Hệ thống pháp luật

Công ty kinh doanh chứng khoán nước ngoài muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện gì, thủ tục như thế nào?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN60

Câu hỏi:

Tôi có một người bạn là người Nhật và người này đang điều hành một công ty kinh doanh chứng khoán ở Nhật Bản. Công ty đó muốn mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam. Vậy để mở văn phòng đại diện thì công ty của bạn tôi cần đáp ứng điều kiện gì và thủ tục như thế nào? Tôi xin cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Khoản 10 Điều 2 Thông tư 91/2013/TT-BTC quy định:

Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài là văn phòng đại diện tại Việt Nam của công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài, công ty quản lý quỹ thành lập ở nước ngoài.

1. Về điều kiện thành lập

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 74 Nghị định 58/2012/NĐ-CP, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài muốn đăng ký hoạt động văn phòng đại diện tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài cung cấp dịch vụ quản lý quỹ được thành lập văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ tại Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Đang hoạt động hợp pháp và chịu sự giám sát thường xuyên bởi cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán tại nước nơi tổ chức đó thành lập và hoạt động;

Đang hoạt động hợp pháp tại nước mà cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành tại nước đó đã ký kết thỏa thuận song phương hoặc đa phương với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc đang quản lý các quỹ đang đầu tư tại Việt Nam. Thời hạn hoạt động còn lại (nếu có) tối thiểu là 01 năm.

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài thực hiện các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán được thành lập văn phòng đại diện công ty chứng khoán tại Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện trên.

2. Thủ tục thành lập

Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoàiđược quy định tại Điều 4 Thông tư 91/2013/TT-BTC, cụ thể:

* Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam lập 02 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, trong đó một (01) bộ bằng tiếng Việt và một (01) bộ gốc bằng tiếng nước nguyên xứ, kèm theo tệp thông tin điện tử và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 91/2013/TT-BTC, hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

- Giấy đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện do đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ ký theo mẫu quy định tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao hợp lệ giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu có giá trị pháp lý tương đương của công ty mẹ. Trường hợp các tài liệu này có quy định về thời hạn hoạt động của công ty mẹ thì thời hạn đó phải còn ít nhất là một (01) năm;

- Bản sao hợp lệ điều lệ của công ty mẹ (The Articles of Incorporation) hoặc biên bản thỏa thuận góp vốn (Memorandum for Private Placement) hoặc biên bản thỏa thuận thành lập (Establishment Contract);

- Bản sao hợp lệ tài liệu xác nhận công ty mẹ đáp ứng các điều kiện để thành lập hoạt động văn phòng đại diện đã nếu ở trên;

- Bản sao hợp lệ văn bản của cơ quan quản lý có thẩm quyền tại nước ngoài cho phép mở văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu cần phải có theo quy định của pháp luật nước ngoài);

- Báo cáo tài chính năm của năm tài chính gần nhất đã kiểm toán tính tới thời điểm nộp hồ sơ đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế trong năm tài chính gần nhất do cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cấp;

- Biên bản họp và quyết định của hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên hoặc của giám đốc điều hành, giám đốc (Tổng giám đốc) về việc lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và bổ nhiệm trưởng đại diện tại Việt Nam;

- Hồ sơ cá nhân của người dự kiến được bổ nhiệm làm trưởng đại diện và nhân viên làm việc tại văn phòng đại diện;

- Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc thuê trụ sở văn phòng đại diện kèm theo tài liệu xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc thẩm quyền cho thuê của bên cho thuê trụ sở;

- Trường hợp lập văn phòng đại diện của công ty quản lý quỹ, bổ sung các tài liệu liên quan đến quỹ đang đầu tư tại Việt Nam (nếu có) bao gồm:

Bản sao hợp lệ giấy đăng ký lập quỹ (nếu có) hoặc tài liệu xác nhận việc quỹ đã hoàn tất việc đăng ký thành lập tại nước ngoài do cơ quan quản lý ở nước ngoài cấp (nếu có); điều lệ quỹ; bản cáo bạch của quỹ, hợp đồng tín thác hoặc biên bản thỏa thuận góp vốn hoặc tài liệu tương đương khác;

Văn bản của ngân hàng lưu ký xác nhận về khối lượng tài sản của quỹ tại Việt Nam;

Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của các quỹ này (nếu có) hoặc tài liệu xác nhận việc đã đăng ký mở tài khoản góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam, mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (nếu có).

* Bước 2: Xét duyệt hồ sơ

Công ty mẹ thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có yêu cầu bằng văn bản, công ty mẹ phải hoàn chỉnh hồ sơ đầy đủ theo quy định.

Sau thời hạn trên, nếu công ty mẹ không sửa đổi, bổ sung tài liệu, hoàn thiện hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện.

* Bước 3: Cấp giấy chứng nhận

Trong thời hạn bảy (07) ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và không có nghĩa vụ trả lại hồ sơ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM