Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Mục 2. ÁP DỤNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG CÁC NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ THUẾ

Điều 21. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế về đăng ký thuế

1. Cơ quan thuế tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế đối với hồ sơ nhận trực tiếp tại cơ quan thuế và hồ sơ do cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển đến trên hệ thống kết nối thông tin với cơ quan đăng ký kinh doanh, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế:

a) Đối với hồ sơ người nộp thuế mới thành lập thực hiện đăng ký thuế/ đăng ký doanh nghiệp lần đầu; hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế/đăng ký doanh nghiệp hoặc hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh: Tự động cấp MST/MSDN cho người nộp thuế mới thành lập; chấp nhận hồ sơ thay đổi thông tin hoặc hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh theo quy định hiện hành về đăng ký thuế và đăng ký kinh doanh. Đồng thời, căn cứ danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để thực hiện kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện kiểm tra theo quy định pháp luật hiện hành.

b) Đối với hồ sơ đăng ký giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động:

- Thực hiện cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định;

- Yêu cầu người nộp thuế hoặc gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ về thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động.

Đồng thời, căn cứ danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện kiểm tra theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Cập nhật, phản hồi kết quả:

Cán bộ thuế giải quyết hồ sơ đăng ký thuế trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế theo phương thức điện tử; trường hợp còn thực hiện theo phương thức giấy, cơ quan thuế phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác biện pháp xử lý, kết quả kiểm tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Điều 22. Áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế

1. Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế đối với người nộp thuế có đăng ký thuế nhưng thực hiện khai thuế không đầy đủ; người nộp thuế có sản xuất kinh doanh thực hiện khai thuế không đầy đủ, đúng hạn.

2. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về danh sách trường hợp người nộp thuế kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế tại Điều 19 Thông tư này và cảnh báo của hệ thống về thông tin cần kiểm tra trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ khai thuế:

- Đối với người nộp thuế không thuộc danh sách trường hợp kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, chưa phát hiện rủi ro, chưa có dấu hiệu vi phạm thì lưu hồ sơ theo dõi;

- Đối với trường hợp người nộp thuế thuộc danh sách trường hợp kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế, đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin.

3. Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Điều 77 Luật Quản lý thuếkhoản 1, khoản 2 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế sử dụng dữ liệu thông tin của người nộp thuế đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ quản lý thuế và các thông tin liên quan đến người nộp thuế (nếu có) để thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế.

4. Cập nhật, phản hồi kết quả kiểm tra:

Cơ quan thuế khi kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế đối với người nộp thuế nêu tại khoản 2 Điều 22 Thông tư này, ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Điều 23. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế

1. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về phân loại người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế tại Điều 19 Thông tư này để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ hoàn thuế:

a) Phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế:

- Tổng cục Thuế căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ để xác định hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau và hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.

- Trường hợp, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, pháp luật hải quan hoặc trường hợp nếu người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng, cơ quan thuế thay đổi việc áp dụng hình thức phân loại hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đang thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau sang thuộc diện hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau; việc phê duyệt thay đổi áp dụng hình thức phân loại phải được cập nhật vào hệ thống thông tin nghiệp vụ.

b) Kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế (theo yêu cầu của cơ quan cấp trên) đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau:

Cơ quan thuế lựa chọn người nộp thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau căn cứ theo xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 19 Thông tư này, đồng thời phải đảm bảo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể:

b.1) Đối với người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 41 Nghị định 83/2013/NĐ-CP: Kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế theo sắp xếp thứ tự thực hiện theo xếp hạng mức độ rủi ro từ cao xuống thấp.

b.2) Đối với người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 83/2013/NĐ-CP: Kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với 100% doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao; kiểm tra, thanh tra 50% đối với doanh nghiệp rủi ro trong thời hạn 90 ngày; kiểm tra, thanh tra 50% rủi ro còn lại trong phạm vi 180 ngày.

2. Cơ quan thuế các cấp căn cứ kết quả phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn người nộp thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn nêu tại khoản 1 Điều 23 Thông tư này để thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế và kiểm tra, thanh tra hoàn thuế theo quy định pháp luật.

3. Cập nhật, phản hồi kết quả:

- Cơ quan thuế tiếp nhận giải quyết hồ sơ hoàn thuế nêu tại điểm a khoản 1 Điều 23 Thông tư này, thực hiện cập nhật vào hệ thống hồ sơ hoàn thuế, cập nhật dự thảo quyết định hoàn thuế; Tổng cục Thuế trong thời gian không quá 6 giờ làm việc có trách nhiệm phản hồi kết quả. Căn cứ kết quả phản hồi của Tổng cục Thuế, Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế quyết định này.

- Cơ quan thuế khi thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với người nộp thuế nêu tại điểm b khoản 1 Điều 23 Thông tư này, ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra, thanh tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra, thanh tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể và phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra về đơn vị liên quan cấp trên để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tiêu chí quản lý rủi ro, phục vụ việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Điều 24. Áp dụng quản lý rủi ro trong việc lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế

1. Cơ quan thuế lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hàng năm theo quy định tại Điều 78, Điều 81 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và điểm 24 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Điều 49 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và theo xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 19 Thông tư này để lựa chọn trường hợp kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hàng năm đảm bảo nguyên tắc:

- Danh sách thanh tra yêu cầu đạt tỷ lệ từ 1% đến 2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; danh sách kiểm tra đạt tỷ lệ từ 15%-18% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

- Danh sách thanh tra do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định; danh sách kiểm tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định.

a) Lựa chọn trường hợp thanh tra:

Cơ quan thuế lựa chọn trường hợp thanh tra tại trụ sở người nộp thuế đối với người nộp thuế đảm bảo:

- Số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra theo kế hoạch hàng năm;

- Số trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá tỷ lệ 10% số lượng trường hợp được thanh tra theo kế hoạch hàng năm.

b) Lựa chọn trường hợp kiểm tra:

Các trường hợp người nộp thuế xếp hạng mức độ rủi ro cao ngoại trừ các trường hợp đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra nêu tại điểm a khoản 1 Điều 24 Thông tư này được lựa chọn đưa vào trường hợp kiểm tra. Việc lựa chọn trường hợp kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế phải đảm bảo:

- Số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm;

- Số trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá tỷ lệ 10% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.

2. Tổng cục Thuế xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ và quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế các cấp trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế.

3. Việc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; danh sách bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

4. Cập nhật phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế:

- Cơ quan thuế khi thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra phải cập nhật ngay vào hệ thống; trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp có vướng mắc, ý kiến còn khác nhau... yêu cầu cập nhật vào hệ thống những nội dung này; trong phạm vi không quá 3 ngày làm việc, Tổng cục Thuế có trách nhiệm phản hồi bằng phương thức điện tử thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế. Ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra, thanh tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra, thanh tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể và phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra về đơn vị liên quan cấp trên để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tiêu chí quản lý rủi ro, phục vụ việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

- Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính pháp luật về thuế bằng phương thức điện tử, trường hợp bằng giấy phải cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu “Danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế” và thực hiện ban hành Quyết định công bố công khai “Danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế” trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

5. Cơ quan thuế tiếp nhận khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thực hiện cập nhật kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Điều 25. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

1. Cơ quan thuế thực hiện việc quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý nợ đối với người nợ thuế để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Tổng cục Thuế, thủ trưởng cơ quan thuế các cấp thực hiện xây dựng hệ thống quản lý nợ thuế và các biện pháp đôn đốc đối với từng danh sách người nộp thuế như sau:

- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, không còn nợ thuế;

- Người nộp thuế nợ thuế từ 60 - 90 ngày;

- Người nộp thuế nợ thuế từ 91 - 121 ngày;

- Người nộp thuế nợ thuế trên 121 ngày.

3. Cơ quan thuế căn cứ danh sách trường hợp quản lý theo dõi thu nợ thuế và trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Điều 19 Thông tư này và cảnh báo của hệ thống thông tin quản lý nợ để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế với từng người nộp thuế, theo quy định pháp luật hiện hành; xác nhận về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; chuyển các thông tin của người nộp thuế chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử hoặc qua đường công văn bằng giấy cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

4. Quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

- Cơ quan thuế thực hiện gửi thông báo nợ thuế và tiền chậm nộp, Quyết định cưỡng chế đến người nợ thuế nêu tại khoản 3 Điều 25 Thông tư này và đến các bên liên quan (nếu có) bằng phương thức điện tử; cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

- Hàng tháng, cơ quan thuế các cấp thực hiện công khai tình hình nợ thuế của người nộp thuế theo quy định tại Khoản 1, Điều 74 và Khoản 3 Điều 102 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội.

Điều 26. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế

1. Cơ quan thuế thực hiện quản lý việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định pháp luật hiện hành về ấn chỉ thuế.

2. Thủ trưởng cơ quan thuế căn cứ phân luồng của hệ thống thông tin nghiệp vụ về người nộp thuế thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) và trường hợp người nộp thuế cần kiểm tra, thanh tra về in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế tại Điều 19 Thông tư này để ban hành Quyết định áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý ấn chỉ thuế (Quyết định bằng hình thức điện tử hoặc bằng giấy; trường hợp Quyết định bằng giấy cán bộ thuế phải cập nhật vào hồ sơ điện tử của cơ quan thuế) như sau:

a) Quyết định trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn lần đầu, thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) hay thuộc đối tượng được tự tạo hóa đơn để sử dụng;

b) Quyết định trường hợp doanh nghiệp dừng việc sử dụng hóa đơn tự in, đặt in và chuyển sang sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc diện rủi ro cao về thuế hoặc doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế, người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức và cá nhân kinh doanh) thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì lập hóa đơn điện tử và gửi thông tin trên hóa đơn bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế để nhận mã xác thực hóa đơn từ cơ quan thuế theo quy định hiện hành;

c) Công bố công khai “Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao vi phạm pháp luật về thuế phải sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo” trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định hiện hành về quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;

d) Xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định hiện hành;

đ) Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với những hóa đơn theo quy định của pháp luật đã không còn giá trị sử dụng (bao gồm trường hợp hóa đơn do người nộp thuế tự tạo; trường hợp hóa đơn do cơ quan thuế tạo và trường hợp hóa đơn hết giá trị sử dụng do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định hiện hành);

e) Quyết định trường hợp người nộp thuế cần tiến hành kiểm tra, thanh tra việc in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra và Quy trình kiểm tra, thanh tra về thuế hiện hành.

3. Cập nhật phản hồi kết quả:

Cơ quan thuế cập nhật kết quả thực hiện biện pháp quản lý về ấn chỉ thuế bằng phương thức điện tử, trường hợp bằng giấy phải cập nhật ngay vào hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 204/2015/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/12/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 87 đến số 88
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH