Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 25/2009/TT-BNN hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương III

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM KÊ, THỐNG KÊ RỪNG VÀ LẬP HỒ SƠ QUẢN LÝ RỪNG

Điều 10. Nội dung kiểm kê, thống kê và lập hồ sơ quản lý rừng

1. Kiểm kê rừng

a) Khoanh vẽ các trạng thái rừng thông qua việc giải đoán ảnh viễn thám hoặc ảnh máy bay có độ phân giải cao theo các mẫu khoá ảnh kết hợp với việc điều tra bổ sung trên thực địa, tổng hợp xây dựng bản đồ số về hiện trạng rừng theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh. Sử dụng công nghệ tin học để chồng xếp các lớp thông tin bản đồ chuyên đề về hiện trạng rừng lên lớp bản đồ địa hình đã phân chia lô quản lý, khoảnh, tiểu khu, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng để xác định ranh giới 3 loại rừng và ranh giới các trạng thái rừng trong lô quản lý.

b) Tính toán diện tích rừng và trữ lượng rừng của các trạng thái rừng theo các đơn vị quản lý đất lâm nghiệp tiểu khu, khoảnh, lô quản lý và phân tích, đánh giá, so sánh, tổng hợp lập các bảng biểu kiểm kê diện tích các trạng thái rừng và trữ lượng rừng theo đơn vị hành chính, theo 3 loại rừng và theo chủ quản lý rừng.

c) Tổng hợp độ che phủ rừng theo đơn vị hành chính.

2. Thống kê rừng

a) Tổng hợp về diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo sổ sách và hồ sơ quản lý rừng có đến cuối năm và thống kê diện tích đó theo đơn vị hành chính, theo 3 loại rừng và chủ quản lý rừng; tổng hợp các nguyên nhân gây biến động diện tích rừng.

b) Tổng hợp về trữ lượng rừng theo sổ sách và hồ sơ quản lý rừng có đến cuối năm và thống kê trữ lượng rừng đó theo đơn vị hành chính, theo 3 loại rừng và chủ quản lý rừng; tổng hợp biến động trữ lượng rừng do biến động về diện tích rừng hoặc do biến động trữ lượng rừng bình quân/ha.

c) Tổng hợp độ che phủ rừng theo đơn vị hành chính.

3. Lập hồ sơ quản lý rừng

a) Lập hồ sơ quản lý rừng theo từng tiểu khu và thể hiện cụ thể cho từng lô quản lý; trong hồ sơ quản lý rừng thể hiện đầy đủ về diện tích, trữ lượng, trạng thái, mục đích sử dụng và chủ quản lý của lô rừng. Hồ sơ quản lý rừng bao gồm bản đồ địa hình VN-2000 và các lớp thông tin bản đồ chuyên đề về hiện trạng rừng; quy hoạch 3 loại rừng; đường ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô quản lý; các tài liệu điều chế rừng và các ghi chép về biến động rừng, các biểu thống kê rừng, đất rừng trong tiểu khu.

b) Lập hồ sơ quản lý rừng theo kết quả kiểm kê rừng định kỳ 05 năm một lần trên lô quản lý hoặc theo các điều tra chuyên đề khác (nếu có); những biến động về diện tích rừng, trữ lượng rừng được cập nhật, ghi chép thường xuyên, kịp thời vào hồ sơ quản lý rừng.

Điều 11. Trình tự và phương pháp tiến hành kiểm kê rừng

1. Kiểm kê diện tích rừng

1.1. Chuẩn bị bản đồ điều tra ngoại nghiệp

Bản đồ sử dụng trong kiểm kê rừng là bản đồ địa hình VN-2000, có tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000, trên nền bản đồ địa hình, ngoài ranh giới hành chính phải thể hiện những ranh giới sau:

a) Ranh giới 3 loại rừng, ranh giới và số hiệu lô quản lý, khoảnh, tiểu khu và ranh giới các chủ quản lý rừng, các thông tin này được số hoá và quản lý bằng các lớp thông tin bản đồ chuyên đề được kế thừa từ bản đồ thành quả rà soát và quy hoạch lại 3 loại rừng hoặc kế thừa kết quả từ bản đồ giao đất giao rừng hoặc bản đồ thiết kế kinh doanh rừng hoặc phải phân chia bổ sung nếu như chưa phân chia.

b) Trường hợp nơi nào đó chưa phân chia lô quản lý, khoảnh, tiểu khu thì tiến hành phân chia theo nguyên tắc sau:

- Đối với tiểu khu: Diện tích bình quân 1000 ha; nằm trọn trong một (01) xã; đường ranh giới rõ ràng, cố định như dông núi, sông, suối, đường mòn; số hiệu bằng chữ số la tinh (1, 2, 3...) được viết liên tục trong một (01) tỉnh và đánh số trọn cho từng huyện theo nguyên tắc từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, trên bản đồ số hiệu tiểu khu được bao quanh một vòng tròn nhỏ. Nếu tiểu khu mới được phân chia bổ sung thì thêm chữ cái la tinh hoa phía sau số hiệu tiểu khu liền kề. Ví dụ: 125A, 125B. Trường hợp hình dạng tiểu khu bị sai lệch sau khi chuyển sang nền bản đồ địa hình VN-2000, cần rà soát và tính toán lại diện tích tiểu khu.

- Đối với khoảnh: Diện tích bình quân 100 ha; được phân chia từ tiểu khu; đường ranh giới rõ ràng, cố định, cố gắng lợi dụng đường ranh giới tự nhiên như dông núi, sông, suối, đường mòn; số hiệu khoảnh bằng chữ số la tinh (1, 2, 3…), nguyên tắc đánh số như tiểu khu. Nếu khoảnh mới được phân chia bổ sung thì số hiệu khoảnh sẽ thêm chữ cái la tinh thường vào phía sau số hiệu khoảnh liền kề (ví dụ: 5a, 5b,…), riêng rừng đặc dụng có thể không phân chia khoảnh.

- Đối với lô quản lý: Lô quản lý được phân chia từ khoảnh và nằm trọn trong khoảnh. Tên lô quản lý được ghi theo vần chữ cái la tinh thường (a, b, c...) và viết trọn trong khoảnh, nguyên tắc viết tên lô như tiểu khu, riêng rừng đặc dụng có thể không phân chia lô quản lý.

1.2. Chuẩn bị bản đồ khoanh vẽ điều tra ngoại nghiệp:

a) Sử dụng ảnh viễn thám hoặc ảnh máy bay hoặc kế thừa bản đồ hiện trạng rừng mới nhất hiện có để làm cơ sở cho kiểm kê diện tích các trạng thái rừng. Chỉ sử dụng ảnh viễn thám hoặc ảnh máy bay có độ phân giải cao chụp trước thời điểm kiểm kê tối đa là một (01) năm.Việc giải đoán ảnh để xác định ranh giới các trạng thái rừng trên ảnh do các đơn vị, tổ chức có phương tiện và khả năng chuyên môn đảm nhận. Trên bản đồ tên lô trạng thái được ghi thêm số la tinh vào sau tên lô quản lý, ví dụ: a1, a2; b1, b2,… đối với rừng đặc dụng, tên lô trạng thái được ghi số liên tục như đánh số hiệu khoảnh.

b) Dựa vào bản đồ hiện trạng rừng được xây dựng từ kết quả giải đoán ảnh vệ tinh hoặc ảnh máy bay hoặc bản đồ hiện trạng rừng mới nhất được kế thừa, tiến hành chuyển họa ranh giới các loại đất loại rừng sang bản đồ địa hình điều tra ngoại nghiệp; bản đồ đã được chuyển họa ranh giới các loại đất loại rừng gọi là bản đồ hiện trạng trong phòng. Bản đồ hiện trạng trong phòng sẽ được can vẽ hoặc in ấn thành các mảnh bản đồ tiểu khu (hoặc nhóm tiểu khu) để sử dụng trong điều tra, khoanh vẽ bổ sung ngoại nghiệp, bản đồ này gọi là bản đồ điều tra ngoại nghiệp.

1.3. Kiểm tra, khoanh vẽ bổ sung trên thực địa

a) Trên bản đồ điều tra ngoại nghiệp, thiết kế các tuyến kiểm tra khoanh vẽ bổ sung. Tuyến kiểm tra, khoanh vẽ bổ sung không nhất thiết là đường thẳng nhưng phải đi qua hầu hết các loại rừng trong phạm vi được kiểm kê, trên các tuyến kiểm tra tiến hành so sánh, đối chiếu tất cả các loại rừng giữa bản đồ điều tra ngoại nghiệp với thực địa. Việc kiểm tra cần chú trọng vào những khu vực và đối tượng sau:

- Những khu vực khai thác rừng; đồng bào còn tập quán phát rừng làm rẫy; khu vực các dự án thủy lợi, thủy điện, khu kinh tế mới, đường giao thông mở mới…

- Những khu vực trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp,…

- Các đối tượng có trạng thái dễ nhầm lẫn với nhau như: rừng nghèo với

đất trống có cây gỗ rải rác (Ic),...

- Các đối tượng rừng trồng đã khép tán, chưa khép tán.

b) Trong quá trình kiểm tra, khoanh vẽ bổ sung cần sử dụng máy định vị cầm tay GPS để xác định vị trí các lô khoanh vẽ. Bản đồ điều tra ngoại nghiệp sau khi kiểm tra, khoanh vẽ bổ sung ở thực địa gọi là bản đồ hiện trạng rừng gốc.

1.4. Hoàn thiện và biên tập bản đồ kiểm kê rừng

a) Bản đồ hiện trạng rừng gốc được hoàn thiện ranh giới lô trạng thái và kiểu trạng thái cho khớp với thực địa; bổ sung diện tích rừng trồng mới… sau đó tiến hành số hóa bản đồ hiện trạng gốc và biên tập thành bản đồ kiểm kê rừng. Bản đồ kiểm kê rừng được xây dựng trên nền bản đồ VN-2000, quy định cụ thể từng cấp như sau:

- Bản đồ kiểm kê rừng xã, thị trấn tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000, bản đồ hiện trạng rừng cấp xã phải thể hiện ranh giới và số hiệutiểu khu, khoảnh, lô quản lý và lô trạng thái.

- Bản đồ kiểm kê rừng cấp huyện tỷ lệ 1/50.000 hoặc 1/25.000 (đối với huyện có diện tích dưới 20.000ha), được tập hợp từ bản đồ hiện trạng rừng của các xã, thị trấn trực thuộc. Bản đồ kiểm kê rừng cấp huyện chỉ thể hiện các thông tin tới đơn vị khoảnh.

- Bản đồ kiểm kê rừng cấp tỉnh tỷ lệ 1/100.000 được tập hợp từ bản đồ hiện trạng rừng của các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc và chỉ thể hiện các thông tin tới đơn vị tiểu khu.

b) Nội dung, phương pháp xây dựng bản đồ kiểm kê rừng được thực hiện theo Quy phạm kỹ thuật xây dựng bản đồ hiện trạng rừng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

1.5. Tính toán diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý

a) Diện tích lô trạng thái rừng được tính trực tiếp trên nền bản đồ kiểm kê rừng cấp xã, việc tính toán diện tích được thực hiện bởi một trong các phần mềm chuyên dụng (Mapinfor, Arcgis, Arcview…) từ bản đồ số, kết quả tính toán được tập hợp vào Phiếu tính diện tích lô trạng thái và diện tích các trạng thái rừng trong một lô quản lý và là cơ sở để kiểm kê lập biểu thành quả từ cấp xã đến cấp tỉnh. Nội dung các cột trong Phiếu tính diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

b) Để thuận tiện cho khai thác và chia sẻ thông tin, thống nhất lưu trữ Phiếu tính diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý ở dạng tệp Excel.

2. Kiểm kê trữ lượng rừng

a) Xác định chỉ tiêu trữ lượng bình quân

Tiến hành lập ô đo đếm theo phương pháp điển hình cho các lô trạng thái để xác định chỉ tiêu trữ lượng bình quân trên héc ta (ha) của các trạng thái rừng hoặc kế thừa từ một trong các kết quả sau:

- Kết quả xác định trữ lượng rừng cho những nơi mới giao rừng theo Thông tư 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Kết quả đo đếm trên các ô định vị theo Chương trình Điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc;

- Kết quả điều tra hiện trạng rừng để phục vụ xây dựng các dự án đầu tư lâm nghiệp, phương án điều chế rừng hoặc kết quả điều tra cơ bản khác về rừng.

b) Tính trữ lượng rừng

Lấy chỉ tiêu trữ lượng bình quân trên ha được xác định nhân với diện tích lô kiểm kê (lô quản lý) tùy loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, sau đó tập hợp theo lô quản lý, khoảnh, tiểu khu, xã. Kết quả tính toán trữ lượng được ghi vào các biểu trữ lượng quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

3. Tổng hợp các biểu kiểm kê rừng

Các loại biểu kiểm kê rừng và cách lập như sau:

- Biểu 1/KKR - Kiểm kê diện tích rừng theo 3 loại rừng, biểu này được tập hợp và tính toán từ Phiếu tính diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý. Các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc, cụ thể: khoảnh được tập hợp từ các lô quản lý thuộc khoảnh; tiểu khu được tập hợp từ các khoảnh thuộc tiểu khu; xã được tập hợp từ các tiểu khu thuộc xã; huyện được tập hợp từ các xã thuộc huyện; tỉnh được tập hợp từ các huyện thuộc tỉnh;

- Biểu 2/KKR - Kiểm kê diện tích rừng theo chủ quản lý, biểu này được tập hợp và tính toán từ Phiếu tính diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý. Các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc (tương tự biểu 1/KKR). Tuỳ theo quy mô diện tích của từng chủ rừng để có các phương pháp tổng hợp khác nhau;

- Biểu 3/KKR - Kiểm kê trữ lượng rừng theo 3 loại rừng, biểu này được tập hợp và tính toán từ Phiếu tính diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý. Các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc (tương tự biểu 1/KKR);

- Biểu 4/KKR - Kiểm kê trữ lượng rừng theo chủ quản lý, biểu này được tập hợp và tính toán từ Phiếu tính diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý. Các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc (tương tự biểu 1/KKR);

- Biểu 5/KKR - Tổng hợp độ che phủ rừng theo đơn vị hành chính, biểu này được tập hợp và tính toán từ Phiếu tính diện tích các trạng thái rừng trong lô quản lý hoặc tập hợp và tính toán từ Biểu 1/KKR; Biểu 2/KKR - Kiểm kê rừng.

4. Kiểm tra kết quả kiểm kê rừng

Việc kiểm tra, thẩm định kết quả kiểm kê rừng được thực hiện theo quy định sau:

a) Chủ rừng tự kiểm tra trong quá trình thực hiện;

b) Cán bộ lâm nghiệp xã hoặc kiểm lâm địa bàn kiểm tra ngẫu nhiên 20% diện tích từ kết quả kiểm kê rừng của xã, phát hiện những thiếu sót để tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phê duyệt báo cáo kết quả kiểm kê rừng của xã để gửi báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện;

c) Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì kiểm tra ngẫu nhiên 20% diện tích từ kết quả kiểm kê rừng của cấp xã và tự kiểm tra đối với kết quả kiểm kê rừng của huyện trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt báo cáo kết quả kiểm kê rừng của huyện để gửi báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì kiểm tra ngẫu nhiên 10% diện tích từ kết quả kiểm kê rừng của cấp huyện và tự kiểm tra đối với kết quả kiểm kê rừng của tỉnh trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký duyệt;

đ) Kết quả kiểm tra phải được lập thành văn bản.

Nội dung, phương pháp kiểm tra theo quy định về quản lý chất lượng các công trình điều tra rừng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 12. Kiểm kê, thống kê rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng và kiểm kê, thống kê cây trồng phân tán

1. Nội dung, trình tự và phương pháp kiểm kê, thống kê rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng thực hiện tương tự như quy định tại điều 10, điều 11 và điều 13 Thông tư này.

2. Nội dung, trình tự và phương pháp kiểm kê, thống kê cây trồng phân tán theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 13. Trình tự và phương pháp tiến hành thống kê rừng

1. Lập biểu thống kê rừng

Từ năm tiếp theo sau năm kiểm kê rừng, tiến hành lập các biểu thống kê rừng với những nội dung chính dưới đây:

- Biểu 1A/TKR - Thống kê diện tích rừng theo 3 loại rừng: Biểu cấp xã được tập hợp từ Hồ sơ quản lý rừng, Sổ quản lý rừng và Sổ theo dõi biến động rừng của cấp xã, các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc;

- Biểu 1B/TKR - Thống kê trữ lượng rừng theo 3 loại rừng: Biểu cấp xã được tính toán từ Biểu 1A/TKR, các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc;

- Biểu 2A/TKR - Thống kê diện tích rừng theo chủ quản lý: Biểu cấp xã được tập hợp từ Hồ sơ quản lý rừng, các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc;

- Biểu 2B/TKR - Thống kê trữ lượng rừng theo chủ quản lý: Biểu cấp xã được tính toán từ Biểu 2A/TKR và Phiếu 3/KKR, các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc;

- Biểu 3/TKR- Thống kê diễn biến diện tích rừng theo nguyên nhân: Biểu cấp xã được tập hợp từ Sổ theo dõi biến động rừng, các cấp cao hơn được tập hợp từ các đơn vị trực thuộc;

- Biểu 4/TKR- Tổng hợp độ che phủ rừng theo đơn vị hành chính được tập hợp từ Biểu 1A/TKR hoặc Biểu 2A/TKR từ cấp xã đến cấp tỉnh.

Nội dung, phương pháp lập các biểu trên quy định tại phần Phụ lục kèm theo Thông tư này.

2. Các bước tiến hành

a) Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc việc báo cáo thống kê rừng tại địa phương vào đầu tháng 09 hàng năm.

b) Ủy ban nhân dân huyện giao cho Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc báo cáo thống kê rừng trên địa bàn huyện vào đầu tháng 10 hàng năm.

c) Uỷ ban nhân dân xã giao cho cán bộ Lâm nghiệp xã hoặc Kiểm lâm địa bàn, từ ngày 01 tháng 11 (trừ năm kiểm kê rừng), thực hiện thống kê rừng và nộp báo cáo kết quả thống kê rừng chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hàng năm;

- Sau khi nhận được báo cáo kết quả thống kê rừng của Uỷ ban nhân dân cấp xã, Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện việc thống kê rừng của địa phương và nộp báo cáo lên Chi Cục Kiểm lâm tỉnh chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hàng năm;

- Sau khi nhận được báo cáo kết quả thống kê rừng của cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện việc thống kê rừng của địa phương và nộp báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Kiểm lâm chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hàng năm;

- Sau khi nhận được báo cáo kết quả thống kê rừng của tỉnh, Cục Kiểm lâm tổng hợp số liệu thống kê rừng của các vùng, toàn quốc và trình Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Điều 14. Trình tự và phương pháp tiến hành lập hồ sơ quản lý rừng

1. Hồ sơ quản lý rừng gồm có:

a) Hồ sơ quản lý từng tiểu khu rừng

- Kết quả của kỳ kiểm kê rừng, thống kê được cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng của từng tiểu khu. Trong quá trình quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng trên địa bàn xã, cán bộ Lâm nghiệp xã hoặc Kiểm lâm địa bàn sẽ theo dõi những diễn biến hàng năm của từng lô quản lý và ghi chép, cập nhật thường xuyên những biến động trạng thái rừng theo các nguyên nhân vào Hồ sơ quản lý rừng.

- Hồ sơ được lập cho từng từng tiểu khu, có số hiệu đến từng lô quản lý;

b) Hồ sơ quản lý rừng cấp xã

- Hồ sơ quản lý rừng cấp xã, bao gồm: Sổ quản lý rừng của xã, Sổ theo dõi, ghi chép thống kê diện tích, trữ lượng rừng hàng năm.

- Toàn bộ các kết quả kiểm kê, thống kê rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp sẽ được ghi chép, tập hợp vào sổ quản lý rừng tới từng lô quản lý, chủ rừng.

- Trong sổ quản lý rừng ghi đầy đủ hiện trạng của lô quản lý rừng như: ký hiệu lô, khoảnh, tiểu khu, diện tích, trữ lượng, các đặc tính về phân loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng; rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng), chủ quản lý của lô quản lý rừng.

- Ghi chép sự biến động, nguyên nhân biến động về diện tích, trạng thái, chủ quản lý, đặc tính của các lô rừng và đất lâm nghiệp theo các nguyên nhân khác nhau trên phạm vi xã.

- Kết quả theo dõi, cập nhật về biến động diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong năm được tổng hợp để làm cơ sở cho việc lập báo cáo thống kê rừng năm đó;

- Bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng và các bản đồ liên quan khác;

- Các tài liệu về hồ sơ giao khoán rừng, giao khoán đất lâm nghiệp; quy hoạch, kế hoạch, phương án quản lý rừng.

Nội dung, phương pháp và cách ghi Sổ quản lý rừng của xã được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

c) Hồ sơ quản lý rừng cấp huyện

- Các biểu tổng hợp kết quả kiểm kê, thống kê diện tích và trữ lượng rừng của các xã theo đơn vị hành chính, theo 3 loại rừng và theo chủ quản lý rừng.

- Bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng và các bản đồ liên quan khác;

- Sổ theo dõi giao đất, giao rừng cho các chủ quản lý.

- Kế hoạch, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện.

d) Hồ sơ quản lý rừng cấp tỉnh

- Các biểu tổng hợp kết quả kiểm kê, thống kê diện tích và trữ lượng rừng của các huyện theo đơn vị hành chính, theo 3 loại rừng và theo chủ quản lý rừng.

- Bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng và các bản đồ liên quan khác;

- Sổ theo dõi giao đất, giao rừng cho các đơn vị, tổ chức.

- Kế hoạch, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

2. Các bước tiến hành

a) Sau khi tiến hành điều tra rừng, cán bộ Lâm nghiệp xã hoặc Kiểm lâm địa bàn tập hợp các kết quả, các số liệu thành Sổ quản lý từng tiểu khu rừng và được cập nhật vào Hồ sơ quản lý rừng cấp xã.

b) Cán bộ tổng hợp quản lý rừng ở Hạt Kiểm lâm huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có trách nhiệm cập nhật sổ sách, bản đồ, số liệu trong hồ sơ quản lý rừng của cấp mình.

Thông tư 25/2009/TT-BNN hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 25/2009/TT-BNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/05/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hứa Đức Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 259 đến số 260
  • Ngày hiệu lực: 19/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH