Hệ thống pháp luật

Cán bộ tại vùng đặc biệt khó khăn được trợ cấp 10 tháng lương

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: LD161

Câu hỏi:

Tôi là Nam, công tác tại vườn quốc gia Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đăk Lăk. Tôi vào công tác từ năm 2009 và từ đầu năm 2010 đến tháng 4/2012 tôi công tác tại 1 trạm thuộc vườn quốc gia không thuộc xã khó khăn theo quyết định điều động của giám đốc vườn quốc gia. Cuối tháng 4/2012 tôi được luân chuyển về công tác tại 1 trạm thuộc xã khó khăn theo quyết định điều động nhân sự của giám đốc vườn quốc gia và tôi được hưởng phụ cấp theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP từ đó. Vậy Luật Sư cho tôi hỏi một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tới tháng 3/2016 thì nghị định 116 hết hiệu lực vậy tôi còn được hưởng tiếp hay bị cắt phụ cấp 116?

Thứ hai Luật Sư cho biết những đối tượng nào được hưởng 10 tháng lương cơ bản theo trợ cấp lần đầu.

Thứ ba là cơ quan tôi áp dụng chi trả 10 tháng lương trợ cấp lần đầu cho những đối tượng vào công tác sau tháng 3/2011 kể cả những người hợp đồng và mới vào công tác tại cơ quan được 2 đến 3 tháng nay. Vậy tháng cuối 4/2012 tôi được luân chuyển về vùng khó khăn công tác thì tôi có được hưởng trợ cấp lần đầu 10 tháng lương cơ bản không?

Chân thành cảm ơn luật sư !

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, cho đến thời điểm hiện tại, Nghị định 116/2010/NĐ-CP vẫn còn có hiệu lực và cũng chưa có dự thảo Nghị định thay thế. Vì vậy thông tin Nghị định 116 hết hiệu lực là không chính xác. Tuy nhiên, Nghị định116/2010/NĐ-CP có quy định về thời gian hưởng phụ cấp thu hút như sau:

Điều 4. Phụ cấp thu hút

1. Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có.

2. Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm. Thời điểm tính hưởng phụ cấp thu hút được quy định như sau:

a) Nếu đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;

b) Nếu đến công tác sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, chúng tôi hiểu rằng, trường hợp của bạn là hết thời gian hưởng phụ cấp thu hút (bạn hiểu nhầm thành Nghị định 116/2010/NĐ-CP hết hiệu lực). Nghị định này quy định thời gian hưởng phụ cấp thu hút của bạn là không quá 5 năm kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền (vì bạn đến công tác sau ngày Nghị định 116/2010/NĐ-CP có hiệu lực). Như vậy, rất có khả năng thời gian hưởng phụ cấp thu hút của bạn đã hết (thời gian hưởng phụ cấp thu hút của bạn không nhất định phải là 5 năm) và bạn bị cắt phụ cấp thu hút trong trường hợp này.

Thứ hai, về đối tượng được hưởng 10 tháng lương trợ cấp lần đầu, Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 6. Trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp như sau:

1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung;

2. Trường hợp có gia đình chuyển đi theo thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi và hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho hộ gia đình;

3. Chỉ thực hiện một lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao đồng, kể các người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn;

2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cá người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;

3. Các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này công tác ở các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ được áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này.

Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này bao gồm người đang công tác và người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Như vậy, điều kiện để được hưởng trợ cấp lần đầu 10 tháng lương tối thiểu là:

Là đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 116/2010/NĐ-CP;

Đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam;

Thứ ba, về vấn đề bạn có được hưởng phụ cấp lần đầu 10 tháng lương tối thiểu hay không.

Điều 2 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định rõ:

"Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này bao gồm người đang công tác và người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành"

Như vậy, trường hợp bạn đến công tác tại vùng khó khăn vào tháng 4/2012 tức là sau ngày Nghị định 116/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 1/3/2011) thì bạn hoàn toàn có thể được hưởng phụ cấp lần đầu 10 tháng lương tối thiểu nếu đáp ứng điều kiện mà chúng tôi đã phân tích ở câu trả lời thứ hai.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM