Hệ thống pháp luật

Thế chấp tài sản riêng của vợ chồng

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DS413

Câu hỏi:

Cơ quan tôi là bên nhận thế chấp tài sản để cho vay. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu được cấp cho cả vợ và chồng nhưng sau đó chồng tặng cho vợ (trong thời kỳ hôn nhân, vì chồng bị bệnh nặng không ký được). Trường hợp này, hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng chỉ một mình vợ ký hay cả hai vợ chồng phải ký. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Về hợp đồng thế chấp
Điều 43 Luật hôn nhân và gia định quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo thông tin bạn cung cấp, người chồng đã tặng cho quyền sử dụng đất cho vợ trong thời kỳ hôn nhân nên thửa đất trở thành tài sản riêng của người vợ. Việcchiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình:
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Theo quy định nêu trên thì người vợ có toàn quyền thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của người chồng. Do vậy, khi thế chấp tài sản là thửa đất thuộc quyền sử dụng riêng của người vợ, Ngân hàng chỉ ký với một mình người vợ với tư cách là bên thế chấp.
2. Về hợp đồng tín dụng
Ngân hàng có thể ký hợp đồng tín dụng với cả hai vợ chồng hoặc với người vợ hoặc với người chồng, tùy thuộc vào việc Ngân hàng cho chủ thể nào vay vốn. Việc cho cả hai vợ chồng hay chỉ cho một trong hai vợ chồng vay vốn không phụ thuộc vào tài sản thế chấp là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng. Nghĩa vụ riêng/chungvề tài sản của vợ, chồng được quy định như sau:
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng (Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình): Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
- Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình): Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM