Hệ thống pháp luật

Lừa đảo chiếm đoạt tải sản

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: HS66

Câu hỏi:

Bạn em làm kế toán tại Phòng khám đa khoa, đã tham gia làm giả chứng từ với số tiền là 600 triệu đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra kết luận bạn em phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 139 của Bộ luật hình sự. Nhưng trên thực tế, bạn em là người làm công ăn lương, không được ăn chia bất kỳ một khoản nào. Bố bạn ấy tham gia kháng chiến chống Pháp và bác ruột là liệt sỹ. Vậy cho em hỏi, khi xét xử bạn ấy sẽ chịu mức án như thế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trường hợp mà em nêu, bạn em được xác định là đồng phạm tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 139 của Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật hình sự thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Trong đó, người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; còn người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Về hình phạt dành cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4 Điều 139, Bộ luật hình sự quy định người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Việc quyết định hình phạt cụ thể đối với từng người đồng phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Bộ luật hình sự. Theo đó, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Trường hợp bạn của em có các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 của Bộ luật hình sự thì sẽ được Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự và điểm c mục 5 của Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 thì ngoài các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 46 thì có một số tình tiết khác cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ, trong đó có tình tiết vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, …; bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ. Như vậy, nếu bố của bạn em tham gia kháng chiến chống Pháp và có công với nước thì đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn tình tiết bác của bạn em là liệt sỹ sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vì theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP thì phải là người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột của bạn em.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM