Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
TIỂU BAN TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-TBTT

Hà Nội, ngày 02 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VỚI THÔNG ĐIỆP “BÌNH TĨNH SỐNG ĐỂ CHỐNG DỊCH LÂU DÀI” (TUẦN 36 TỪ 30/8 ĐẾN 06/9/2021)

Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập theo Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có nhiệm vụ: “Chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; phát huy hiệu quả các công cụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Căn cứ các ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành Kế hoạch truyền thông theo từng tuần, phù hợp với kịch bản, kế hoạch chống dịch của các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Kế hoạch này có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình, phù hợp với các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình, diễn biến chống dịch cụ thể của các địa phương. Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan báo chí là thành viên Tiểu ban Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, nhà mạng viễn thông chủ động thực hiện, báo cáo kế hoạch và tiến độ thực hiện các công việc liên quan. Các Sở Thông tin và Truyền thông thuộc các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội căn cứ kế hoạch này tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương có kịch bản, kế hoạch truyền thông phù hợp của riêng địa phương mình, cùng thực hiện các giải pháp đồng bộ về phòng chống dịch, an sinh xã hội và các phương án đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhằm đảm bảo công tác truyền thông phản ánh đúng thực tiễn và kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch một khi đã đi đúng hướng.

I. Kế hoạch truyền thông cho các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch:

1. Truyền đi thông điệp về công tác phòng, chống dịch đã đi đúng hướng, với những kết quả khả quan về việc phân tầng điều trị, đặc biệt là hiệu quả điều trị F0 ngay tại cộng đồng, ngay tại nhà, với việc xét nghiệm kịp thời để khoanh vùng, cách ly, với phác đồ điều trị đúng, kịp thời và với các túi thuốc an sinh được cấp đầy đủ đến người nhiễm virus, thông qua các tổ COVID-19 cộng đồng và mạng lưới y tế cơ sở.

2. Truyền đi nhận thức thống nhất về việc cần có kế hoạch sống, lao động sản xuất, kinh doanh song song với kế hoạch chống dịch lâu dài, trong đó tập trung làm rõ các thông điệp, quan điểm sau: Không thể trông chờ một kết quả là loại bỏ hoàn toàn được virus ra khỏi cộng đồng rồi mới cho cuộc sống trở lại bình thường; Chống dịch thành công là bảo vệ được mạng sống của nhân dân và bảo vệ được hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, đi lại, bảo vệ nền kinh tế; Cuộc chiến chống dịch còn lâu dài, nhưng cần có giải pháp, tiêu chí và những ưu tiên mới để nhân dân cả nước có thể bình tĩnh sống và cùng chống dịch, không cầu toàn, không nóng vội.

3. Truyền đi thông điệp và phản ánh thực tế về sự lạc quan và niềm hy vọng có thể bình tĩnh sống và đối phó lâu dài với dịch bệnh, cụ thể: Hy vọng và thực tiễn chữa khỏi bệnh khi F0 được chăm sóc đúng cách và sớm ngay tại cộng đồng, gia đình (nhờ mô hình “túi thuốc an sinh”); Hy vọng và thực tiễn về giải pháp kiểm soát đi lại bằng công nghệ + xét nghiệm + tiêm chủng cho các lực lượng đảm bảo các dịch vụ thiết yếu (các hoạt động chăm sóc y tế, thiện nguyện, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, thuốc men, trang thiết bị y tế, oxy, các dịch vụ thiết yếu khác như điện, nước....); Hy vọng về cuộc sống sắp trở lại trạng thái “bình thường mới” với những giải pháp phòng, chống dịch vừa nghiêm ngặt, vừa linh hoạt, đảm bảo không “đứt gãy”, không giãn cách, phong toả mãi trên diện rộng, không thụ động chờ đợi, ỷ lại Nhà nước.

4. Truyền đi thông điệp và phản ánh thực tế về khả năng tự lực, tự cường, tự giải quyết các vấn đề của cuộc sống trong bối cảnh đại dịch, cụ thể: Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi khu phố, thôn, ấp.... giúp đỡ ngay chính mình, người thân trong gia đình, người lao động trong doanh nghiệp các nhu cầu thiết yếu, tạo thành nhiều “vòng tròn nhỏ” để bảo vệ nhau trong đại dịch.

5. Động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin, giải quyết các vấn đề tâm lý của người dân, của đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu, với mục tiêu ổn định “an sinh tinh thần” trong và sau đại dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các “tổn thương tinh thần” do ảnh hưởng, di chứng của dịch bệnh và do giãn cách kéo dài.

II. Những việc cần triển khai ngay tuần 36 từ ngày 30/8/2021 đến 06/9/2021

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chỉ đạo, định hướng đã ban hành trong Kế hoạch số 3235/KH-BTTTT ngày 23/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Các cơ quan báo chí, truyền thông

- Thông tin kịp thời, có phân tích, lý giải kỹ về các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và kế hoạch đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

- Thông tin về hiệu quả xét nghiệm, phân loại, cách ly, điều trị F0 ngay tại cộng đồng, tại gia đình, tại cơ sở y tế.

- Thông tin về tình hình, tiến độ giải quyết các nhu cầu về an sinh xã hội, cũng như công tác chuẩn bị các gói hỗ trợ, gói thực phẩm an sinh, gói thuốc an sinh tại TPHCM cũng như các tỉnh, thành phố khác.

- Thông tin về các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp ở các địa phương, cụ thể: Chủ trương và kế hoạch miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 của một số địa phương; kế hoạch đảm bảo sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người lao động....

2. Thông tin cơ sở

- Tập trung sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động... để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân (như: lịch chuyển, cách chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc đến người dân, các biện pháp chăm sóc F0 ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng xã, phường...), nhất là đến dân nghèo, người nhập cư khu ven đô (không tivi, không điện thoại thông minh, chính quyền khó quản lý...

- Tăng tần suất, trung bình ngày 3-4 lần/ngày, tăng thời lượng, trung bình từ 15 - 20 phút/lần tuyên truyền phòng chống dịch trên hệ thống truyền thanh xã, phường.

3. Thông tin đối ngoại

- Phản ánh các động thái, chính sách, thông điệp của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo cho sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại. Phát đi thông điệp làm an lòng các nhà đầu tư, các bạn hàng lớn trên thế giới, rằng Việt Nam ý thức được vị trí, tầm quan trọng và vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang nỗ lực hết sức mình để đảm bảo sản xuất, lưu thông, xuất khẩu hàng hóa.

- Phản ánh nỗ lực và kết quả giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19, sớm đưa tỷ lệ này trở về bằng hoặc thấp hơn mức trung bình của thế giới.

4. Viễn thông

Tiếp tục thực hiện việc nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua nhạc chờ và qua các hình thức khác đối với người dân khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng cần người dân biết và tuân thủ thực hiện.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin - An toàn thông tin

- Rà quét, phân tích và theo dõi xu hướng thông tin xấu độc, gây hoang mang về COVID-19 và việc lợi dụng dịch bệnh để thông tin lừa đảo trên không gian mạng.

- Báo cáo các điểm tin nóng về COVID-19 trên mạng xã hội vào 7h và 19h hàng ngày; Báo cáo các tỷ lệ thông tin liên quan về COVID-19 trên báo điện tử, tạp chí điện tử và trang tin điện tử tổng hợp trước 8h hàng ngày.

- Thiết lập kênh chia sẻ thông tin, các báo cáo chuyên đề và ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, gây hoang mang về COVID-19 theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.

- Chỉ đạo các ISP sẵn sàng các phương án kỹ thuật để ngăn chặn, xử lý thông tin theo khu vực địa lý (quận/huyện, tỉnh/thành hoặc địa điểm cụ thể) trong các tình huống cần thiết.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng hỗ trợ bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các báo điện tử, tạp chí điện tử; sẵn sàng 24/7 ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố.

6. Các Sở Thông tin và Truyền thông

- Tham mưu cho các cấp lãnh đạo tại địa phương về các kịch bản truyền thông đồng hành với công tác chống dịch tại địa phương mình. Tham mưu, định hướng công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các lực lượng phòng chống dịch sao cho xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin gốc, tránh “tai nạn phát ngôn” dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

- Tham mưu các giải pháp/kế hoạch phòng, chống dịch và các kế hoạch đảm bảo cho cuộc sống chuyển dần về trạng thái “bình thường mới” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, trên cơ sở đúc kết bài học kinh nghiệm, cách làm hay từ các địa phương để áp dụng phù hợp cho địa phương mình.

- Triển khai các giải pháp truyền thông tại địa bàn phù hợp với kịch bản, kế hoạch, kết quả phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sản xuất, kinh doanh

- Tham mưu cho các cấp lãnh đạo tăng cường đối thoại trực tiếp với dân qua các phương tiện, hạ tầng truyền thông tương tác (phát thanh, truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội) để lắng nghe ý kiến nhân dân, giải quyết các nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, về điều tri bệnh, và tham khảo ý kiến nhân dân trước các quyết định có ảnh hưởng đến sức khoẻ và an sinh của nhân dân.

7. Những việc cần tránh, cần lưu ý trong công tác truyền thông:

- Không đưa tin về số lượng các lô vắc-xin, thuốc men, trang thiết bị phòng chống dịch còn đang trong quá trình đàm phán hoặc chưa về tới Việt Nam; Không đưa tin về những giao dịch chưa kiểm chứng liên quan đến vắc-xin, thuốc men phòng chống dịch, tạo tâm lý kỳ vọng thái quá hoặc chờ đợi, ỷ lại trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng, điều trị và các giải pháp phòng chống dịch khác.

- Không quá nghiêng về truyền thông các vấn đề an sinh mà quên mất mặt trận điều trị, giành giật mạng sống cho các bệnh nhân COVID-19.

- Không đưa tin gây tâm lý hoang mang, lo sợ, hoài nghi về kết quả của công tác phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, an sinh tinh thần, đảm bảo sản xuất, kinh doanh...

Yêu cầu các Thành viên Tiểu ban, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong thời gian thực hiện, cần chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chủ động báo cáo Trưởng Tiểu ban xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19;
- Các Tiểu ban thuộc BCĐ Quốc gia;
- Các thành viên Tiểu ban Truyền thông;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Các Thứ trưởng Bộ TTTT;
- Bộ TTTT: Văn phòng, Vụ Pháp chế, các Cục: BC, PTTH&TTĐT, THH, TTĐN, VT, TTCS, ATTT;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố;
- Các cơ quan báo chí;
- Lưu: VT, VP, TBTT, CBC (120).

TRƯỞNG TIỂU BAN




BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN
VÀ TRUYỀN THÔNG
Nguyễn Mạnh Hùng