Hệ thống pháp luật

Khi nào dùng dấu treo, dấu giáp lai?

Ngày đăng: 07/09/2021 lúc 09:38:56

Thông thường chúng ta có rất nhiều văn bản cần sử dụng đến con dấu. Tuy nhiên có nhiều người chưa phân biệt được trường hợp nào thì dùng dấu treo, trường hợp nào lại sử dụng dấu giáp lai. Dưới đây, Hệ thống pháp luật Việt Nam xin gửi tới bạn đọc bài viết mang tính tham khảo về các trường hợp sử dụng dấu treo và dấu giáp lai, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho Quý bạn đọc.

Trước hết cần hiểu cách thức đóng 02 loại dấu này như thế nào?

Căn cứ Khoản 1, Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về việc sử dụng con dấu như sau:

1. Sử dụng con dấu

a) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.

b) Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.

c) Các văn bản ban hành kèm theo văn bản chính hoặc phụ lục: Dấu được đóng lên trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục.

d) Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.

đ) Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.”

Như vậy, đóng dấu giáp lai là việc đóng dấu lên các mép phải của văn bản trùm lên một phần các tờ giấy, mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.Mục đích của dấu giáp lai nhằm đảm bảo tính chân thực của từng tờ trong văn bản và ngăn ngừa việc thay đổi nội dung hoặc giả mạo văn bản.

Đóng dấu treo là dùng con dấu cơ quan, tổ chức đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục kèm theo văn bản chính. Thông thường, tên cơ quan tổ chức thường được viết bên phía trái, trên đầu của văn bản, phụ lục nên khi đóng dấu treo, người có thẩm quyền sẽ đóng dấu lên phía trái, dấu sẽ được đóng trùm lên tên cơ quan, tổ chức, tên phụ lục đó. Mục đích của dấu treo nhằm thừa nhận văn bản này do doanh nghiệp ban hành và thông báo tới toàn thể mọi người có liên quan trong công ty, doanh nghiệp.

Khi nào dùng dấu treo, dấu giáp lai?

Dựa vào mục đích, cách dùng của 02 loại dấu này, các trường hợp sử dụng dấu treo, dấu giáp lai gồm:

  • Dấu giáp lai thường được sử dụng tại các văn bản, hợp đồng, các loại giấy tờ,... có từ hai trang trở lên đối với văn bản in một mặt và từ ba trang trở lên đối với văn bản in hai mặt.
  • Dấu treo được sử dụng trong các trường hợp sau :
  • Trường hợp không có sự ủy quyền: người chịu trách nhiệm được ký phía dưới không có thẩm quyền để được đóng dấu lên chữ ký của mình trên văn bản đó.
  • Trường hợp ban hành các văn bản: được dùng trong những trường hợp đóng dấu lên các văn bản pháp luật, được đóng lên các phụ lục theo như quy định của pháp luật.

Cần lưu ý, dấu treo hoàn toàn không được nhà nước và pháp luật công nhận có tính pháp lý của tài liệu mà chỉ xác nhận với mọi người tính chất của văn bản, biên bản. Trường hợp nếu cơ quan tổ chức xác minh hay sửa đổi những điều mới trong nội quy hay trong những trường hợp để đóng dấu thì có thể dùng dấy treo để xác nhận lại những thay đổi.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam