Hệ thống pháp luật

Các trường hợp lập vi bằng

Ngày đăng: 20/09/2021 lúc 15:08:31

Lập vi bằng là một trong những cách thức được nhiều người sử dụng để có được văn bản mang giá trị chứng cứ khi tham gia các giao dịch. Việc lập vi bằng vừa giúp các bên giảm được rủi ro của hợp đồng, giao dịch vừa là căn cứ hợp pháp chứng minh trước tòa. Tuy nhiên, khi nào cần sử dụng vi bằng? Đây là câu hỏi nhiều người vẫn thắc mắc. Để giải đáp các thắc mắc này, Hệ thống pháp luật Việt Nam xin gửi tới Quý bạn đọc bài viết “Các trường hợp lập vi bằng”.

Các trường hợp lập vi bằng

Khái niệm vi bằng

Theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.” Như vậy, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có thể kèm theo các hình ảnh, âm thanh, video trong trường hợp xét thấy cần thiết. Trong văn bản đó, thừa phát lại sẽ tiến hành mô tả, ghi nhận lại hành vi đã xảy ra trên thực tế, các sự kiện lập vi bằng mà chính thừa phát lại chứng kiến một cách khách quan, trung thực. Tài liệu này sẽ có giá trị làm chứng cứ trước Tòa nếu các quan có phát sinh bất cứ tranh chấp nào liên quan đến sự kiện, hành vi đã được lập vi bằng đó.

Dựa trên khái niệm này thì không phải chủ thể nào cũng có thầm quyền lập vi bằng mà chức năng này được chỉ định riêng cho Thừa phát lại. Đây là một chức danh bổ trợ tư pháp có tính chất gần giống với thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên… Công việc của Thừa phát lại cũng liên quan trực tiếp và tạo ra những hệ quả pháp lý nhất định đến các chủ thể trong vi bằng. Do đó, tuy không phải là công chức, không phải người đại diện cho nhà nước nhưng thừa phát lại được tuyển chọn và bổ nhiệm theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Các trường hợp nên lập vi bằng

Ngoài các trường hợp không được lập vi bằng quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, dựa trên thực tiễn các trường hợp nên lập vi bằng gồm:

- Lập vi bằng xác nhận tình trạng tài sản qua các giao dịch như mua bán, cho thuê, cho mượn, đặt cọc, gửi giữ, bị thu hồi, cưỡng chế : Trước khi thực hiện các giao dịch, có thể lập vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản, giá trị tài sản, hành vi giao nhận tiền để đảm bảo các bên thực hiện đúng nghĩa vụ. Trường hợp xảy ra tranh chấp, vi bằng được coi là chứng cứ hợp pháp chứng minh các hành vi vi phạm (nếu có).

- Lập vi bằng ghi nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: đưa các thông tin không đúng sự thực; đưa thông tin khi chưa được phép người có thẩm quyền; vu khống: Hiện nay, việc các trang web trên mạng internet đăng tải thông tin sai sự thật hoặc sử dụng hình ảnh trái phép xảy ra khá phổ biến. Các bên bị thiệt hại muốn tiến hành các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình nhưng khó thu thập được chứng cứ do dữ liệu điện tử có thể bị xóa đi nhanh chóng. Vi bằng ghi nhận hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại sẽ xác nhận nội dung các dữ liệu điện tử liên quan đến hành vi vu khống và nói xấu sau đó mô tả lại trong vi bằng kèm theo các tài liệu hỗ trợ như chụp ảnh, video…. Trong vi bằng sẽ ghi nhận một số nội dung cơ bản như: Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng; Địa điểm, thời gian lập vi bằng; Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng; Nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận – ở đấy là nối dung của các thông tin bịa đặt, nói xấu.

- Vi bằng ghi nhận phiên họp Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban giám đốc công ty: Trong quá trình diễn ra phiên họp Thừa phát lại sẽ ghi nhận toàn bộ diễn biến của cuộc họp, thời điểm phiên họp, những người tham gia, ý kiến của từng người về cuộc họp….Vi bằng được lập trong trường hợp này sẽ có giá trị rất lớn trong trường hợp có sai sót hoặc tranh chấp xảy ra sau phiên họp của công ty.

Ngoài ra, trên thực tiễn cũng cho thấy còn các trường hợp nên lập vi bằng khác như: xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình; xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu; xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện; xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra; xác nhận các sự kiện pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam