Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 36/2009/TT-BNNPTNT về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Cục Thú y

1. Xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản trên phạm vi toàn quốc.

2. Trình Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch.

3. Hướng dẫn và giám sát kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi trọng điểm; quy trình khử trùng tiêu độc cơ sở.

4. Quản lý, giám sát việc sử dụng Quỹ dự trữ quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật.

5. Hướng dẫn các Chi cục Thú y báo cáo tình hình dịch bệnh thủy sản theo yêu cầu của Thông tư này.

6. Tổ chức tập huấn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản cho các Chi cục Thú y và các đơn vị trực thuộc Cục.

7. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản của các Chi cục Thú y.

8. Xây dựng và hướng dẫn các đơn vị về biểu mẫu và hình thức gửi báo cáo đảm bảo kịp thời và chính xác.

Điều 12. Trách nhiệm của Cục Nuôi trồng thủy sản

1. Xây dựng và chỉ đạo triển khai áp dụng các quy chuẩn sản xuất thủy sản giống đảm bảo chất lượng; các quy chuẩn nuôi thủy sản theo hướng bền vững, phù hợp với từng hình thức nuôi và đáp ứng các yêu cầu an toàn dịch bệnh.

2. Chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện mùa vụ nuôi thủy sản, việc áp dụng kỹ thuật trong sản xuất giống, nuôi thủy sản thương phẩm.

3. Phối hợp với Cục Thú y trong việc phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

1. Hướng dẫn việc sơ chế, chế biến thủy sản thu hoạch từ vùng dịch đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sơ chế, chế biến được phân cấp theo Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Yêu cầu khắc phục đối với những cơ sở chế biến thủy sản thu hoạch từ vùng dịch không đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương

1. Phân công trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát dịch bệnh trên thủy sản nuôi tại địa phương.

2. Phối hợp với Cục Thú y trong việc tổ chức phòng chống dịch bệnh và thu mẫu kiểm tra, giám sát dịch bệnh theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh của địa phương.

3. Chỉ đạo, giám sát việc xử lý, tiêu hủy thủy sản nhiễm bệnh và huy động lực lượng tham gia chống dịch ở địa phương theo đề nghị của cơ quan thú y.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở, vùng nuôi thủy sản an toàn tại địa phương; quản lý cơ sở, vùng nuôi thủy sản an toàn theo chức năng, nhiệm vụ của Sở.

2. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập quỹ phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản tại địa phương và trong trường hợp công bố dịch, công bố hết dịch.

3. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh thủy sản nuôi ở địa phương.

4. Hướng dẫn việc sơ chế, chế biến thủy sản thu hoạch từ vùng dịch đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sơ chế, chế biến theo phân cấp theo Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến từng người nuôi về mùa vụ thả nuôi thủy sản.

Điều 16. Trách nhiệm của Chi cục Thú y

1. Thực hiện việc điều tra, khảo sát và xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản.

2. Báo cáo tình hình dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của Cục Thú y;

3. Thực hiện kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và các cơ sở.

4. Tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh thủy sản.

5. Lập kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao trình độ về phòng chống dịch bệnh cho cán bộ thú y và các cơ sở nuôi trên địa bàn quản lý.

6. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển ngay khi Quyết định công bố dịch bệnh thủy sản có hiệu lực.

7. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chống dịch bệnh thủy sản tại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và các cơ sở.

8. Hướng dẫn, kiểm tra việc vận chuyển thủy sản thu hoạch từ vùng dịch về cơ sở chế biến.

Điều 17. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi

1. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chấp hành các quy định về kiểm dịch, báo cáo dịch bệnh, thiết lập và lưu trữ các loại hồ sơ liên quan tới con giống; cải tạo ao đầm; chăm sóc, quản lý thủy sản; xử lý chất thải (nước thải, bùn thải và rác thải) theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

2. Hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh.

3. Được tham dự các khóa tập huấn về phòng chống dịch bệnh thủy sản, kỹ thuật nuôi do các cơ quan quản lý tổ chức.

4. Được hưởng các hỗ trợ của nhà nước về chống dịch theo quy định hiện hành.

Thông tư 36/2009/TT-BNNPTNT về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 36/2009/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/06/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Diệp Kỉnh Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 317 đến số 318
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra