Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 95/2020/TT-BTC hướng dẫn về giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành

Mục 2. GIÁM SÁT GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN CỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM VÀ CÁC CÔNG TY CON

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con

1. Quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam

a) Ban hành Quy chế nghiệp vụ triển khai công tác giám sát giao dịch chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; xây dựng quy trình giám sát để đảm bảo thực hiện công tác giám sát có hiệu quả;

b) Chịu trách nhiệm giám sát chung hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán;

c) Ban hành tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán áp dụng tại các công ty con, chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên giao dịch;

d) Báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả thực hiện công tác giám sát giao dịch.

2. Quyền và nghĩa vụ của các Sở giao dịch chứng khoán là công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam

a) Giám sát trực tiếp hoạt động giao dịch chứng khoán tại từng khu vực thị trường được giao quản lý, vận hành;

b) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát giao dịch chứng khoán quy định tại Điều 11 Thông tư này;

c) Giám sát diễn biến các giao dịch trong ngày, nhiều ngày, định kỳ; phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán;

d) Rà soát các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, tin đồn liên quan đến các giao dịch bất thường;

đ) Giám sát việc công bố thông tin và chế độ báo cáo theo quy định hiện hành liên quan đến giao dịch chứng khoán của thành viên giao dịch, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư;

e) Báo cáo Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam xử lý theo quy chế đối với thành viên giao dịch vi phạm quy chế về giao dịch chứng khoán, kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán.

3. Ngoài các quyền và nghĩa vụ nêu trên, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Giám sát hoạt động giám sát giao dịch của thành viên giao dịch;

b) Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan đến giao dịch chứng khoán giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác giám sát giao dịch chứng khoán;

c) Lập và gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo giám sát giao dịch định kỳ, báo cáo giám sát giao dịch bất thường, báo cáo theo yêu cầu liên quan đến công tác giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 của Thông tư này;

d) Phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra bất thường đối với hoạt động giao dịch có khả năng vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

đ) Phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bảo đảm hoạt động giao dịch, hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán an toàn, hiệu quả.

Điều 8. Nội dung giám sát giao dịch chứng khoán

1. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con thực hiện giám sát nhằm phát hiện các giao dịch bất thường, giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán, bao gồm:

a) Hành vi sử dụng thông tin nội bộ trong mua bán chứng khoán;

b) Hành vi thao túng thị trường chứng khoán;

c) Hành vi vi phạm khác về giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Giám sát hoạt động giao dịch, công bố thông tin và báo cáo liên quan đến giao dịch chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch của các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, cổ đông lớn, nhóm người liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng, người nội bộ và người có liên quan đến người nội bộ và các đối tượng khác của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, người nội bộ của quỹ đại chúng niêm yết dạng đóng và người có liên quan, người được ủy quyền công bố thông tin và nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

3. Giám sát giao dịch mua lại cổ phiếu của chính mình, giao dịch chào mua công khai và các giao dịch khác của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 9. Tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán

1. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch đối với các chứng khoán được niêm yết, đăng ký giao dịch tại các công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, tiêu chí giám sát giao dịch liên thị trường (tác động qua lại giữa thị trường chứng khoán cơ sở với thị trường chứng khoán phái sinh và ngược lại; giữa hoạt động giao dịch chứng khoán cơ sở với hoạt động giao dịch chứng quyền có bảo đảm và ngược lại) để làm cơ sở tiến hành giám sát giao dịch trong ngày và nhiều ngày; ban hành chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên giao dịch.

2. Hệ thống tiêu chí giám sát gồm nội dung và các tham số cụ thể; chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên giao dịch cần được rà soát, đánh giá định kỳ.

Điều 10. Phương thức giám sát giao dịch chứng khoán

1. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam triển khai công tác giám sát thông qua báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán.

2. Sở giao dịch chứng khoán thực hiện giám sát theo thời gian thực trên hệ thống giám sát của mình đối với các giao dịch trong ngày của chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch để phát hiện các giao dịch nghi vấn.

3. Sở giao dịch chứng khoán thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán nhiều ngày dựa trên một hoặc các nguồn sau:

a) Cơ sở dữ liệu giao dịch chứng khoán;

b) Các báo cáo, phản ánh thông tin của thành viên giao dịch, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, nhà đầu tư được công bố theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

c) Các thông tin liên quan nhận được từ Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Thông tư này;

d) Các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tin đồn liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán;

đ) Các nguồn thông tin khác.

4. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan đến giao dịch có dấu hiệu bất thường cung cấp thông tin và giải trình để làm rõ dấu hiệu bất thường.

Điều 11. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát giao dịch chứng khoán

Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát giao dịch chứng khoán. Hệ thống cơ sở dữ liệu tối thiểu phải gồm các nội dung sau:

1. Các dữ liệu về kết quả giao dịch chứng khoán được thực hiện tại Sở giao dịch chứng khoán.

2. Danh sách và thông tin về các đối tượng thuộc phạm vi giám sát của Sở giao dịch chứng khoán vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

3. Các báo cáo và thông tin liên quan đến giao dịch chứng khoán đã công bố qua hệ thống công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán; các báo cáo, thông tin đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

4. Dữ liệu liên quan đến tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

5. Dữ liệu khác liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán.

Điều 12. Giám sát đối với thành viên giao dịch

1. Yêu cầu thành viên giao dịch báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến hoạt động giám sát giao dịch tại khu vực thị trường được giao quản lý, vận hành.

2. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam xử lý hoặc kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý theo thẩm quyền và đồng thời báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

3. Trường hợp Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam phát hiện dấu hiệu vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả xử lý.

4. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý các hành vi vi phạm đối với thành viên giao dịch trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Điều 13. Báo cáo giám sát giao dịch định kỳ

1. Trong vòng 02 ngày làm việc đầu tiên của tuần tiếp theo, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo giám sát giao dịch tuần, gồm:

a) Dữ liệu giao dịch chứng khoán gồm: sổ lệnh đặt, sổ lệnh khớp, sổ giao dịch thỏa thuận chứng khoán cơ sở, chứng khoán phái sinh và chứng khoán khác đang giao dịch trên thị trường trong tuần báo cáo theo thực trạng hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán. Các thông tin giao dịch chứng khoán toàn thị trường được giao quản lý, vận hành theo quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, ngoại trừ thông tin liên quan đến khối lượng mở của từng loại chứng khoán phái sinh (OI);

b) Kết quả công tác giám sát giao dịch chứng khoán tuần, thông tin báo cáo tỷ trọng cổ phiếu thành phần trong rổ chỉ số phản ánh tình hình thị trường để phục vụ công tác tổng hợp, đánh giá diễn biến thị trường theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong vòng 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, trên cơ sở báo cáo của công ty con, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo giám sát giao dịch tháng theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, gồm các nội dung chính sau:

- Việc tổ chức hoạt động, kết quả triển khai công tác giám sát giao dịch chứng khoán trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ;

- Kết quả giám sát giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con đối với các giao dịch có dấu hiệu bất thường và tình hình xử lý các giao dịch có dấu hiệu bất thường này;

- Kết quả giám sát giao dịch đối với thành viên giao dịch và tình hình xử lý các vi phạm của thành viên giao dịch;

- Kết quả thực hiện báo cáo giám sát giao dịch bất thường và báo cáo theo yêu cầu trong kỳ báo cáo;

- Kiến nghị (nếu có).

3. Trong vòng 20 ngày làm việc đầu tiên của năm kế tiếp, trên cơ sở báo cáo của công ty con, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo giám sát giao dịch năm theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Việc tổ chức hoạt động, kết quả triển khai công tác giám sát giao dịch chứng khoán trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ;

- Kết quả giám sát giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con đối với các giao dịch có dấu hiệu bất thường và tình hình xử lý các giao dịch có dấu hiệu bất thường;

- Kết quả giám sát giao dịch đối với thành viên giao dịch và tình hình xử lý các vi phạm của thành viên giao dịch;

- Kết quả thực hiện báo cáo giám sát giao dịch bất thường và báo cáo theo yêu cầu trong kỳ báo cáo.

4. Các báo cáo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này được lập dưới hình thức văn bản và tệp dữ liệu điện tử. Riêng báo cáo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này chỉ cần gửi dưới dạng tệp dữ liệu điện tử. Các báo cáo trên được gửi dưới dạng tệp dữ liệu điện tử trong trường hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con đều áp dụng chương trình chữ ký điện tử. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con có trách nhiệm lưu giữ thông tin đã báo cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Báo cáo giám sát giao dịch bất thường

1. Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo giám sát giao dịch bất thường khi phát hiện các giao dịch nghi vấn trong vòng hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi Sở giao dịch chứng khoán có kết quả phân tích giao dịch bất thường, đồng thời báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

2. Đối với báo cáo giám sát giao dịch bất thường nêu tại khoản 1 Điều này, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm lập báo cáo phân tích riêng từng vụ việc, nêu rõ dấu hiệu nghi vấn, các thông tin có liên quan, ý kiến đánh giá và đề xuất phương án xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý trong trường hợp vượt quá thẩm quyền.

3. Phương thức gửi và nhận báo cáo giám sát giao dịch bất thường thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.

Điều 15. Báo cáo giám sát giao dịch theo yêu cầu

1. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con có trách nhiệm gửi báo cáo giám sát giao dịch khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

2. Báo cáo gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu tại khoản 1 Điều này phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và tệp dữ liệu điện tử theo nội dung và thời hạn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu.

Thông tư 95/2020/TT-BTC hướng dẫn về giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 95/2020/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH