Hệ thống pháp luật

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực công chứng, chứng thực

Ngày đăng: 22/05/2022 lúc 16:01:10

Công chứng, chứng thực bản chất là một hoạt động được nhà nước ủy quyền. Hoạt động này được quản lý bởi các chế định của nhà nước trong đó có các chế định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);

đ) Trục xuất.

2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.

Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.

Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, các biện pháp khắc phục hậu quả liên quan lĩnh vực công chứng, chứng thực bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

…………………………

e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

…………………………..

i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

Trong lĩnh vực công chứng, chứng thực căn cứ vào quy định chung của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thay thế Nghị định 110/2013/NĐ-CPNghị định 67/2015/NĐ-CP.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 82/2020/NĐ-CP hình thức xử phạt chính trong Hoạt động công chứng, chứng thực bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP các hình thức xử phạt bổ sung trong hoạt động công chứng, chứng thực bao gồm:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 82/2020/NĐ-CP, quy định các biện pháp khắc phục hậu quả khác bao gồm:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

b) Buộc tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, chứng thực;

c) Buộc thu hồi và huỷ bỏ giấy tờ, văn bản, tài liệu, chứng cứ giả;

d) Buộc tổ chức hành nghề công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng, văn bản đã được chứng thực;

đ) Buộc cơ quan thực hiện chứng thực đang lưu trữ hồ sơ chứng thực thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bản dịch đã được chứng thực;

…………………………………….

l) Buộc chịu mọi chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu;

…………………………………….

n) Buộc nộp lại số tiền tạm ứng, kinh phí bồi thường;

o) Buộc thu hồi các khoản đã thanh toán hoặc bù trừ không đúng quy định của pháp luật;

p) Buộc huỷ bỏ tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Như vậy, hình thức xử phạt chính vi phạm hành chính trong Luật xử lý vi phạm hành chính (5 hình thức) rộng hơn hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng, chứng thực (3 hình thức).

Hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 82/2020 trong lĩnh vực công chứng, chứng thực là như nhau (3 hình thức).

Biện pháp khắc phục hậu quả trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 ( 03 hình thức) ít hơn biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực công chứng chứng thực quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP (12 hình thức).

BBT. Hệ thống pháp luật Việt Nam