Hệ thống pháp luật

Những quy định cơ bản về thuế giá trị gia tăng 2021

Ngày đăng: 11/05/2021 lúc 23:22:24

Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT) có tên Tiếng Anh là Value Added Tax (VAT) hay còn được biết đến là Goods and Services Tax. Thuế GTGT có nguồn gốc từ nước Pháp, đến nay đã được áp dụng rộng rãi tại khoảng 130 quốc gia trên thế giới. Đây là loại thuế gián thu được áp dụng trên hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ. Vậy pháp luật hiện hành đang quy định về loại thuế này như thế nào?

Những quy định cơ bản về thuế giá trị gia tăng 2021

(Những quy định về thuế giá trị gia tăng 2021)

1. Thuế giá trị gia tăng là gì?

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng 2008, thuế GTGT được hiểu là:

“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

Theo quy định trên, thuế GTGT là thuế chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.

2. Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng

Theo Điều 3 Thông tư 291/2013/TT-BTC, người nộp thuế GTGT bao gồm:

- Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;

- Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;

- Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;

- Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT;

- Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

3. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Căn cứ Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC (một số điểm được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC và Thông tư 193/2015/TT-BTC), các trường hợp không phải khai, nộp thuế GTGT gồm:

Trường hợp 1: Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ví dụ: Doanh nghiệp B nhận được khoản bồi thường thiệt hại do bị hủy hợp đồng từ doanh nghiệp A là 50 triệu đồng thì doanh nghiệp B lập chứng từ thu và không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền trên.

Trường hợp 2: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp:

- Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế);

- Quảng cáo, tiếp thị;

- Xúc tiến đầu tư và thương mại;

- Môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;

- Đào tạo;

- Chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 3: Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.

4. Thuế suất GTGT

Thuế suất thuế GTGT là mức thuế phải nộp trên một đơn vị hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Thuế suất thuế GTGT gồm 03 mức khác nhau: 0%, 5% và 10%.

5. Cách tính thuế giá trị gia tăng

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà thuế GTGT được tính theo phương pháp khấu trừ thuế hoặc theo phương pháp trực tiếp trên GTGT hoặc phương pháp tính trực tiếp trên doanh thu.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam