Hệ thống pháp luật

Chương 7 Thông tư 196/2012/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Chương VII

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP KHÁC

Điều 45. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm phục vụ sản xuất của dự án đầu tư, dự án ưu đãi đầu tư

1. Đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế với cơ quan Hải quan đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm phục vụ sản xuất của dự án đầu tư, dự án ưu đãi đầu tư thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu: thủ tục đăng ký thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 102 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Thủ tục nhập khẩu

a) Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan nơi có hàng nhập khẩu hoặc Chi cục Hải quan nơi xây dựng dự án đầu tư;

b) Thủ tục hải quan thực hiện như hướng dẫn đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa tại Chương III Thông tư này và thực hiện thêm việc đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế với cơ quan Hải quan theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này. Hồ sơ, thủ tục miễn thuế và chế độ báo cáo, kiểm tra, quyết toán việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa miễn thuế theo hướng dẫn tại Điều 103, Điều 104 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Thanh lý hàng hóa nhập khẩu

a) Các hình thức thanh lý, hàng hóa thuộc diện thanh lý, điều kiện thanh lý, hồ sơ thanh lý hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/04/2007 của Bộ Thương mại hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của doanh nghiệp đầu tư trong nước khi thanh lý được áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/04/2007 của Bộ Thương mại.

b) Địa điểm làm thủ tục thanh lý thực hiện tại cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử;

c) Thủ tục thanh lý:

c1) Doanh nghiệp có văn bản nêu rõ lý do thanh lý, hình thức thanh lý; danh mục hàng hóa đề nghị thanh lý (gồm tên gọi, ký mã hiệu, lượng hàng cần thanh lý, thuộc tờ khai nhập khẩu số, ngày, tháng, năm) và quyết định thành lập Hội đồng thanh lý gửi cơ quan Hải quan nơi đăng ký danh mục hàng nhập khẩu được miễn thuế;

c2) Trường hợp thanh lý theo hình thức xuất khẩu thì doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu; trường hợp thanh lý theo hình thức nhượng bán tại thị trường Việt Nam, cho, biếu, tặng thì việc kê khai, tính thuế thực hiện theo quy định và không phải mở tờ khai mới;

c3) Trường hợp tiêu hủy, doanh nghiệp chủ động tổ chức việc tiêu huỷ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tác động của toàn bộ quá trình tiêu huỷ đối với môi trường. Cơ quan Hải quan giám sát quá trình tiêu huỷ, sau khi kết thúc tiêu huỷ các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu huỷ. Biên bản phải có chữ ký của giám đốc doanh nghiệp có hàng hóa tiêu huỷ (hoặc người được uỷ quyền), đóng dấu của doanh nghiệp; chữ ký, ghi rõ họ tên công chức hải quan và các bên liên quan giám sát tiêu huỷ.

Điều 46. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất

1. Nguyên tắc chung

a) Chính sách, chế độ quản lý, giám sát hải quan, chứng từ phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực hiện thống nhất theo quy định hiện hành;

b) Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực hiện theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng thương mại tại Chương III Thông tư này.

2. Một số hướng dẫn cụ thể

a) Khi làm thủ tục hải quan tạm nhập thương nhân khai báo cửa khẩu tái xuất trên tiêu chí “Ghi chép khác” của tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu;

b) Khi làm thủ tục hải quan tái xuất thương nhân phải khai báo rõ hàng hóa tái xuất thuộc tờ khai tạm nhập nào trên tiêu chí “Chứng từ đi kèm” của tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu;

c) Chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập hàng hóa chịu trách nhiệm thanh khoản tờ khai tạm nhập. Hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản, thời hạn nộp thuế (nếu có) thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 18, Điều 119 và khoản 2 Điều 132 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

Điều 47. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

1. Căn cứ để xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

a) Hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mượn có điều khoản ghi rõ hàng hóa được giao cho người nhận hàng tại Việt Nam;

b) Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mượn có điều khoản ghi rõ hàng hóa được nhận từ người giao hàng tại Việt Nam;

c) Đối với sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công: thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

d) Đối với hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công thương.

2. Địa điểm và thời hạn làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

a) Địa điểm làm thủ tục hải quan: thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện nhất do doanh nghiệp lựa chọn và theo quy định của từng loại hình.

Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều này đều phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

b) Thời hạn làm thủ tục hải quan:

Trong thời mười lăm (15) ngày kể từ ngày doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ giao hàng hóa, doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan, doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan.

Nếu quá thời hạn trên, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ chưa làm thủ tục hải quan thì cơ quan Hải quan lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, làm tiếp thủ tục hải quan.

3. Thủ tục hải quan

a) Trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu:

a1) Giao hàng hóa và các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L) cho doanh nghiệp nhập khẩu;

a2) Khai báo thông tin tờ khai xuất khẩu tại chỗ sau khi nhận được bản chụp Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ và làm thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu theo quy định.

Hồ sơ phải nộp/xuất trình khi cơ quan Hải quan có yêu cầu gồm:

a2.1) Tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu tại chỗ in: 02 bản chính;

a2.2) Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ: 01 bản chụp của doanh nghiệp nhập khẩu;

a2.3) Hợp đồng mua bán hàng hóa có chỉ định giao hàng tại Việt Nam (đối với người xuất khẩu), hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (đối với người nhập khẩu), hợp đồng thuê, mượn: 01 bản chụp;

a2.4) Hóa đơn xuất khẩu do doanh nghiệp xuất khẩu lập (liên giao khách hàng): 01 bản chụp;

a2.5) Các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L).

b) Trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu:

b1) Khai báo thông tin tờ khai nhập khẩu tại chỗ điện tử và làm thủ tục hải quan theo quy định;

Hồ sơ phải nộp/xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan Hải quan bao gồm:

b1.1) Tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu tại chỗ: 02 bản chính;

b1.2) Hợp đồng mua bán hàng hóa có chỉ định giao hàng tại Việt Nam (đối với người xuất khẩu), hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (đối với người nhập khẩu), hợp đồng thuê, mượn: 01 bản chụp;

b1.3) Các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L).

b2) Sau khi làm xong thủ tục nhập khẩu, chuyển bản chụp Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

c) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan làm thủ tục nhập khẩu:

c1) Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử theo quy định, phù hợp với từng loại hình, kiểm tra tính thuế (nếu có);

c2) Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ (theo mẫu ban hành kèm theo Phụ lục III kèm theo Thông tư này) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhập tại chỗ biết để theo dõi và gửi cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ 01 bản;

c3) Lưu các chứng từ doanh nghiệp nộp, trả lại các chứng từ do doanh nghiệp xuất trình;

c4) Thông báo cho Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu về tờ khai đã hoàn thành thủ tục qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (nếu hệ thống đáp ứng).

d) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất khẩu:

d1) Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử theo quy định, phù hợp với từng loại hình, kiểm tra tính thuế (nếu có);

d2) Lưu các chứng từ doanh nghiệp nộp, trả lại các chứng từ do doanh nghiệp xuất trình;

d3) Hàng xuất khẩu tại chỗ được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.

4. Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ và doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ đều làm thủ tục tại một Chi cục Hải quan, thì Chi cục Hải quan này thực hiện thủ tục hải quan cho cả phần hải quan làm thủ tục xuất khẩu và hải quan làm thủ tục nhập khẩu.

Điều 48. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại

1. Các trường hợp hàng hóa đã xuất khẩu bị trả lại

a) Tạm nhập hàng trả lại để sửa chữa, tái chế (gọi chung là tái chế) sau đó tái xuất;

b) Tái nhập hàng trả lại để tiêu thụ nội địa (không áp dụng đối với hàng gia công cho doanh nghiệp nước ngoài);

c) Tái nhập hàng trả lại để tiêu hủy tại Việt Nam (không áp dụng đối với hàng gia công cho doanh nghiệp nước ngoài);

d) Tạm nhập hàng trả lại để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác.

2. Nơi làm thủ tục hải quan

a) Chi cục Hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đó. Trường hợp hàng trả lại về Việt Nam qua cửa khẩu khác thì được làm thủ tục chuyển cửa khẩu về nơi đã làm thủ tục xuất khẩu;

b) Trường hợp một lô hàng bị trả lại là hàng hóa của nhiều lô hàng xuất khẩu thì thủ tục tái nhập được thực hiện tại một trong những Chi cục Hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đó;

c) Hàng hóa sau khi tái chế được làm thủ tục tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tái nhập hàng hóa đó. Trường hợp Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập và tái xuất hàng hóa là Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu (không phải là Chi cục Hải quan cửa khẩu) thì hàng hóa được thực hiện theo thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

3. Thời hạn tái chế, tiêu hủy

a) Đối với hàng hóa tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập; quá thời hạn đăng ký mà chưa tái xuất thì phải nộp thuế theo quy định;

b) Đối với hàng hóa tái nhập để tiêu hủy thì thời hạn tiêu hủy do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày tái nhập; quá thời hạn đăng ký mà chưa tiêu hủy thì phải nộp thuế theo quy định.

4. Thủ tục nhập khẩu hàng trả lại:

a) Hồ sơ hải quan gồm:

a1) Văn bản đề nghị tái nhập hàng hóa, nêu rõ hàng hóa thuộc tờ khai xuất khẩu nào, đã được cơ quan Hải quan xét hoàn thuế, không thu thuế và đã kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào với cơ quan thuế chưa? (ghi rõ số quyết định hoàn thuế, không thu thuế) đồng thời nêu rõ lý do tái nhập (để tái chế hoặc để tiêu thụ nội địa hoặc để tiêu hủy hoặc để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác; hàng nhập khẩu để tái chế phải ghi rõ địa điểm tái chế, thời gian tái chế, cách thức tái chế, những hao hụt sau khi tái chế): nộp 01 bản chính;

a2) Tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu (trên tờ khai tạm nhập khẩu phải thể hiện thông tin về số, ngày tháng năm của tờ khai xuất khẩu trước đó), bản kê chi tiết hàng hóa, vận tải đơn: như đối với hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán;

a3) Tờ khai hải quan xuất khẩu trước đây: nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính;

a4) Văn bản của bên nước ngoài (bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu) thông báo hàng bị trả lại (nếu có): nộp 01 bản chụp.

b) Cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa (trừ giấy phép nhập khẩu, giấy phép quản lý chuyên ngành,...). Hàng tái nhập phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa phải đối chiếu hàng hóa nhập khẩu với mẫu lưu nguyên liệu (nếu sản phẩm xuất khẩu thuộc loại hình gia công, SXXK, có lấy mẫu nguyên liệu và còn trong thời gian lưu mẫu; nguyên liệu không bị biến đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm) và hàng hóa mô tả trên tờ khai xuất khẩu để xác định phù hợp giữa hàng hóa nhập khẩu trở lại Việt Nam với hàng hóa đã xuất khẩu trước đây; lấy mẫu hàng tái nhập hoặc chụp hình (đối với lô hàng tạm nhập không thể lấy mẫu được) để đối chiếu khi tái xuất.

5. Thủ tục tái xuất hàng hoá

a) Hồ sơ hải quan gồm:

a1) Tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu in (trên tờ khai phải thể hiện thông tin tham chiếu đến tờ khai tạm nhập khẩu trước đó): nộp 02 bản chính;

a2) Tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu in trước đây: nộp 01 bản chụp.

b) Cơ quan Hải quan làm thủ tục như đối với hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa. Hàng tái xuất phải kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa phải đối chiếu thực tế hàng tái xuất với mẫu hàng hóa khi tái nhập (hoặc hình ảnh chụp hàng hóa khi làm thủ tục tái nhập);

c) Nếu hàng tái chế không tái xuất được thì doanh nghiệp phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập giải trình rõ lý do không tái xuất được, trên cơ sở đó đề xuất Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập xem xét, chấp nhận các hình thức xử lý như sau:

c1) Đối với sản phẩm tái chế là hàng gia công:

c1.1) Làm thủ tục hải quan theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ để tiêu thụ nội địa, nếu đáp ứng đủ điều kiện như đối với xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP; hoặc

c1.2) Tiêu hủy, nếu bên thuê gia công đề nghị được tiêu hủy tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền về quản lý môi trường cho phép tiêu hủy tại Việt Nam.

c2) Đối với sản phẩm tái chế không phải là hàng gia công thì chuyển tiêu thụ nội địa như hàng tái nhập để tiêu thụ nội địa.

6. Trường hợp hàng tái nhập là sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; hàng hóa kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu như các trường hợp nêu tại điểm b, điểm c khoản 1 và điểm c khoản 5 hoặc trường hợp quá thời hạn nêu tại khoản 3 Điều này thì xử lý thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 113 Thông tư số 194/2010/TT-BTC.

Điều 49. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã nhập khẩu nhưng phải xuất trả

1. Các hình thức xuất trả hàng nhập khẩu

a) Xuất trả lại cho chủ hàng nước ngoài đã bán lô hàng này;

b) Xuất cho đối tác nước ngoài khác.

2. Nơi làm thủ tục xuất trả: Chi cục Hải quan đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đó. Trường hợp hàng xuất trả cho khách hàng nước ngoài qua cửa khẩu khác thì được làm thủ tục chuyển cửa khẩu đến cửa khẩu xuất.

3. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Văn bản giải trình của doanh nghiệp về việc xuất trả hàng;

b) Tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu in (trên tờ khai phải thể hiện thông tin về số, ngày tháng năm, số lượng tái xuất tương ứng của từng tờ khai nhập khẩu trước đây): nộp 02 bản chính;

c) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu in trước đây: nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính;

d) Văn bản chấp thuận nhận lại hàng (bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu) của chủ hàng nước ngoài (nếu hàng xuất trả lại cho chủ hàng bán lô hàng này): nộp 01 bản chính hoặc bản chụp; hợp đồng bán hàng cho nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (nếu hàng tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan): nộp 01 bản chụp.

4. Thủ tục hải quan thực hiện như đối với lô hàng xuất khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa. Hàng xuất trả phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa phải đối chiếu mẫu lưu hàng hóa lấy khi nhập khẩu (nếu có lấy mẫu); đối chiếu mô tả hàng hóa trên tờ khai nhập khẩu với thực tế hàng hóa tái xuất; ghi rõ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu và việc xác định sự phù hợp giữa hàng hóa thực xuất khẩu với hàng hóa đã nhập khẩu trước đây.

Điều 50. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan

1. Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp ưu tiên) được thực hiện thủ tục hải quan điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, được áp dụng chế độ ưu tiên trong khai hải quan, báo cáo hoặc thanh khoản (nếu có).

2. Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp ưu tiên được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan điện tử và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng).

3. Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể nội dung ưu tiên nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 51. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan

Kho ngoại quan được thành lập, di chuyển, mở rộng, thu hẹp theo quy định tại Mục 3 Chương III Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2012 của Bộ Tài chính. Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan được thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan.

Thông tư 196/2012/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 196/2012/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/11/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 773 đến số 774
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH