Hệ thống pháp luật

Chuyển tiền mua nhà nhưng người bán nhà đã chết trước khi ký hợp đồng

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DS350

Câu hỏi:

Chồng tôi có chuyển tiền đặt cọc mua nhà (500 triệu) cho bác Huỳnh nhưng chưa kịp làm giấy thoả thuận hay hợp đồng (vì chồng tôi đang đi công tác xa mà bác ấy là hàng xóm thân quen đang cần tiền gấp giải quyết việc riêng, hẹn mấy hôm nữa về thì làm hợp đồng luôn). Nhưng tiếc thay, sau 3 hôm thì bác ấy lên tăng xông và mất đột ngột. Xin hỏi, bác gái và con cái bác ấy có nghĩa vụ trả lại cho chồng tôi số tiền ấy như thế nào. Chúng tôi chỉ có bằng chứng là giấy chuyển tiền mang tên bác ấy, ngân hàng cũng có xác nhận. Giữa chồng tôi và bác ấy có thương lượng qua lại vấn đề giá cả và tiền bạc bằng điện thoại điện thoại mất hết tin nhắn cũ. Sau thời gian tang lễ đã 4 tháng nhưng gia đình họ lại trốn tránh gặp mặt chồng tôi, vợ bác ấy nói không biết gì hết. Vợ chồng tôi phải làm thế nào. Xin cảm ơn rất nhiều.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Mặc dù giữa chồng bạn và bác Huỳnh đã thỏa thuận qua lại về việc mua bán nhà nhưng chưa ký kết bất kỳ văn bản, giấy tờ nào, đồng thời bạn cũng không đưa ra được bằng chứng nào về việc mua bán này nên giữa hai người chưa thể xem là đã giao kết hợp đồng mua bán. Vợ và con trai bác Huỳnh không có nghĩa vụ thực hiện tiếp thỏa thuận mua bán nhà với bạn.
Về số tiền mà chồng bạn đã chuyển cho bác Huỳnh, có giấy chuyển tiền và xác nhận của Ngân hàng: Vợ chồng bạn có thể xuất trình các chứng cứ này để yêu cầu những người thừa kế của bác Huỳnh thực hiện nghĩa vụ của bác Huỳnh để lại theo quy định tại Điều 637 Bộ luật dân sự như sau:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế.
- Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như vậy, những người thừa kế của bác Huỳnh (Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết-điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự) có nghĩa vụ trả lại số tiền mà bác Huỳnh đã nhận của vợ chồng bạn trong phạm vi di sản do bác Huỳnh để lại.
Trong trường hợp không thể thương lượng, thỏa thuận được thì vợ chồng bạn có quyền khởi kiện tới tòa án có thẩm quyền để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi khởi kiện, bạn phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
- Tên, địa chỉ của người bị kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM