Nghĩa vụ của thương nhân dịch vụ logistics khi cầm giữ hàng hóa
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Công ty chúng tôi là công ty vận chuyển quốc tế . Theo yêu cầu của đại lý bên UK và liên lạc với người bán hàng để vận chuyển một container cho họ từ Việt Nam xuất qua UK theo điều kiện FOB VIETNAM ( Cước vận chuyển sẽ trả tại cảng đến ). Người bán hàng đã đồng ý và đã xuất container này sang UK. Và lấy vận đơn gốc / ORIGINAL H/BL. Nhưng sau khi hàng tới cảng UK, người nhận hàng không chịu nhận hàng với lý do hàng bị lỗi và cũng không thanh toán số tiền còn lại cho người bán hàng cũng như không chịu trả tiền cước vận chuyển cho đại lý bên UK. Đại lý chúng tôi có đề nghị người bán hàng nên lấy lô hàng này về Việt Nam. Nhưng người bán hàng không chịu trả chi phí cho đại lý tại UK để xuất container này về lại Việt Nam nếu họ muốn nhận hàng lại. Do vậy, đại lý chúng tôi tại UK không thu được tiền cước và container này đã lưu tại cảng trong thời gian dài, chi phí phát sinh cảng phí ngày càng cao. Trong trường hợp này, đại lý chúng tôi cũng đã thông báo nhiều lần về chi phí phát sinh cho người bán và người mua, nhưng cũng không thấy phản hồi và cũng thông báo lô hàng này sẽ tiến hành thanh lý để thu lại chi phí bù đắp trong tiền cước và lưu container tại cảng. Bây giờ người bán hàng đã kiện chúng tôi đã hợp tác với người mua và đại lý bên UK là giữ lô hàng của họ vì lý do vận đơn gốc họ vẫn còn giữ. Sự việc trên là vậy, mong Luật sư góp ý và cho chúng tôi biết cách xử lý trong trường hợp này nếu như ra tòa án.
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại năm 2005 thì:
“ Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói ao bì, ghi mã kí hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao…”
Điều 237 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
“ 1. Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa phát sinh trong các trường hợp sau đây:
Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền;
Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền;
Tổn thất là do khuyết tật của hàng hóa;
Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chin tháng, kể từ ngày giao hàng;
2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.”
Căn cứ vào điều luật trên thì trường hợp của công ty bạn sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Hàng bị lỗi do bên bán hàng hoặc hỏng trong quá trình vận chuyển
Theo điểm a) và c) khoản 1 Điều 237 Luật Thương mại năm 2005 thì trong trường hợp này công ty bạn sẽ không phải chịu tổn thất đối với lô hàng này.
Mặt khác, Điều 239 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định:
“1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền cầm giữu một số lượng hàng hóa nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hóa đó để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng.
2. Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hóa hoặc chứng từ liên quan đến hàng hóa, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa hoặc chứng từ đó theo quy định của pháp luật ; trong trường hợp hàng hóa có dấu hiệu bị hư hỏng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa ngay khi có bất kì khoản nợ đến hạn nào của khách hàng.
3. Trước khi định đoạt hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hóa đó.
4. Mọi chi phí cầm giữ, định đoạt hàng hóa do khách hàng chịu.
5. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được sử dụng số tiền thu được từ việc định đoạt hàng hóa để thanh toán các khoản mà khách hàng nợ mình và các chi phí có liên quan ; nếu số tiền thu được từ việc định đoạt vượt quá giá trị các khoản nợ thì số tiền vượt quá phải được trả lại cho khách hàng. Kể từ thời điểm đó, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa hoặc chứng từ được định đoạt.’’
Theo khoản 2 Điều 239 Luật Thương mại năm 2005 thì trong trường hợp này nếu công ty bạn đã thông báo cầm giữ lô hàng được hơn 45 ngày và có thông báo về việc thanh lý lô hàng trên cho cả bên bán và bên mua , thì công ty có quyền được định đoạt lô hàng này.
Do vậy, công ty bạn sẽ không phải chịu bất kì bồi thường nào khi ra Tòa và lý do người bán hàng vẫn giữu vận đơn gốc khi kiện công ty bạn ra Tòa là chưa thỏa đáng.
Trường hợp thứ 2 : Hàng khi vận chuyển bị lỗi do công ty vận chuyển
Trong trường hợp này thì công ty bạn sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ những tổn thất gây ra đối với lô hàng khi bị kiện ra Tòa theo quy định tại Điều 238 Luật Thương mại năm 2005. Cụ thể như sau :
‘‘ 1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, toàn bộ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất toàn bộ hàng hóa.
2. Chính phủ quy định chi tiết giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phù hợp với các quy định của pháp luật và tập quán quốc tế.
3. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không được hưởng quyền giới hanjtrachs nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu người có quyền và lợi ích liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cố ý hành động hoặc hành dodonhj để gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách mạo hiểm và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn xảy ra.’’
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691