Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Thông tư 28/2010/TT-BCT quy định cụ thể một số điều của Luật hóa chất và Nghị định 108/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

MỤC 2. HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT THUỘC DANH MỤC HÓA CHẤT HẠN CHẾ SẢN XUẤT, KINH DOANH TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

Điều 16. Tổ chức cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

Bộ Công Thương cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp (sau đây gọi là Giấy phép).

Điều 17. Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép đối với tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

1. Tài liệu pháp lý

a. Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;

b. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng;

d. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo đề án hoặc Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường kèm theo đề án do cơ quan có thẩm quyền cấp;

đ. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an có thẩm quyền.

2. Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

a. Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm;

b. Bản kê khai trang thiết bị phòng hộ lao động và an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

c. Bản công bố hợp quy và kế hoạch giám sát định kỳ chất lượng hóa chất trên cơ sở trang thiết bị kiểm tra hóa chất hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra hóa chất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận;

d. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất.

3. Tài liệu về điều kiện đối với người sản xuất.

a. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên có liên quan trực tiếp đến sản xuất, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm;

b. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở sản xuất hóa chất;

c. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép đối với cơ sở kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

1. Tài liệu pháp lý

a. Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;

b. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc Biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an có thẩm quyền;

d. Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

a. Bản giải trình nhu cầu kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh;

b. Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của từng cơ bản kinh doanh hóa chất nguy hiểm;

c. Bản kê khai trang thiết bị phòng hộ lao động, an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

d. Bản kê khai các phương tiện vận tải chuyên dùng và bản sao hợp lệ Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

đ. Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh, nếu cơ sở kinh doanh hóa chất có nhiều điểm kinh doanh cùng một loại hóa chất thì mỗi điểm kinh doanh phải lập hồ sơ riêng theo quy định tại điều này và được cấp chung một Giấy phép;

e. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh.

3. Tài liệu về điều kiện đối với người kinh doanh

a. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên có liên quan trực tiếp đến kinh doanh, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm;

b. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất hoặc bằng đại học chuyên ngành kinh tế kỹ thuật của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở kinh doanh hóa chất;

c. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

Điều 19. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đối với tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.

4. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.

5. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất hoặc bằng đại học chuyên ngành kinh tế kỹ thuật của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.

6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại khoản 4 điều này.

7. Các tài liệu quy định tại điểm c, d, đ khoản 1; điểm a, b, c khoản 2 Điều 17 và điểm a, d, đ khoản 2 Điều 18 Thông tư này.

Điều 20. Trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung

1. Trường hợp có thay đổi nội dung của Giấy phép đã được cấp, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép, gồm:

a. Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung;

b. Bản gốc Giấy phép đã được cấp;

c. Các tài liệu chứng minh yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Điều 21. Trường hợp cấp lại

1. Trường hợp Giấy phép bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị cấp lại Giấy phép. Hồ sơ gồm:

a. Văn bản đề nghị cấp lại;

b. Bản sao hợp lệ Giấy phép (nếu có).

2. Trường hợp Giấy phép hết hiệu lực thi hành, trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy phép 30 (ba mươi) ngày làm việc, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) đề nghị cấp lại. Hồ sơ gồm:

a. Văn bản đề nghị cấp lại;

b. Giấy phép hoặc bản sao hợp lệ Giấy phép đã được cấp lần trước;

c. Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong giai đoạn Giấy phép đã được cấp, nêu rõ tên hóa chất, mục đích sử dụng, khối lượng hóa chất được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng; lượng nhập, xuất, tồn kho và vị trí cất giữ hóa chất; việc thực hiện các biện pháp an toàn; các thông tin khác (nếu có).

Điều 22. Thủ tục cấp Giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất).

2. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Thông tư này, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép theo mẫu tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân.

Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ thì trong vòng 05 (năm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có văn bản yêu cầu bổ sung.

4. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

5. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đang sản xuất, kinh doanh trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa được cấp Giấy phép nếu có nhu cầu tiếp tục sản xuất, kinh doanh thì phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép theo quy định tại điều này.

6. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh nếu dừng sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển địa điểm sản xuất, kinh doanh phải có văn bản báo cáo Bộ Công Thương (Cục Hóa chất).

Điều 23. Thời hạn của Giấy phép

Giấy phép có thời hạn 03 (ba) năm, kể từ ngày cấp. Đối với tổ chức, cá nhân có nhiều điểm kinh doanh hàng hóa thì tại Giấy phép phải ghi rõ từng điểm kinh doanh đã được xác định đủ điều kiện.

Thông tư 28/2010/TT-BCT quy định cụ thể một số điều của Luật hóa chất và Nghị định 108/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 28/2010/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Nam Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 402 đến số 403
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH