Hệ thống pháp luật

Hợp đồng mua bán hàng hóa thương mại. Bên mua không mua hàng nữa có phải bồi thường khi vi phạm hợp đồng không?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN81

Câu hỏi:

Luật sư cho tôi hỏi. Công ty tôi có ký hợp đồng mua bán với bên A. Bên tôi đã bắt đầu mua nguyên liệu sản xuất nhưng bên A lại gọi điện bảo không mua nữa. Như vậy, bên mua có phạm luật không? Và tôi nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp này?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 388 Bộ luật Dân sự 2005 thì hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi tham gia kí kết hợp đồng dân sự tức là các bên đã thể hiện sự tự nguyện trong ý chí của mình. Trong trường hợp này, hai bên đã kí hợp đồng mua bán thương mại. Vì hợp đồng này đã đáp ứng đủ yêu cầu đó là một trong hai bên chủ thể là thương nhân và các bên thực hiện hành vi thương mại. Luật Thương mại 2005 đưa ra khái niệm: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Hoạt động thương mại cũng được định nghĩa là “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Tức là mục đích của việc hoạt động thương mại là phải phát sinh lợi nhuận. Bên bạn là công ty có tư cách pháp nhân, thực hiện hành vi thương mại là mua bán hàng hóa, như vậy hợp đồng hai bên đã kí là hợp đồng thương mại.

Nếu hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên A không thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 294 quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

“a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.” thì bên bạn sẽ được áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ quyền và lợi ích của mình như sau:

-Thứ nhất, buộc thực hiện hợp đồng. Theo quy định tại Điều 297 Luật Thương mại 2005 thì bên bạn sẽ có quyền bên A phải buộc thực hiện hợp đồng đã kí kết, tức bên A vẫn phải mua hàng cho bên bạn. Điều 297 Luật Thương mại 2005 quy định:

“1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

2. Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.

3. Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.

4. Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.”

-Thứ hai, phạt vi phạm hợp đồng. Nếu bên mua không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thì bên bạn có quyền yêu cầu bên A trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận. Nếu hợp đồng không có thỏa thuận về mức phạt vi phạm thì mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng mua bán giữa hai bên (Điều 301 Luật Thương mại 2005).

-Thứ ba, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Bên bạn có quyền yêu cầu bên A bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của A gây ra cho bên bạn theo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại 2005 nếu hành vi vi phạm của bên A đáp ứng đủ các điều kiện về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy địh tại Điều 303 Luật Thương mại 2005. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Các điều kiện đó là:

- Có hành vi vi phạm hợp đồng;

-Có thiệt hại thực tế

-Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM