Hệ thống pháp luật

Giải thể công ty khi công ty không có khả năng thanh toán nợ thuế. Tư vấn giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN83

Câu hỏi:

Chào Luật sư! Tôi có một vấn đề muốn nhờ Luật sư giải đáp giúp như sau:

Công ty tôi là công ty TNHH 2 thành viên trở lên chuyên kinh doanh về dược liệu quý.

Tôi làm giám đốc, Tôi thường giao công việc cho 1 thành viên trong công ty. Tôi phát hiện thấy người này vi phạm các vấn đề như: Bán hàng nhưng không nộp tiền vào tài khoản công ty; tự ý cho văn phòng đại diện thực hiện chức năng kinh doanh mua bán để thu lợi nhuận riêng; lấy những sản phẩm chưa xin giấy phép lưu hành để bán và thu tiền riêng. Nhưng tôi có chứng cứ khẳng định anh ta vi phạm. Hiện tại tôi không biết phải làm sao, vì tôi đứng tên là chủ sở hữu công ty, tôi phải có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước, chịu các sai phạm của công ty. Tôi muốn đề xuất giải thể công ty thì làm cách nào? Mong sớm nhận được phản hồi của Luật sư! Tôi xin cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo căn cứ tại Điều 201 Luật doanh nghiệp 2015 có quy định về Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp quy định:

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Như vậy, nếu bạn muốn giải thể Công ty TNHH 2 thành viên này, chỉ cần tiến hành họp Hội đồng thành viên. Khi có quyết định tuyên bố giải thể Công ty của Hội đồng thành viên và chủ sở hữu công ty (là bạn ) thông qua họp Hội đồng thành viên. Khi đó, Công ty của bạn hoàn toàn được phép giải thể theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, để công ty có thể giải thể được thì công ty của bạn phải thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, đồng thời công ty không có tranh chấp gì đang trong quá trình giải quyết tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.

Theo quy định tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải có các nghĩa vụ, bao gồm:

1. Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 48 của Luật này.

2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các Điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này.

3. Tuân thủ Điều lệ công ty.

4. Chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

5. Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây:

a) Vi phạm pháp luật;

b) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác;

c) Thanh toán khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.

6. Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

Theo thông tin bạn cung cấp, thành viên trong công ty của bạn có hành vi vi phạm về Nghĩa vụ của thành viên theo quy định viện dẫn ở trên. Người này phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi vi phạm của mình theo Điều lệ của công ty hoặc quyết định của Hội đồng thành viên, và phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với vi phạm này. Bạn không phải chịu trách nhiệm cá nhân do hành vi vi phạm của người này gây ra.

Do đó, ngoài vấn đề giải thể trong nội dung họp Hội đồng thành viên, bạn có thể đưa ra các chứng cứ chứng minh các hành vi vi phạm của người kia để người đó phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.

Tuy nhiên, vì người này nhân danh công ty thực hiện hành vi vi phạm nên công ty vẫn phải chịu trách nhiệm với tư cách pháp nhân.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM