Hệ thống pháp luật

Chia thừa kế trong trường hợp không có người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DS418

Câu hỏi:

Cha mẹ tôi có 4 người con. Người anh cả đã mất trong chiến tranh, trước khi mất có 1 vợ và 4 con. Người anh thứ hai, nay đã 76 tuổi, không có vợ con, đang đứng tên sở hữu tài sản đối với căn hộ cha mẹ để lại và hơn 2000 m2 đất thổ cư. Người anh thứ Ba và tôi đã có gia đình, vợ con. Tôi xin hỏi, khi anh Hai tôi mất mà không để lại di chúc, vấn đề thừa kế tài sản giải quyết như thế nào. Trân trọng cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
Theo đó, khi anh Hai của bác chết mà không để lại di chúc hoặc thuộc một trong các trường hợp nêu trên, di sản là căn hộ và hơn 2000 m2 đất thổ cư thuộc sở hữu của anh Hai bác sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây (theo Ðiều 676 Bộ luật dân sự vềngười thừa kế theo pháp luật):
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối chiếu với trường hợp của gia đình bác:
- Xét hàng thừa kế thứ nhất của bác Hai: Bố, mẹ đẻ của hai bác đã chết từ lâu nên không được hưởng di sản do bác Hai để lại (Điều 635 Bộ luật dân sự); bác Hai không có vợ con nên không có ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất được di sản của bác Hai (trừ trường hợp bác Hai có bố mẹ nuôi, con nuôi).
- Xác định những người thừa kế được hưởng di sản do bác Hai để lại. Do không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên di sản do bác Hai để lại được chia cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai, gồm: các anh em của bác Hai. Do bác Cả đã chết trong chiến tranh nên không được hưởng di sản do bác Hai để lại; vì vậy, những người thừa kế di sản của bác Hai chỉ có: Bác và anh Ba của bác.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM