Hệ thống pháp luật

6 tuổi bán vé số có đúng quy định pháp luật?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DS286

Câu hỏi:

Gia đình chị H đông con nên chúng không được học hành nhiều, đứa nhỏ nhất là thằng Mén – 6 tuổi cũng theo mẹ tìm cách mưu sinh. Ngày 20/4/2014, chị H lãnh 200 tờ vé số và giao lại cho Mén 50 tờ vì nó cũng biết bán vé số và thối tiền. Thằng Mén bán vé số cho nhiều khách, nhưng nó nhớ nhất là ông Tư Ếch vì ông này mua giúp nó 10 tờ. Chiều hôm sau xổ số, 10 tờ vé ông Tư Ếch mua của thằng Mén được giải năm (khoảng 10 triệu). Chị H thấy vậy, liền nảy sinh ý định đòi lại 10 tờ vé của ông Tư Ếch .Chị gặp ông Tư và nói rằng: “Thằng Mén nhà con nhỏ dại, nó xin vài chục tờ vé cầm bán tiếp mẹ nhưng cib nghe người ta nói, nhỏ tuổi như nó bán buôn là sai luật, chú Tư trả vé số cho con nghe, con trả lại chú 100 ngàn…” Vậy chị H nói vậy có đúng không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ về ngày tháng năm sinh của Mén nên chúng tôi chia ra hai trường hợp như sau:
- Trường hợp Mén chưa đủ 6 tuổi thì theo quy định tại điều 21 Bộ luật dân sự 2005: “Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện” thì Mén được coi là không có năng lực hành vi dân sự, mọi giao dịch phải do người đại diện của bé thực hiện (trường hợp này có thể là mẹ bé). Khi đó, giao dịch dân sự về mua bán vé số giữa Mén và ông Tư sẽ bị vô hiệu theo quy định tại điều 130 Bộ luật dân sự 2005: “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện”. Như vậy, trong trường hợp này ông Tư có thể phải hoàn trả lại vé cho chị H và chị H có nghĩa vụ hoàn trả lại khoản tiền mà ông Tư đã mua vé theo quy định tại khoản 2 điều 137 Bộ luật dân sự 2005 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
- Trường hợp Mén đủ 6 tuổi: theo thông tin bạn cung cấp thì Mén thực hiện việc bán vé số dưới sự đồng ý của chị H nên theo quy định tại khoản 1 điều 20 Bộ luật dân sự 2005: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác” thì giao dịch dân sự bán vé số giữa Mén và ông Tư vẫn có hiệu lực pháp luật. Như vậy, ở trường hợp này, yêu cầu của chị H là không đúng quy định pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM