Hệ thống pháp luật

Có được miễn lãi vay ngân hàng vì dịch bệnh covid 19?

Ngày đăng: 08/09/2021 lúc 20:54:54

Vừa qua, Ban biên tập Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, luật sư Lê Huy Hải hiện là giám đốc Công ty Luật TNHH Indicat về vấn đề có được miễn giảm lãi vay ngân hàng vì dịch bệnh covid 19 hay không? Chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn này đến bạn đọc.

Thạc sỹ, Luật sư Lê Huy Hải

BTV: Thưa thạc sỹ, luật sư Lê Huy Hải, với tư cách là luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, xin luật sư cho biết dịch bệnh covid 19 có phải là điều kiện để ngân hàng miễn giảm lãi suất đối với các hợp đồng tín dụng hay không?

Như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid 19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Bản chất của sự ảnh hưởng là tác đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân vay vốn làm cho khả năng trả nợ của các tổ chức, cá nhân này bị ảnh hưởng. Tuy nhiên ở mỗi lĩnh vực khác nhau thì mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng khác nhau, có những lĩnh vực chịu tác động mạnh và xấu như du lịch, vận chuyển hành khách, xây dựng.... Bên cạnh đó có những lĩnh vực không bị ảnh hưởng, mặt khác lại có cơ hội phát triển ví dụ như dụng cụ y tế, công nghệ thông tin...

Vì vậy có thể nói chỉ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu sự tác động mạnh, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid19 là điều kiện cần để được miễn giảm lãi suất vay vốn ngân hàng.

BTV: Thưa luật sư, vậy điều kiện đủ là gì?

Trong năm 2020, chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19

Theo đó các điều kiện đủ là:

a) Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính;

b) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid - 19;

c) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Như vậy các điều kiện đủ được quy định rõ ràng tại Thông tư số 01/2020 của Chính phủ, bên cạnh đó cũng cần lưu ý Thông tư số 01/2020 không áp dụng đối với khoản nợ vi phạm pháp luật và khoản nợ mua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

BIỂU ĐỒ MÔ TẢ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA DỊCH BỆNH ĐẾN DOANH NGHIỆP

Theo Báo cáo tác động dịch Covid 19 đối với doanh nghiệp Việt Nam của phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) kết hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ngày 25/3/2021

 

BTV: Những lưu ý đối với bên đi vay để được miễn, giảm lãi suất theo Thông tư 01/2020/ TT-NHNN là gì thưa luật sư?

Thực tế là có một số ngân hàng chậm trễ trong việc triển khai áp dụng Thông tư 01/2020 cho khách hàng vay vốn vì một số lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là nếu thực hiện miễn giảm lãi suất thì ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Do vậy người vay nên chủ động đề nghị ngân hàng tiền hành thẩm định đánh giá mức độ ảnh hưởng, mức độ thiệt hại của dịch bệnh Covid 19 đối với từng hợp đồng tín dụng để có mức miễn, giảm lãi suất phù hợp.

Bên cạnh đó, việc thẩm định của ngân hàng về ảnh hưởng của doanh nghiệp do đại dịch Covid19 dưới góc độ nào đó vẫn manh tính chủ quan của bên cho vay, do vậy bên đi vay cần chuẩn bị đủ các tài liệu, chứng từ, số liệu chứng minh thiệt hại vì dịch bệnh covid 19 để có mức miễn, giảm lãi suất phù hợp.

BTV: Xin chân thành cảm ơn cuộc trao đổi hữu ích của luật sư.

BBT. Hệ thống pháp luật Việt Nam