Hệ thống pháp luật

Khả năng thực hiện gói thầu mua sắm hàng hóa là gì? Tiêu chuẩn của nhà thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN62

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư! Bên em làm thủ tục mua sắm hàng hóa rất nhiều bằng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn. Có vướng mắc nhờ Luật Sư giải đáp giúp: Yêu cầu báo giá sau khi được duyệt có thể gửi cho ba nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu. Vậy nhà thầu có khả năng thực hiện được hiểu thế nào ạ? Thứ nhất là có báo giá đáp ứng được về hợp lệ, kỹ thuật chỉ còn bước so sánh giá hoặc nhà thầu đã từng có hợp đồng với chủ đầu tư về giá trị tương đương, sản phẩm tương đương hay nhà thầu có các hợp đồng tương đương về giá trị, sản phẩm với đối tác khác. Kính mong luật sư hỗ trợ.Trân trọng cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu ghi nhận các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và tiêu chuẩn xác định giá đánh giá.

Thứ nhất là tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, bao gồm:

- Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;

- Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;

- Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.

Thứ hai là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các tiêu chí:

- Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ;

- Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa;

- Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;

- Khả năng thích ứng về mặt địa lý, môi trường;

- Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;

- Khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu);

- Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ;

- Tiến độ cung cấp hàng hóa;

- Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;

- Các yếu tố cần thiết khác.

Thứ ba là tiêu chuẩn xác định giá đánh giá được dựa vào công thức:

GĐG = G ± ∆GƯĐ

Trong đó:

- G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) - giá trị giảm giá (nếu có);

- ∆G là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa bao gồm:

Chi phí vận hành, bảo dưỡng;

Chi phí lãi vay (nếu có);

Tiến độ;

Chất lượng (hiệu suất, công suất);

Xuất xứ;

Các yếu tố khác (nếu có).

ƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM