Hệ thống pháp luật

Chưa ký hợp đồng lao động có được hưởng chế độ tai nạn lao động?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: LD173

Câu hỏi:

Tôi là Phạm Quang Hải, mẹ tôi là Nguyễn Thị Lê. Ngày 18/12/2015 mẹ tôi được công ty dịch vụ bảo vệ T75 nhận vào làm nhân viên tạp vụ và làm việc tại công ty may Việt Thái ( chưa ký hợp đồng chính thức nhưng đã được nhận 1 tháng lương đầu tiên). Đến ngày 26/12/2015, mẹ tôi bị ngã cầu thang máy trong khi đang làm việc tại công ty may Việt Thái ( hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân do lỗi của mẹ tôi hay là do sự cố thang máy) Sau khi bị tai nạn, mẹ tôi được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị. Mẹ tôi được chẩn đoán bị vỡ lún đốt sống T12 và gãy gai ngang L1, các bác sĩ khuyên điều trị nội khoa. Trong quá trình nằm viện, công đoàn hai công ty T75 và May Việt Thái có đến thăm hỏi mẹ tôi và có đưa phong bì lần lượt là 2 triệu và 3 triệu. Sau khi xuất viện một thời gian về nhà hiện nay mẹ tôi lại tiếp tục điều trị tại viện Y học cổ truyền Quân đội nhưng khả năng lao động sau này sẽ không được như trước nữa. Nay tôi xin hỏi luật sư một số vấn đề như sau: Mẹ tôi có được hưởng những quyền lợi của người bị tai nạn lao động mặc dù chưa ký hợp đồng chính thức và chưa được đóng bảo hiểm xã hội hay không? Trách nhiệm của hai công ty như trên là đã thoả đáng chưa vì từ đó đến giờ phía 2 công ty không có liên lạc gì với gia đình tôi nữa. Trách nhiệm bồi thường của 2 công ty như thế nào khi chưa xác định rõ tai nạn lao động là do lỗi của mẹ tôi hay do sự cố trang thiết bị của công ty may Việt Thái? Tình trạng sức khoẻ của mẹ tôi có thể bị giảm sút khả năng lao động vĩnh viễn. Chúng tôi cần làm những thủ tục và giấy tờ gì để nhận được những hỗ trợ, trợ cấp từ phía 2 công ty? Rất mong được nhận sự tư vấn sớm nhất từ luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn chưa được ký hợp đồng chính thức, và chưa được công ty đóng bảo hiểm nhưng đã được nhận tháng lương đầu tiên. Theo quan điểm của chúng tôi thì mẹ bạn đang trong thời gian thử việc. Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì cách xử lý khi bị tai nạn lao động tại nơi làm việc như sau:

Điều 142 Bộ Luật lao động 2012 quy định về tai nạn lao động:

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.

3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định này thì mẹ bạn bị tai nạn khi đang trực tiếp lao động tại công ty, do vậy mẹ bạn được hưởng các chế độ bồi thường, trợ cấp theo luật lao động. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 144 Bộ luật lao động 2012 như sau:

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Như vậy, ngoài chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với tai nạn lao động của mẹ bạn nếu mẹ bạn không tham gia bảo hiểm y tế của công ty thì công ty còn phải trả trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nếu mẹ bạn là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà công ty chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Vì thông tin bạn cung cấp không rõ mẹ bạn chưa kí hợp đồng lao động với công ty T57 hay công ty may Việt Thái nên chúng tôi không thể xác định trách nhiệm của hai công ty đối với mẹ bạn. Nếu mẹ bạn chứng minh được giao kết hợp đồng miệng với một trong hai công ty thì mẹ bạn vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động theo Điều 145 Bộ Luật lao động 2012:

Mức bồi thường cho tai nạn lao động được tính như sau:

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

Về trách nhiệm của hai công ty:

– Đối với công ty bảo vệ T57: Nếu mẹ bạn chứng minh được mẹ bạn đã giao kết hơp đồng với công ty bảo vệ T57 thì khi mẹ bạn bị tai nạn lao động công ty bảo vệ T57 phải thanh toán đầy đủ các khoản chi phí, ngoài ra còn phải trợ cấp cho mẹ bạn một khoản tiền tương đương với mức suy giảm khả năng lao động của mẹ bạn. Mức trợ cấp đã được nêu tại Điều 145 Bộ Luật lao động nói trên.

Ngoài ra, bên công ty bảo vệ T57 phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

– Đối với công ty may Việt Thái: Do mẹ chưa kí hợp đồng chính thức nên là điều bất lợi với mẹ bạn. Địa điểm xảy ra ở công ty nhưng nếu mẹ bạn giao kết hợp đồng với công ty T57 thì công ty may Việt Thái chỉ có trách nhiệm bồi thường viện phí cho mẹ bạn.
Như vậy, việc cần làm bây giờ là giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động của mẹ bạn sau đó đề nghị các công ty có mức bồi thường thỏa đáng. Trong trường hợp các công ty không có sự bồi thường thỏa đáng thì mẹ bạn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải. Nếu lúc này việc hòa giải không thành mẹ bạn có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp lao động của mình.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM