Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 2 Thông tư 18/2018/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Mục 4. QUẢN LÝ VẬN HÀNH VÀ TRAO ĐỔI THÔNG TIN

Điều 19. Trách nhiệm quản lý và quy trình vận hành của tổ chức

1. Tổ chức ban hành các quy trình vận hành đối với hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên, tối thiểu bao gồm: quy trình bật, tắt hệ thống; quy trình sao lưu, phục hồi dữ liệu; quy trình vận hành ứng dụng; quy trình xử lý sự cố; quy trình giám sát và ghi nhật ký hoạt động của hệ thống. Trong đó phải xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của người sử dụng, vận hành hệ thống. Định kỳ tối thiểu mỗi năm một lần, tổ chức thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung các quy trình vận hành hệ thống thông tin để phù hợp thực tế.

2. Tổ chức triển khai các quy trình đến toàn bộ các đối tượng tham gia vận hành và giám sát tuân thủ việc thực hiện các quy trình đã ban hành.

3. Môi trường vận hành của hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên phải đáp ứng yêu cầu:

a) Tách biệt với các môi trường phát triển, kiểm tra và thử nghiệm;

b) Áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin;

c) Không cài đặt các công cụ, phương tiện phát triển ứng dụng;

d) Loại bỏ hoặc tắt các tính năng, phần mềm tiện ích không sử dụng trên hệ thống thông tin.

4. Đối với hệ thống thông tin xử lý giao dịch khách hàng phải đáp ứng yêu cầu sau:

a) Không để một cá nhân được đồng thời thực hiện các công việc khởi tạo và phê duyệt một giao dịch;

b) Áp dụng các biện pháp bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu giao dịch;

c) Mọi thao tác trên hệ thống phải được lưu vết, sẵn sàng cho kiểm tra, kiểm soát khi cần thiết.

Điều 20. Lập kế hoạch và chấp nhận hệ thống thông tin

1. Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn, định mức, yêu cầu kỹ thuật để bảo đảm hoạt động bình thường đối với tất cả các hệ thống thông tin hiện có và các hệ thống thông tin khác trước khi đưa vào áp dụng chính thức.

2. Căn cứ các tiêu chuẩn, định mức, yêu cầu kỹ thuật đã xây dựng, tổ chức giám sát, tối ưu hiệu suất của hệ thống thông tin; đánh giá khả năng đáp ứng, tình trạng hoạt động, cấu hình hệ thống của hệ thống thông tin để dự báo, lập kế hoạch mở rộng, nâng cấp bảo đảm khả năng đáp ứng trong tương lai.

3. Tổ chức rà soát, cập nhật tiêu chuẩn, định mức, yêu cầu kỹ thuật khi có sự thay đổi đối với hệ thống thông tin; thực hiện đào tạo và chuyển giao kỹ thuật đối với những nội dung thay đổi cho các nhân sự có liên quan.

Điều 21. Sao lưu dự phòng

Tổ chức thực hiện sao lưu dự phòng bảo đảm an toàn dữ liệu như sau:

1. Lập danh sách hệ thống thông tin theo mức độ quan trọng cần được sao lưu, kèm theo thời gian lưu trữ, định kỳ sao lưu, phương pháp sao lưu và thời gian kiểm tra phục hồi hệ thống từ dữ liệu sao lưu.

2. Dữ liệu của các hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên phải có phương án tự động sao lưu phù hợp với tần suất thay đổi của dữ liệu và bảo đảm nguyên tắc dữ liệu phát sinh phải được sao lưu trong vòng 24 giờ. Dữ liệu sao lưu phải được lưu trữ ra phương tiện lưu trữ ngoài (như băng từ, đĩa cứng, đĩa quang hoặc phương tiện lưu trữ khác) và cất giữ, bảo quản an toàn tách rời với khu vực lắp đặt hệ thống thông tin nguồn.

3. Đối với hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên phải kiểm tra, phục hồi dữ liệu sao lưu từ phương tiện lưu trữ ngoài tối thiểu sáu tháng một lần.

4. Tổ chức có cả hệ thống thông tin chính và dự phòng đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân, dữ liệu giao dịch của khách hàng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 22. Quản lý an toàn, bảo mật hệ thống mạng

Tổ chức thực hiện quản lý an toàn, bảo mật hệ thống mạng như sau:

1. Xây dựng quy định về quản lý an toàn, bảo mật hệ thống mạng và quản lý các thiết bị đầu cuối của toàn bộ hệ thống mạng.

2. Lập, lưu trữ hồ sơ về sơ đồ logic và vật lý đối với hệ thống mạng, bao gồm cả mạng diện rộng (WAN/Intranet) và mạng nội bộ (LAN).

3. Xây dựng hệ thống mạng của tổ chức đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau:

a) Chia tách thành các vùng mạng khác nhau theo đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng và hệ thống thông tin, tối thiểu: (i) Có phân vùng mạng riêng cho máy chủ của hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên; (ii) Có phân vùng mạng trung gian (DMZ) để cung cấp dịch vụ trên mạng Internet; (iii) Có phân vùng mạng riêng để cung cấp dịch vụ mạng không dây;

b) Có thiết bị có chức năng tường lửa để kiểm soát các kết nối, truy cập vào ra các vùng mạng quan trọng;

c) Có thiết bị có chức năng tường lửa và chức năng phát hiện phòng chống xâm nhập để kiểm soát kết nối, truy cập từ mạng không tin cậy vào hệ thống mạng của tổ chức;

d) Có giải pháp kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các kết nối, truy cập trái phép vào hệ thống mạng nội bộ của tổ chức có hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên;

đ) Có phương án cân bằng tải và phương án ứng phó tấn công từ chối dịch vụ đối với các hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên cung cấp dịch vụ trên mạng Internet.

4. Thiết lập, cấu hình các tính năng theo thiết kế của các trang thiết bị an ninh mạng; thực hiện các biện pháp, giải pháp để dò tìm và phát hiện kịp thời các điểm yếu, lỗ hổng về mặt kỹ thuật của hệ thống mạng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện những kết nối, trang thiết bị, phần mềm cài đặt bất hợp pháp vào mạng.

Điều 23. Trao đổi thông tin

Trách nhiệm của tổ chức trong việc trao đổi thông tin với khách hàng và bên thứ ba:

1. Ban hành quy định về trao đổi thông tin tối thiểu gồm: loại thông tin trao đổi; quyền và trách nhiệm của cá nhân khi tiếp cận thông tin; phương tiện trao đổi thông tin; biện pháp bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật khi truyền nhận, xử lý, lưu trữ thông tin; chế độ bảo quản thông tin.

2. Khi trao đổi thông tin nội bộ và thông tin bí mật với bên ngoài phải có văn bản thỏa thuận, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia trong việc sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin.

3. Các thông tin bí mật phải được mã hóa hoặc áp dụng các biện pháp bảo mật thông tin trước khi trao đổi.

4. Thực hiện biện pháp bảo vệ trang thiết bị, phần mềm phục vụ trao đổi thông tin nhằm hạn chế việc xâm nhập, khai thác bất hợp pháp.

5. Thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát và kiểm soát chặt chẽ các trang thông tin điện tử cung cấp thông tin, dịch vụ, giao dịch trực tuyến cho khách hàng.

Điều 24. Quản lý dịch vụ giao dịch trực tuyến

1. Yêu cầu đối với hệ thống thông tin của tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến cho khách hàng:

a) Bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu trao đổi với khách hàng trong giao dịch trực tuyến;

b) Dữ liệu trên đường truyền phải bảo đảm tính bí mật và phải được truyền đầy đủ, đúng địa chỉ và có biện pháp bảo vệ để tránh bị sửa đổi hoặc nhân bản trái phép;

c) Đánh giá mức độ rủi ro trong giao dịch trực tuyến theo đối tượng khách hàng, loại giao dịch, hạn mức giao dịch để cung cấp giải pháp xác thực giao dịch phù hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

d) Trang thông tin điện tử giao dịch trực tuyến phải được áp dụng các biện pháp chứng thực chống giả mạo và ngăn chặn, chống sửa đổi trái phép.

2. Xác thực giao dịch của khách hàng phải được thực hiện trực tiếp tại hệ thống thông tin của tổ chức. Trường hợp tổ chức sử dụng dịch vụ xác thực của bên thứ ba thì tổ chức phải quản lý tối thiểu một yếu tố xác thực.

3. Hệ thống dịch vụ giao dịch trực tuyến phải được áp dụng các biện pháp để giám sát chặt chẽ và phát hiện, cảnh báo về:

a) Giao dịch đáng ngờ dựa vào các tiêu chí tối thiểu gồm: thời gian giao dịch, địa điểm giao dịch (vị trí địa lý, địa chỉ IP mạng), tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần xác thực sai quy định;

b) Hoạt động bất thường của hệ thống;

c) Các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS - Denial of Service attack), tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS - Distributed Denial of Service attack).

4. Tổ chức hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và cảnh báo rủi ro cho khách hàng trước khi tham gia sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến và theo định kỳ.

5. Khi cung cấp phần mềm ứng dụng giao dịch trực tuyến trên Internet phải áp dụng các biện pháp bảo đảm tính toàn vẹn của phần mềm.

Điều 25. Giám sát và ghi nhật ký hoạt động của hệ thống thông tin

Tổ chức thực hiện giám sát và ghi nhật ký hoạt động của hệ thống thông tin như sau:

1. Ghi và lưu trữ nhật ký về hoạt động của hệ thống thông tin và người sử dụng, các lỗi phát sinh, các sự cố an toàn thông tin. Dữ liệu nhật ký của các hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên phải được lưu trữ trực tuyến tối thiểu 3 tháng theo hình thức tập trung và sao lưu tối thiểu một năm.

2. Bảo vệ các chức năng ghi nhật ký và thông tin nhật ký, chống giả mạo và truy cập trái phép; bảo đảm người quản trị hệ thống và người sử dụng không thể xóa hay sửa đổi nhật ký hệ thống ghi lại các hoạt động của chính họ.

3. Thực hiện việc đồng bộ thời gian giữa các hệ thống thông tin.

Điều 26. Phòng chống mã độc

Tổ chức xây dựng và thực hiện quy định về phòng chống mã độc như sau:

1. Xác định trách nhiệm của cá nhân và các bộ phận liên quan trong công tác phòng chống mã độc.

2. Triển khai biện pháp, giải pháp phòng chống mã độc cho toàn bộ hệ thống thông tin của tổ chức.

3. Cập nhật mẫu mã độc và phần mềm phòng chống mã độc mới.

4. Kiểm tra, diệt mã độc đối với vật mang tin nhận từ bên ngoài trước khi sử dụng.

5. Kiểm soát việc cài đặt phần mềm bảo đảm tuân thủ theo quy chế an toàn thông tin của tổ chức.

6. Kiểm soát thư điện tử lạ, các tệp tin đính kèm hoặc các liên kết trong các thư lạ.

Thông tư 18/2018/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 18/2018/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/08/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Kim Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH