1, Điều 27, Luật thương mại 2005 có phạm vi hẹp hơn so với “mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài” xuất phát từ khái niệm “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” theo Điều 758, Bộ luật Dân sự 2005. Căn cứ “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” tại Điều 758, Bộ luật dân sự 2005, chúng ta có thể xác định các dấu hiệu của một quan hệ mua bán hàng hóa là “có yếu tố nước ngoài” như sau:

- Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ mua bán hàng hóa theo pháp luật nước ngoài;

- Hàng hóa - đối tượng mua bán ở nước ngoài.

Trong khi đó, “mua bán hàng hóa quốc tế” theo Luật thương mại 2005 chỉ căn cứ vào tiêu chí duy nhất là hàng hóa được vận chuyển qua biên giới.

Như vậy, xem xét với trường hợp của bạn, bạn nói bên bạn và đối tác giao hàng ở trụ sở của công ty bạn. Bạn hoàn toàn có thể căn cứ vào quy định của Luật Thương mại 2005 để xác định là hàng hóa bên bạn hoàn toàn không hề có sự vận chuyển qua biên giới. Khi hàng hóa không qua biên giới thì bạn hoàn toàn có thể xác định đây là mua bán hàng hóa trong nước.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM