Hệ thống pháp luật

Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: LD170

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, chúng tôi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam mới thành lập nên chưa rõ lắm về việc tham gia công đoàn, xin hỏi văn phòng chúng tôi chỉ đóng kinh phí công đoàn 2%/ tổng lương và không thành lập công đoàn, không thu đoàn phí 1%/lương của người lao động thì có phạm luật không? bởi văn phòng chúng tôi có 6 nhân viên người VN quốc tịch VN kể cả trưởng đại diện nhưng không ai tán thành gia nhập công đoàn! Xin luật sư tư vấn giúp, chúng tôi xin cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật công đoàn 2012

Nghị định số 191/2013/NĐ-CP

Điều lệ công đoàn Việt Nam 2013

Hướng dẫn 238/2014/HD-TLĐ

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Theo quy định của Luật công đoàn 2012 nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn được thực hiện như sau.

- Đối tượng đóng kinh phí công đoàn quy định tại Điều 4 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP như sau: Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 37 Điều lệ công đoàn Việt Nam 2013 quy định về tài chính Công đoàn như sau:

- Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tài chính của Công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

Đoàn phí Công đoàn do đoàn viên đóng hằng tháng bằng một phần trăm (1%) tiền lương.

Kinh phí Công đoàn do Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng hai phần trăm (2%) quỹ tiền lương của người lao động. Tiền lương là tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội.

Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.

Các nguồn thu khác: Thu từ các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề tài, đề án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Như vậy, văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam của bạn có sử dụng lao động Việt Nam nên phải đóng kinh phí công đoàn 2%/ tổng lương. Những người lao động là đoàn viên phải đóng đoàn phí hằng tháng bằng một phần trăm (1%) tiền lương.

Thứ hai, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Thành lập công đoàn cơ sở nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Căn cứ Điều 16 Điều lệ công đoàn Việt Nam 2013 quy định điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của Công đoàn cơ sở như sau:

- Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:

Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất mười đoàn viên Công đoàn hoặc mười người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

- Hướng dẫn cụ thể tại Hướng dẫn 238/2014/HD-TLĐ như sau:

Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có hạch toán độc lập; các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ hai điều kiện:

Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Có tư cách pháp nhân.

Như vậy, nếu văn phòng đại diện của bạn có 5 đoàn viên Công đoàn trở lên hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn Việt Nam thì bắt buộc thành lập công đoàn cơ sở. Còn trường hợp không có ai tán thành việc thành lập cũng như gia nhập công đoàn thì không bắt buộc thành lập công đoàn cơ sở. Doanh nghiệp vẫn phải đóng phí công đoàn theo quy định là 2%/quỹ tiền lương của người lao động.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM