Hệ thống pháp luật

Chương 6 Thông tư 83/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Chương VI

CƯỚC VẬN TẢI VÀ CÁC CHI PHÍ KHÁC

Điều 59. Cước vận tải và các chi phí khác

1. Cước vận tải và các khoản chi phí khác được xác định căn cứ vào bậc cước, trọng lượng, khoảng cách vận chuyển và chất lượng dịch vụ.

2. Cước vận tải và các khoản chi phí khác trên đường sắt do doanh nghiệp quyết định và phải được công bố, niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch của doanh nghiệp trước thời hạn thi hành tối thiểu là 10 ngày.

3. Khi tăng giá cước vận tải, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 của Điều này. Doanh nghiệp phải công bố và niêm yết công khai khi thực hiện việc giảm giá cước vận tải.

Điều 60. Bậc cước vận tải

Bậc cước vận tải của hàng hóa được xác định căn cứ tính chất, giá trị, điều kiện bảo quản, vận chuyển hoặc các đặc tính khác có liên quan của hàng hóa cần vận chuyển. Bậc cước vận tải của hàng hóa do doanh nghiệp quy định.

Điều 61. Trọng lượng tính cước vận tải

1. Nguyên tắc xác định trọng lượng tính cước vận tải:

a) Hàng lẻ: tính theo trọng lượng thực tế, trọng lượng tối thiểu là 20 kg, nếu trên 20 kg thì phần lẻ dưới 05 kg quy tròn là 05 kg.

b) Hàng nguyên toa: tính theo trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe. Riêng đối với hàng cồng kềnh (danh mục hàng cồng kềnh do doanh nghiệp vận tải quy định) nếu trọng lượng hàng xếp ít hơn hoặc bằng 75% thì tính bằng 75% trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe; nếu trọng lượng hàng xếp lớn hơn 75% thì tính theo trọng tải thực tế. Trường hợp các loại hàng hóa cồng kềnh xếp chung với các loại hàng hóa không cồng kềnh thì tính như hàng hóa không cồng kềnh. Trọng lượng quy tròn hàng nguyên toa dưới 500 kg không tính, từ 500 kg đến dưới 1 tấn được tính là 01 tấn.

c) Trong một toa xe có nhiều loại hàng hóa với bậc cước khác nhau thì trọng lượng tính cước được xác định như sau: nếu người thuê vận tải ghi trọng lượng của từng loại hàng hóa thì tính cước riêng cho từng loại hàng rồi cộng gộp; nếu người thuê vận tải không ghi trọng lượng của từng loại hàng hóa hoặc ghi không đầy đủ thì phần không ghi trọng lượng được tính theo bậc cước có giá trị cao nhất trong các loại hàng hóa thuê vận tải; nếu tổng cộng trọng lượng hàng hóa chưa đủ trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe thì phần trọng tải chưa sử dụng được tính theo bậc cước của loại hàng hóa có trọng lượng lớn nhất hoặc tính theo bậc cước có giá trị thấp nhất trong các loại hàng hóa có cùng trọng lượng lớn nhất.

2. Trọng lượng của tất cả các vật dụng dùng để đóng gói hàng hóa phải tính vào trọng lượng của hàng hóa để tính cước vận tải.

3. Đối với hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ thì trọng lượng hàng hóa để tính cước vận tải là trọng tải sử dụng lớn nhất (bao gồm trọng tải đăng ký của công-ten-nơ và trọng lượng bì).

4. Việc xác định trọng lượng hàng hóa tính cước vận tải đối với thi hài, hài cốt và các loại hàng hóa đòi hỏi bảo quản, vận chuyển đặc biệt khác thực hiện theo quy định của doanh nghiệp.

5. Trọng lượng để tính các chi phí khác là trọng lượng để tính cước vận tải.

Điều 62. Khoảng cách tính cước vận tải

1. Khoảng cách tính cước vận tải là quãng đường vận chuyển bằng đường sắt được xác định căn cứ vào khoảng cách giữa các ga do tổ chức có thẩm quyền công bố.

2. Trong vận tải đường sắt, khoảng cách tối thiểu để tính cước là 30 km.

Điều 63. Tiền dồn toa xe

1. Tiền dồn toa xe được tính căn cứ vào số lượng toa xe phải dồn, cự ly dồn và đơn giá dồn.

2. Cự ly dồn được tính kể từ điểm đầu nối ghi ở ga với đường dồn đến điểm cuối đường dồn và được áp dụng cho từng chặng 500 m; phần lẻ nhỏ hơn 500 m tính là 500 m.

3. Nếu trong phạm vi ga, người thuê vận tải muốn xếp, dỡ không đúng địa điểm quy định và được doanh nghiệp chấp nhận thì phải trả tiền dồn toa xe với cự ly dồn được tính là 1.000 m.

4. Đơn giá dồn được xác định trên cơ sở chi phí của đầu máy, toa xe, cầu đường, thông tin tín hiệu và các hoạt động phục vụ khác. Định mức chi phí cụ thể do doanh nghiệp quy định.

Điều 64. Các chi phí khác

1. Đối với những chủng loại hàng hóa mà hình thức giao nhận đòi hỏi phải xác định trọng lượng thực tế của hàng hóa trong quá trình vận chuyển thì phải cân hàng và người thuê vận tải phải trả tiền cân hàng. Trong trường hợp phải cân hàng để giải quyết tranh chấp thì bên có lỗi phải chi trả tiền cân hàng.

2. Tiền bảo quản hàng hóa, tiền lưu kho, bãi do người thuê vận tải hoặc người nhận hàng chi trả trong trường hợp phát sinh do lỗi của người thuê vận tải. Tiền bảo quản hàng hóa, tiền lưu kho, bãi được xác định dựa trên tính chất, giá trị, điều kiện bảo quản hoặc các đặc tính khác có liên quan của hàng hóa và lượng hàng hóa, thời gian bảo quản, lưu kho bãi.

3. Tiền thủ tục thay đổi người nhận hàng, thay đổi ga đến, hủy bỏ và thay đổi vận chuyển xe nguyên toa được tính theo số toa xe.

4. Mức phí do doanh nghiệp quy định.

Điều 65. Tiền đọng toa xe và dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe

Tiền đọng toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe được xác định căn cứ vào số toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe bị đọng, thời gian đọng và đơn giá đọng toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe. Đơn giá đọng toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe do doanh nghiệp quy định.

Thông tư 83/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

  • Số hiệu: 83/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 161 đến số 162
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH