Chương 1 Thông tư 83/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Thông tư này quy định về việc vận tải hàng hóa; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) và của người thuê vận tải, người nhận hàng trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng, đường nhánh có nối vào đường sắt quốc gia.
Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp, người thuê vận tải, người nhận hàng và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hàng hóa là tài sản của tổ chức, cá nhân thuê doanh nghiệp vận chuyển bằng đường sắt.
2. Hàng hóa vận chuyển theo hình thức hàng lẻ là hàng hóa không đòi hỏi dùng cả toa xe riêng để chuyên chở (sau đây gọi tắt là hàng lẻ).
3. Hàng hóa vận chuyển theo hình thức nguyên toa là hàng hóa chuyên chở được xếp trên một toa xe, có cùng một người gửi hàng, một người nhận hàng, một ga đi, một ga đến (sau đây gọi tắt là hàng nguyên toa).
4. Hàng nguy hiểm là hàng hóa khi vận chuyển trên đường sắt có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng con người và vệ sinh, môi trường, có tên trong danh mục hàng nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
5. Trọng tải kỹ thuật của toa xe là trọng lượng hàng hóa tối đa được chở trên toa xe theo tiêu chuẩn thiết kế.
6. Trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe là lượng hàng hóa tối đa được phép xếp trên toa xe phù hợp với công lệnh tải trọng trên tuyến đường.
7. Trường hợp bất khả kháng là những trường hợp xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trong vận tải đường sắt, trường hợp bất khả kháng xảy ra do thiên tai, địch họa, dịch bệnh hoặc vì lý do bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, tắc đường vận chuyển không do lỗi của doanh nghiệp, người thuê vận tải, người nhận hàng.
8. Lô hàng là tập hợp nhiều loại hàng hóa của một người thuê vận tải có cùng một ga đi, một ga đến; cùng một người nhận hàng, cùng kỳ hạn vận chuyển, cùng một kỳ hạn nhận hàng. Một lô hàng lẻ hoặc hàng nguyên toa có thể gồm nhiều loại hàng hóa khác nhau, ngoại trừ các loại hàng hóa không được xếp chung trên một toa theo quy định tại
9. Hàng có bánh xe tự chạy là phương tiện giao thông đường sắt được tổ chức đăng kiểm chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để nối vào các đoàn tàu hàng kéo đi mà không phải xếp lên các toa xe của doanh nghiệp khi vận chuyển.
Điều 4. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa
1. Doanh nghiệp có các quyền sau đây:
a) Từ chối vận chuyển hàng hóa không theo đúng quy định về đóng gói, bao bì, ký hiệu, mã hiệu hàng hóa và các loại hàng hóa bị cấm vận chuyển;
b) Yêu cầu người thuê vận tải hàng hóa mở bao gói để kiểm tra trong trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của việc khai báo chủng loại hàng hóa;
c) Yêu cầu người thuê vận tải, người nhận hàng thanh toán đủ cước vận tải và các chi phí phát sinh;
d) Yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuê vận tải gây ra;
đ) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;
e) Lưu giữ hàng hóa trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước vận tải và chi phí phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng vận tải;
g) Xử lý hàng hóa mà người nhận hàng từ chối nhận, hàng hóa không có người nhận theo quy định tại Điều 106 của Luật Đường sắt và Thông tư này;
h) Yêu cầu trả tiền đọng toa xe do lỗi của người thuê vận tải, người nhận hàng gây ra;
i) Các quyền khác quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật Đường sắt.
2. Doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Niêm yết công khai tại các địa điểm giao dịch của doanh nghiệp các thông tin cần thiết có liên quan đến vận tải hàng hóa;
b) Vận tải hàng hóa đến địa điểm đến và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo hợp đồng vận tải;
c) Thông báo kịp thời cho người thuê vận tải, người nhận hàng khi hàng hóa đã được vận chuyển đến địa điểm giao hàng, khi việc vận chuyển bị gián đoạn;
d) Bảo quản hàng hóa trong trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hóa hoặc hàng hóa không thể giao được cho người nhận hàng và thông báo cho người thuê vận tải biết;
đ) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải khi để xảy ra mất mát, hư hỏng hàng hóa hoặc quá thời hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp;
e) Tạo điều kiện thuận lợi cho người thuê vận tải trong việc thuê toa xe xếp hàng hóa đảm bảo có đủ số lượng theo đúng chủng loại toa xe theo yêu cầu của người thuê vận tải;
g) Thông báo công khai cho người thuê vận tải biết các quy định của pháp luật và của doanh nghiệp trước khi ký kết các hợp đồng vận tải.
h) Các nghĩa vụ khác quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật Đường sắt.
Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của người thuê vận tải
1. Người thuê vận tải có các quyền sau đây:
a) Thỏa thuận với doanh nghiệp về các điều kiện chuyên chở hàng hóa, xếp, dỡ hàng hóa, cung cấp toa xe xếp hàng hóa, áp tải hàng hóa, kỳ hạn vận chuyển hàng, kỳ hạn gửi hàng, kỳ hạn nhận hàng và các vấn đề liên quan khác trong hợp đồng vận tải hàng hóa;
b) Thay đổi hợp đồng vận tải hàng hóa kể cả khi hàng hóa đã giao cho doanh nghiệp hoặc hàng hóa đã xếp lên toa xe và chịu chi phí phát sinh do thay đổi hợp đồng vận tải;
c) Chỉ định lại người nhận hàng khi hàng hóa đó chưa được giao cho người có quyền nhận hàng trước đó; được thay đổi địa điểm giao hàng hóa hoặc yêu cầu vận chuyển hàng hóa trở lại nơi gửi hàng và phải chịu mọi chi phí phát sinh do thay đổi người nhận hàng và địa điểm giao hàng hóa;
d) Yêu cầu doanh nghiệp xác nhận số lượng, niêm phong đối với hàng hóa mà mình gửi đi;
đ) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;
e) Được bồi thường thiệt hại khi hàng hóa bị mất mát, giảm trọng lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng, quá thời hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp;
g) Được bồi thường thiệt hại do cấp toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe chậm do lỗi của doanh nghiệp;
h) Được ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân thay mặt mình thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng vận tải theo quy định của pháp luật nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi cam kết trong hợp đồng vận tải.
2. Người thuê vận tải có các nghĩa vụ sau đây:
a) Kê khai hàng hóa trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai đó;
b) Đăng ký số lượng, chủng loại toa xe, thời gian, địa điểm xếp hàng hóa với doanh nghiệp;
c) Thực hiện việc đóng gói hàng hóa và các điều kiện vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của doanh nghiệp;
d) Cung cấp các vật tư, thiết bị cần thiết để đảm bảo vận chuyển hàng hóa an toàn trừ khi hợp đồng có thỏa thuận khác;
đ) Cử người áp tải hàng hóa nếu hàng hóa thuộc loại hàng hóa bắt buộc phải có người áp tải;
e) Giao hàng hóa cho doanh nghiệp đúng thời hạn, địa điểm;
g) Trả tiền cước vận tải và các chi phí khác đúng thời hạn, hình thức thanh toán trong hợp đồng;
h) Cung cấp giấy tờ, tài liệu và các thông tin cần thiết khác về hàng hóa;
i) Thanh toán chi phí phát sinh do đọng toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe; chi phí lưu kho bãi, bảo quản và các chi phí phát sinh khác;
k) Bồi thường thiệt hại do việc kê khai không trung thực về hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp hoặc thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra;
l) Trường hợp người nhận không đến nhận hàng hóa, người thuê vận tải có trách nhiệm giải quyết hậu quả và thanh toán mọi chi phí phát sinh.
Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của người nhận hàng
Người nhận hàng có thể là người thuê vận tải hoặc là người thứ ba được người thuê vận tải chỉ định nhận hàng hóa. Người nhận hàng có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
1. Quyền của người nhận hàng:
a) Kiểm tra số lượng, chất lượng, niêm phong của số hàng hóa được vận chuyển đến;
b) Nhận hàng hóa được vận chuyển đến;
c) Được yêu cầu bồi thường tiền quá kỳ hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp;
d) Được yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa bị mất mát, hư hỏng do lỗi của doanh nghiệp;
đ) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.
2. Nghĩa vụ của người nhận hàng:
a) Khi nhận được tin báo hàng đến, người nhận hàng phải đến ga nhận hàng hóa trong thời hạn và thực hiện những nội dung quy định tại
b) Xuất trình hóa đơn gửi hàng hóa và các giấy tờ khác để chứng minh quyền nhận hàng hóa của mình;
c) Chịu chi phí xếp, dỡ hàng hóa nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận khác;
d) Thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận hàng hóa;
đ) Thông báo cho doanh nghiệp biết về việc nhận đủ hàng hóa và các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của doanh nghiệp; nếu không thông báo thì không có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích liên quan đến hàng hóa của mình;
e) Thanh toán toàn bộ tiền cước vận tải và các chi phí khác.
Thông tư 83/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa
- Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của người thuê vận tải
- Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của người nhận hàng
- Điều 7. Đơn vị tính thời gian trong hoạt động vận tải hàng hóa
- Điều 8. Địa điểm giao dịch của doanh nghiệp
- Điều 9. Niêm yết giá cước vận tải và các loại chi phí khác
- Điều 10. Hình thức vận chuyển
- Điều 11. Những hàng hóa phải vận chuyển theo hình thức nguyên toa
- Điều 12. Toa xe chở hàng
- Điều 13. Hợp đồng vận tải hàng hóa
- Điều 14. Nguyên tắc chung trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng vận tải
- Điều 15. Nội dung của hợp đồng vận tải
- Điều 16. Xác định tên hàng hóa
- Điều 17. Điều kiện của hàng hóa được nhận vận tải
- Điều 18. Từ chối vận tải hoặc đình chỉ vận tải
- Điều 19. Thứ tự ưu tiên trong vận tải hàng hóa
- Điều 20. Cung cấp toa xe, dụng cụ vận tải kèm theo toa xe và vật liệu gia cố
- Điều 21. Thông báo đưa toa xe vào địa điểm xếp dỡ
- Điều 22. Kỳ hạn đưa hàng hóa đến ga gửi
- Điều 23. Hàng hóa lưu kho, lưu bãi
- Điều 24. Kỹ thuật xếp hàng hóa trên toa xe
- Điều 25. Trách nhiệm xếp, dỡ hàng hóa
- Điều 26. Thời gian xếp, dỡ
- Điều 27. Hàng hóa không xếp chung vào cùng một toa xe
- Điều 28. Đóng gói hàng hóa
- Điều 29. Thẻ buộc hàng hóa
- Điều 30. Trách nhiệm xác định trọng lượng hàng hóa
- Điều 31. Kê khai giá trị hàng hóa và bảo hiểm hàng hóa
- Điều 32. Giao nhận hàng hóa
- Điều 33. Kiểm tra tên và trạng thái hàng hóa
- Điều 34. Niêm phong toa xe, hàng hóa
- Điều 35. Hóa đơn gửi hàng hóa
- Điều 36. Giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa
- Điều 37. Bảo quản hàng hóa
- Điều 38. Áp tải hàng hóa
- Điều 39. Kỳ hạn vận chuyển
- Điều 40. Báo tin hàng đến
- Điều 41. Kỳ hạn nhận hàng
- Điều 42. Giao hàng cho người nhận hàng
- Điều 43. Vệ sinh, đóng cửa toa xe
- Điều 44. Gửi trả dụng cụ chuyên chở kèm theo toa xe, vật liệu gia cố về ga gửi hàng
- Điều 45. Dỡ hàng vắng mặt người nhận hàng
- Điều 46. Hàng không có người nhận
- Điều 47. Hàng hóa coi như bị thất lạc
- Điều 48. Hàng hóa bị tịch thu, xử lý
- Điều 49. Tắc đường vận chuyển
- Điều 50. Xử lý khi phát hiện hàng hóa khai sai tên trong quá trình vận chuyển
- Điều 51. Hàng xếp sai trọng lượng, xếp quá tải
- Điều 52. Hủy bỏ vận chuyển
- Điều 53. Thay đổi người nhận hàng
- Điều 54. Thay đổi ga đến
- Điều 55. Vận chuyển hàng hóa bằng công-ten-nơ
- Điều 56. Vận chuyển hàng nguy hiểm
- Điều 57. Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng
- Điều 58. Vận chuyển hàng hóa trên đường nhánh và đường sắt chuyên dùng có kết nối vào đường sắt quốc gia
- Điều 59. Cước vận tải và các chi phí khác
- Điều 60. Bậc cước vận tải
- Điều 61. Trọng lượng tính cước vận tải
- Điều 62. Khoảng cách tính cước vận tải
- Điều 63. Tiền dồn toa xe
- Điều 64. Các chi phí khác
- Điều 65. Tiền đọng toa xe và dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe
- Điều 66. Thưởng, phạt
- Điều 67. Đồng tiền và hình thức thanh toán
- Điều 68. Quy định về thanh toán
- Điều 69. Điều chỉnh cước vận tải và các chi phí khác